Đi làm hay ở nhà, đây là câu hỏi hóc búa với nhiều quan chức, tập đoàn và người lao động Trung Quốc, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải cân bằng giữa nguy cơ virus viêm phổi corona (covid-19) tiếp tục lây lan và sự cần thiết của việc nối lại các hoạt động lao động sản xuất.

Phần lớn các tỉnh thành Trung Quốc đã nối lại hoạt động sản xuất từ hôm 10/2, sau chuỗi ngày nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, nhưng những dòng người lao động quay trở lại xí nghiệp làm việc đang khiến nhiều nhà chức trách tại Trung Quốc phải ‘đau đầu’.

{keywords}
Việc cân bằng phát triển kinh tế và phòng chống dịch corona là vấn đề hóc búa với TQ. Ảnh: SCMP

Số liệu từ SCMP cho biết, virus viêm phổi COVID-19 tính tới rạng sáng 13/2 đã cướp đi sinh mạng của 1.361 người và khiến gần 59.600 người khác tại Trung Quốc nhiễm bệnh. Dù hiện dịch bệnh đã có dấu hiệu được khống chế, nhưng khi người lao động quay trở lại xí nghiệp họ làm việc đang làm nỗi lo về nguy cơ các ca nhiễm gia tăng ngày một lớn hơn.

Chính quyền Bắc Kinh từng nói việc ngăn chặn bệnh dịch hiện đang là ưu tiên số một, nhưng họ cũng hiểu rằng họ không có đủ khả năng để ‘đóng băng’ dây chuyền sản xuất công nghiệp của nước này vô thời hạn, nhất là nền kinh tế Trung Quốc hiện đang phát triển ở mức chậm nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Tuy nhiên quy mô dịch virus corona gây ra với ‘quốc gia tỷ dân’ là vô cùng lớn. SCMP trích số liệu từ Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết, do có khoảng 160 triệu người quay trở lại xí nghiệp trong tuần này nên điều này sẽ tạo áp lực lớn đối với nhiều chính quyền địa phương, nhất là những vùng ven biển với số lượng lớn người lao động ngoại tỉnh làm việc tại đây.

Nhà kinh tế học Li Xunlei thuộc Tập đoàn tài chính Trung Thái nhận định, các thành phố sản xuất công nghiệp như Thượng Hải, Tô Châu, Hàng Châu, Thẩm Quyến và Đông Hoản đang phải đối mặt với áp lực từ vấn đề người lao động ngoại tỉnh quay trở lại xí nghiệp.

“Thâm Quyến có sự di chuyển về dân cư lớn nhất, với rất nhiều khách du lịch và lao động ngoại tỉnh, và cư dân sinh sống tại đây đã tăng nhanh chóng trong ba năm qua. Thượng Hải thì có mật dộ dân số lớn nhất Trung Quốc. Như một trung tâm về kinh tế, tài chính, giao thương và vận tải, số lượng người lao động ngoại tỉnh lớn, và có rất nhiều công nhân làm việc tại đây tới từ các tỉnh An Huy và Hà Nam, vốn có đang bị dịch virus corona hoành hành nặng nề”, ông Li nói.

“Hai thành phố lớn này đang phải đối mặt với bài toán về dịch virus corona có thể sẽ tiếp tục lây lan bởi lượng người lao động di chuyển tới đây,… nên chính quyền hai thành phố này buộc phải áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa”, ông nói thêm.

{keywords}
Nhiều xí nghiệp TQ chịu ảnh hưởng từ dịch virus viêm phổi corona. Ảnh: THX

Chính quyền Thượng Hải đã có những biện pháp khuyến khích nhiều doanh nghiệp trong các ngành công nghệ thông tin hay nghiên cứu khoa học sắp xếp công việc một cách linh hoạt để nhân viên của họ có thể làm việc tại nhà. Kết quả một cuộc khảo sát do chính quyền thành phố này công bố cho biết, có khoảng 70% xí nghiệp và 80% công ty phần mềm điện tử đã trở lại làm việc trong tuần này, nhưng phần lớn nhân viên các công ty trên đều làm việc ở nhà.

Tuần trước, chính quyền thành phố Tô Châu thuộc tỉnh Giang Tô đã yêu cầu người lao động từ các tỉnh Hồ Bắc và Chiết Giang tạm thời chưa quay lại làm việc, cho tới khi có thông báo tiếp theo.

Hay như chính quyền các thành phố Trung Sơn và Phật Sơn ở tỉnh Quảng Đông đã yêu cầu các xí nghiệp tại đây ngừng hoạt động tới ít nhất ngày 1/3 tới, hoặc như nhiều doanh nghiệp ở Hàng Châu hàng ngày đều phải làm báo cáo về thân nhiệt người lao động làm việc tại các xí nghiệp để cung cấp cho chính quyền thành phố.

Tại vùng ‘tâm dịch’ Hồ Bắc bị phong tỏa hàng chục thành phố cùng khoảng 60 triệu dân, vốn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc như đầu mối vận chuyển hàng hóa, cũng như đầu mối sản xuất của các ngành chế tạo ô tô và công nghệ thông tin tại nước này. Việc phong tỏa lâu dài tỉnh này có thể tạo ra sự thâm hụt lớn trong chuỗi cung ứng của ‘quốc gia tỷ dân’.

Giám đốc Tập đoàn Eastcolight, ông Johnny Sze Chun-hong tại thành phố Trung Sơn thuộc tỉnh Quảng Đông cho biết, xí nghiệp của ông sẽ không hoạt động trở lại cho tới ngày 24/2.

“Chúng tôi nghĩ sẽ an toàn hơn nếu đợi thêm một tuần nữa. Có rất nhiều nhân viên của tập đoàn chúng tôi chưa thể quay lại làm việc do những khó khăn về giao thông, cũng như chung tôi phải đợi các nhà máy thuộc nhiều chuỗi cung ứng khác hoạt động trở lại, bởi doanh nghiệp chúng tôi có vai trò sau cùng trong chuỗi sản xuất sản phẩm”, ông nói.

Tuấn Trần