Theo điều tra mới công bố, cựu cảnh sát mật số hai của Kazakhstan chính là chủ nhân ngôi nhà của thám tử Sherlock Holmes trong bộ tiểu thuyết giả tưởng cùng tên.

Tờ The Daily Beast dẫn nguồn Tổ chức Giám sát minh bạch Global Witness tại London cho biết, cựu điệp viên Rakhat Aliyev quá cố cùng với con trai Nurali có thể chính là những người sở hữu hợp pháp căn nhà 221b phố Baker, hoặc đúng hơn là khu vực mà căn nhà này thực sự tồn tại.

Địa chỉ này được cho là căn nhà của thám tử Sherlock Holmes – một nhân vật trong bộ tiểu thuyết trinh thám giả tưởng nổi tiếng của tác giả Conan Doyle. Tờ báo cho rằng có một bảo tàng mang tên Sherlock mang địa chỉ y hệt như vậy, nhưng lại đặt sai địa điểm, ở cách đó vài số nhà.

Global Witness cho hay, ‘các công ty và những người có thể liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới Rakhat và Nurali đứng sau công ty của Anh sở hữu khối tài sản ở phố Baker trị giá 137 triệu Bảng Anh, và một biệt thự trị giá 9,3 triệu Bảng Anh ở Highgate’ – nơi mà Karl Marx từng ở.

Nurali không lên tiếng phản hồi về các cáo buộc này. Tháng 2 năm nay, ông Rakhat Aliyev, cha của Nurali, được phát hiện trong tình trạng treo cổ ở nhà tù tại Vienna (Áo).

{keywords}

Cựu điệp viên Rakhat Aliyev

Rakhat Aliyev là con rể nhà lãnh đạo Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, nhưng ông đã rời xa gia đình này, sau khi họ cáo buộc ông âm mưu làm phản và kết án vắng mặt. Rakhat Aliyev từng làm đại sứ Kazakhstan tại Áo, và Phó Giám đốc KNB – tổ chức tình báo kế thừa KGB.

Rakhat Aliyev là một nhà tài phiệt đặc trưng với số tài sản vô kể, được gây dựng đầu tiên từ ngành công nghiệp mía đường ở Trung Á. Ông thậm chí còn có biệt danh là ‘Đường’. Nhiều cáo buộc nhắm vào ông cho rằng, ông đã rửa các khoản tiền bất chính ở châu Âu.

Tháng 6/2015, ông vẫn còn tài sản bị đóng băng ở Malta, do bị cáo buộc dùng hệ thống tài chính để rửa 100 triệu Euro. Số tiền này được cho là do ông đã nhận hối lộ từ thời làm ở KNB. Vào thời điểm ông chết, ông vẫn còn bị điều tra nhiều vụ liên quan tới tài chính ở Liên minh châu Âu.

Ai cũng có thể hình dung ra dấu vết bạo lực liên quan tới Rakhat Aliyev. Cận vệ của cựu Thủ tướng Kazakhstan Akezhan Kazhegeldin nói rằng, chính Aliyev đã tra tấn ông để thử và cố dùng cận vệ này để lôi kéo Kazhegeldin vào một vụ âm mưu làm phản.

Thực tế, Aliyev bị cầm tù tại Áo sau khi bị kết tội giết người năm 2011. Nạn nhân của ông là hai ông chủ nhà băng ở Kazakhstan. Theo BBC, thi thể của hai người này đã ‘bị vùi vào các thùng chứa đầy vôi ở bãi đất hoang ở Almaty’. Aliyev đã bác bỏ tội này.

Vậy điều gì đã kết nối tài phiệt người Kazakhstan với nhân vật huyền thoại hay dùng tẩu thuốc lá trong tiểu thuyết trinh thám?

Tổ chức Global Witness đã nghiên cứu tỉ mỉ bốn công ty đăng ký tại Anh, đều chung một công ty mẹ có đăng ký tại đảo Virgin của Anh. Đây là một trong số rất nhiều địa điểm được các tỉ phú, băng nhóm tội phạm và các quan chức nước ngoài lựa chọn.

Từ 2008-2010, các công ty này mua các khối tài sản trên phố Baker trên danh nghĩa những khách hàng không tiết lộ danh tính với Cơ quan Đăng ký Đất đai của Anh. Cơ quan này cũng không đòi các công ty mua tài sản phải công khai tên tuổi người thụ hưởng.

Tuy nhiên, có vô số mối liên hệ về mặt tình huống cho thấy, đó là tài sản của Rakhat Aliyev.

Chẳng hạn, Massimiliano Dall’Osso, Giám đốc điều hành người Italy của công ty thép Đức, có liên quan trực tiếp tới Aliyev và người vợ thứ hai của ông này. Dall’Osso hiện là giám đốc 3/4 công ty của Anh. Tuy vậy, Dall’Osso nói Aliyev không sở hữu bất kỳ công ty nào trong đó.

Hơn nữa, công ty thứ tư là Greatex Limited đã bán các nhà số 231-237 ở phố Baker vào năm 2009 trùng với tên một công ty nữa đăng ký tại Geneva là Greatex SA.

Một người đàn ông quốc tịch Kazakhstan có tên là Mukhamed Ali Kurmanbayev khi đó đang là giám đốc của cả hai công ty này. Còn chủ tịch của công ty Thụy Sĩ lại chính là Nurali Aliyev, con trai của Rakhat, khi đó mới 22 tuổi.

Nurali từng theo học tại trường West Point của Anh, hiện đang nắm trong tay số tài sản được cho là 200 triệu USD. Nurali hiện đang là Phó Thị trưởng Astana (Kazakhstan).

“Những nhà tài phiệt giàu có này thường tới London, bởi vì đó đúng là một nơi đáng để bạn gửi tiền”, Simon Farrel QC, luật sư tại Anh chuyên về các tội phạm kinh tế và rửa tiền, nhận định.

“Đó là nơi cực kỳ hiếm có để giữ tài sản, bởi đây là một nền dân chủ nơi mà luật pháp được tuân thủ nghiêm ngặt, quan tòa không tham nhũng và bạn có thể tin tưởng giới luật sư. Ở nhiều nơi trên thế giới, giới siêu giàu không thể chắc chắn là tài sản của họ sẽ an toàn” – ông Farrel nói thêm.

Thực tế, London hiện đang được xem là điểm đến số một trên thế giới để rửa tiền, với ước tính 1 tỷ USD đổ vào đây mỗi tháng.

Lê Thu