Khi các phi công trên hai chuyến bay của Ethiopian Airlines và Lion Air vật lộn lấy lại quyền kiểm soát chiếc máy bay 737 MAX đang không ngừng chúi mũi xuống đất chỉ một thời gian ngắn sau khi cất cánh, họ không có sự hỗ trợ của hai tính năng an toàn trong buồng lái. Hai thiết bị này có thể cứu phi cơ khỏi thảm kịch, nhưng lại không được tập đoàn Boeing trang bị sẵn trên dòng 737 MAX và các hãng hàng không phải trả thêm số tiền khá lớn để mua chúng, theo New York Times.

{keywords}
Một máy bay Boeing 737 MAX tại sân bay.( Ảnh: CBC)

Với Boeing và các nhà sản xuất máy bay khác, việc tính thêm phí để gắn các thiết bị nâng cấp cho một máy bay tiêu chuẩn là hoạt động thường thấy nhằm gia tăng lợi nhuận. Các hãng hàng không hàng đầu trên thế giới đều phải trả số tiền không nhỏ nếu họ muốn đặt hàng bổ sung những tùy chỉnh nâng cao cho máy bay.

Đôi khi những tính năng mua thêm này liên quan đến thẩm mỹ hay tiện ích trên máy bay, chẳng hạn chỗ ngồi cao cấp, ánh sáng lạ mắt hay nhà vệ sinh phụ. Nhưng một số tính năng trong số đó lại liên quan tới liên lạc, điều hướng hay hệ thống an toàn được coi là cần thiết đối với hoạt động của máy bay.

Nhiều hãng hàng không, đặc biệt là những hãng giá rẻ như Lion Air của Indonesia, không chọn mua thêm các tính năng bổ sung này, bởi chúng không phải là yêu cầu bắt buộc theo quy định của cơ quan quản lý hàng không các nước. Trong buồng lái một chiếc 737 MAX tiêu chuẩn không có đồng hồ hiển thị góc tấn, cũng không có thiết bị báo cảm biến góc tấn bị sai lệch.

Giờ đây, trước hai vụ tai nạn máy bay chết người cùng liên quan tới dòng máy bay 737 MAX, Boeing sẽ biến đèn báo lỗi cảm biến góc tấn thành trang bị tiêu chuẩn trên máy bay, trong nỗ lực sửa chữa sai lầm để giúp 737 MAX có thể cất cánh trở lại.

Chưa rõ nguyên nhân dẫn tới vụ rơi máy bay Ethiopian Airlines ngày 10/3 và vụ rơi máy bay Lion Air hồi cuối tháng 10 năm ngoái. Các nhà điều tra đang xem xét khả năng hệ thống tự động chống thất tốc (luồng khí đi qua cánh máy bay quá yếu để tạo ra lực nâng) mới được lắp đặt trên các dòng Boeing MAX có thể là nguyên nhân gây tai nạn.

Hệ thống Tăng cường Tính năng Điều khiển (MCAS) mới được lắp đặt trên máy bay 737 MAX đọc dữ liệu từ một trong hai thiết bị mang tên cảm biến góc tấn được gắn ở phía trước buồng lái, nhằm xác định mũi máy bay đang chúc xuống hay hướng lên bao nhiêu độ trên không trung. Khi MCAS phát hiện phi cơ ngóc mũi lên quá cao, nó sẽ tự động chúc mũi máy bay xuống nhằm chống thất tốc.

Cả hai tính năng an toàn tùy chọn của Boeing có thể giúp phi công phát hiện trục trặc từ cảm biến góc tấn. Đồng hồ góc tấn hiển thị dữ liệu thu thập được từ hai cảm biến, cho phép phi công xác định phi cơ có thực sự đang ngóc mũi lên hay không. Trong khi đó, đèn báo lỗi cảm biến góc tấn sẽ được kích hoạt nếu hệ thống phát hiện hai cảm biến cung cấp dữ liệu không đồng nhất.

Boeing sẽ sớm cập nhật phần mềm MCAS và tiêu chuẩn hóa đèn báo lỗi cảm biến góc tấn trên tất cả các máy bay 737 MAX, theo một nguồn tin giấu tên. Thực tế, Boeing đã bắt đầu tiến hành sửa chữa phần mềm và thay thế thiết bị trước khi vụ tai nạn máy bay Ethiopia xảy ra.

"Chúng rất quan trọng và hầu như không mất chi phí", Bjorn Fehrm, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn hàng không Leeham, nhận xét. "Họ tính phí lắp đặt thêm chúng vì họ có thể làm vậy. Nhưng chúng là cần thiết để đảm bảo an toàn".

Hồi đầu tuần, giám đốc điều hành Boeing Dennis A. Muilenburg cho biết công ty đang nỗ lực cải tiến để khiến máy bay an toàn hơn. "Một phần trong quy trình tiêu chuẩn của chúng tôi sau bất kỳ sự cố nào là kiểm tra lại thiết kế cũng như khả năng hoạt động của máy bay và vào thời điểm thích hợp, chúng tôi sẽ cập nhật sản phẩm để cải thiện tính năng an toàn", ông nhấn mạnh. 

Theo chuyên gia, việc tính phí những tính năng tùy chọn có thể mang đến nguồn thu lớn cho các hãng sản xuất máy bay.

Theo một báo cáo của Jackson Square Aviation, công ty cho thuê máy bay trụ sở ở San Francisco, Mỹ, trong khoảng thời gian Boeing bắt đầu chiến dịch quảng bá cho 737 MAX 8 từ 2013, một hãng hàng không sẽ phải chi từ 800.000 USD đến 2 triệu USD cho hàng loạt tính năng bổ sung, tương đương khoảng 5% giá cuối cùng của phi cơ.

Theo Tienphong