Theo phần lớn giới sử gia, đền thờ do kiến trúc sư Cherisiphron ở Crete, Hy Lạp thiết kế năm 550 trước Công nguyên. Đền được xây để thờ nữ thần săn bắn Artemis trên nền một ngôi đền nhỏ hơn thờ nữ thần Artemis ở thành phố Ephesus nhưng đã bị lũ phá hủy cách đây hai thế kỷ. Ngôi đền mới và lộng lẫy hơn nhiều này được xây dựng lại gần như hoàn toàn từ đá cẩm thạch trắng sáng bóng. Dầm đỡ bằng gỗ tuyết tùng được xử lý bằng nước hoa và dầu.

{keywords}
Vẻ đẹp tráng lệ của Đền Artemis được tái hiện lại. Ảnh: Orange Smile

Chi phí mua loại đá cẩm thạch đắt đỏ này và chi phí xây dựng đền phần lớn do Vua Croesus của nước Lydia (phía Tây Bắc của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) bỏ ra. Để đảm bảo ngôi đền càng bền vững càng tốt, ngoài việc xây từ các phiến đá cẩm thạch cứng và dầm gỗ được xử lý đặc biệt, ngôi đền còn được xây trên nền đất đầm lầy. Lý do đền được xây trên đất mềm là để nó có thể chống đỡ tốt hơn với động đất.

Để giúp giải quyết những vấn đề khi xây một cấu trúc lớn trên nền đất đầm lầy, khu vực móng được gia cố bằng hàng tấn than và da cừu. Sau đó, đá phiến và cẩm thạch được đặt lên trên một bề mặt phẳng để xây.

Tới nay, các chuyên gia vẫn tranh cãi về thời gian xây đền. Có người bảo 10 năm, có người bảo 200 năm. Mặc dù khu vực chính của đền được xây chỉ trong 10 năm nhưng nó liên tục được nâng cấp cho tới năm 356 trước Công nguyên – thời điểm bi kịch xảy ra khi nó bị phá hủy.

Đền Artemis dài 114m, rộng gần 55m và đặc điểm ấn tượng nhất là 127 cột đá cẩm thạch trắng bóng đỡ lấy mái đền. Theo ước tính, mỗi cột là một khối đá cẩm thạch dài hơn 18m và nặng gần 100 tấn.

Hiện chưa ai rõ những cột cẩm thạch này được dựng lên thế nào. Các cột cẩm thạch chính là thứ mà nhiều du khách và người đến thờ cúng thời cổ đại trầm trồ thán phục.

Ngôi đền được coi là viên ngọc quý của thành phố Ephesus và tồn tại yên ổn trong 2 thế kỷ. Ngày 21/7/356 trước Công nguyên, một nhân vật bí ẩn tên là Herostratus đã quyết định đốt toàn bộ ngôi đền.

Thoạt nghe có vẻ vô lý vì đền chủ yếu làm bằng đá cẩm thạch nên làm sao một người có thể đốt nó chỉ trong một buổi tối. Tuy nhiên, thủ phạm lại thực hiện nó rất dễ dàng. Hắn lẻn qua bảo vệ đền, đặt nhiều tấm vải tẩm đẫm dầu quanh một số dầm gỗ và rồi châm lửa.

{keywords}
Tàn tích ngôi đền ngày nay ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Wikimedia

Ngôi đền bị phá hủy khiến người dân thành phố Ephesus choáng váng vì họ cho rằng một ngôi đền lớn như vậy không thể bị phá theo cách thông thường. Điều gây sốc hơn là Herostratus công khai thừa nhận tội ác và tự nộp mình cho nhà chức trách Ephesus. Kẻ phóng hỏa ngay lập tức bị tra khảo lý do đốt đền. Hắn tuyên bố làm thế là để tên được lưu danh trong lịch sử.

Lo sợ có nhiều tội phạm bắt chước để được nổi tiếng, giới chức Ephesus đã hành quyết Herostratus một cách dã man và công khai. Sau sự việc, mọi thông tin đề cập tới tên hắn đều bị loại bỏ khỏi hồ sơ. Thành phố còn ban sắc lệnh bất kỳ ai nhắc tên hắn ở nơi công cộng sẽ bị hành quyết tương tự.

Tuy nhiên, việc xóa sổ tên thủ phạm khỏi lịch sử không theo như ý muốn giới chức Ephesus. Sử gia Hy Lạp thế kỷ 4 tên là Theopompus đã dũng cảm quyết định phớt lờ sắc lệnh khi viết tác phẩm Philippica để đảm bảo thế hệ tương lai biết số phận thực sự của ngôi đền vĩ đại và tên của kẻ đã phá hủy nó.

Dù giới chức Ephesus đã tiêu hủy mọi thứ liên quan tới Herostratus nhưng các sử gia vẫn đưa ra một số giả thiết về hắn. Ví dụ, hắn không phải là công dân thành phố Ephesus vì hắn bị tra tấn trên giá – hình phạt dành cho người nước ngoài. Do đó, một số chuyên gia cho rằng hắn là du khách nước ngoài hoặc một nô lệ. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng vì dân Ephesus quá tức giận nên họ đối xử với Herostratus một cách tàn bạo như vậy.

Có giả thiết cho rằng việc Herostratus nảy ra ý tưởng muốn nổi tiếng vì sự ra đời của Alexander Đại đế - người sinh ra vào đúng ngày Herostratus đốt đền. Theo Giáo sư Gregory L. Ulmer trong cuốn “The Legend of Herostratus” (Huyền thoại Herostratus), vào tối hôm đó năm 356 trước Công nguyên, Herostratus đã đi qua ngôi đền trong lúc người đưa tin của triều đình Philip nước Macedonia thông báo hoàng tử chào đời và được tiên tri là sẽ làm nhiều điều vĩ đại.

Ý nghĩ về một đứa trẻ sinh ra trong nhung lụa và hào quang đã khiến Herostratus muốn xả cơn tức giận với đời. Giả thiết này bị cho là có kẽ hở khi Ephesus cách đất liền 900km, cách nơi sinh của Alexander ở Pella 500km. Do đó, không thể nào Herostratus lại biết Alexander chào đời trước khi đốt đền.

Xem clip về Đền Artemis (nguồn: See U in History)

Trong thời gian xây lại ngôi đền sau này, Alexander Đại đế đề nghị trả tiền nếu thành phố Ephesus đồng ý khắc tên ông nổi bật lên ngôi đền. Tuy nhiên, người Ephesus từ chối và tự bỏ tiền xây lại đền.

Ngôi đền mới cũng tráng lệ không kém, đứng vững trong 6 thế kỷ cho tới khi người Goth cướp phá thành phố thời gian 260-270 trước Công nguyên. Hiện chưa rõ người Goth phá ngôi đền hay chỉ lấy những thứ giá trị trong ngôi đền và phá hỏng một số phần.

Thời kỳ cuối cùng của ngôi đền là vào năm 400 sau Công nguyên khi người Thiên chúa giáo trỗi dậy. Các cửa ngôi đền đều bị đóng hoặc phá hủy. Đá trong đền được dùng cho các tượng và công trình khác.

Theo trang todayifoundout, nhiều nguồn thời cổ đại đều coi Đền Artemis là một trong những công trình vĩ đại, nếu không muốn nói là vĩ đại nhất, từng được xây dựng. Kẻ phá hủy nó thì mãi hai thiên niên kỷ sau mới nổi tiếng. Tên hắn được sử dụng để nói về sự nổi tiếng mà một số người muốn có bằng cách thực hiện tội ác.

Theo Báo Tin Tức