Ở tuổi 31, Elizabeth Holmes đã trở thành nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ và lần đầu lọt vào top người giàu nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn mới đây.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Elzabeth Holmes sinh ra và lớn lên trong một gia đình tri thức truyền thống. Cha của cô - ông Christian Holmes IV - là Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), còn mẹ cô - bà Noel Holmes - là chuyên viên đối ngoại và quốc phòng tại Quốc hội Mỹ.

{keywords}

Elizabeth Holmes - Nữ tỷ phú trẻ nhất nước Mỹ ở tuổi 31 (Ảnh: BBC)

Niềm yêu thích đối với ngành kĩ sư và lĩnh vực y tế được khơi dậy trong Elizabeth từ sự nghiệp đáng nể của ông cố nội, một nhà sáng chế, kĩ sư, bác sĩ phẫu thuật và một cựu chiến binh.

Không giống như những bạn bè đồng trang lứa, Elizabeth từng dành nhiều năm cấp ba để theo học tiếng Trung tại Trung Quốc; cô biên dịch lập trình C++ rồi bán lại cho các trường đại học tại đây. Với một thành tích ấn tượng, Elizabeth trở thành sinh viên chuyên ngành hoá học tại trường Đại học Stanford.

Tuy nhiên, chỉ bước sang năm thứ hai đại học, Elizabeth Holmes quyết định bỏ dở việc học tập tại Stanford để theo đuổi sự nghiệp của riêng mình. Bị thuyết phục bởi niềm đam mê và hoài bão của con gái, cha mẹ Elizabeth đã đồng ý trao cho cô toàn bộ học phí vốn để dành cho việc học đại học của cô.

Thời điểm đó, việc xét nghiệm máu được thực hiện rất khó khăn và đắt đỏ tại các phòng khám hoặc phòng thí nghiệm. Quá trình xét nghiệm máu kéo dài hàng tuần, nhưng kết quả vẫn có khả năng xảy ra sai sót. Chưa kể đến việc châm kim vào người để lấy máu thực sự là một nỗi ám ảnh của rất nhiều người.

Elizabeth chia sẻ: “40 đến 60% người dân Mỹ không thể thích nghi được với các xét nghiệm cơ bản nhất mà các bác sĩ đưa ra bởi thông thường họ không thể chi trả cho những xét nghiệm này, hay chỉ đơn giản là vì họ rất sợ kim tiêm”. Chính vì vậy theo cô, việc làm các xét nghiệm máu trở nên dễ dàng là điều cần thiết để khiến cho nhiều người tìm đến phương pháp này và giúp sớm phát hiện bệnh.

Bản thân cũng là một người có hội chứng sợ kim tiêm, mục tiêu của Elizabeth Holmes là tạo ra một công nghệ có khả năng thay đổi quy trình lấy máu xét nghiệm truyền thống, giảm thiểu các nhược điểm cố hữu và tăng tốc độ thu kết quả xét nghiệm.

{keywords}

Bỏ học đại học, thần đồng y học, nữ doanh nhân thành đạt là những gì người ta nhắc đến khi nói về Elizabeth Holmes (Ảnh: Fortune)

Năm 2003, Elizabeth đã cùng một vị giáo sư sáng lập ra Real-Time Cures, nay được biết đến là Theranos. Trong vòng hơn 10 năm, cô đã miệt mài làm việc tại Theranos, trao đổi với các vị giáo sư, tìm kiếm nhà đầu tư và cố gắng để được cấp bằng sáng chế cho phát minh của mình.

Elizabeth cuối cùng cũng thành công khi tại Theranos, thay vì một lọ máu cho mỗi mẫu xét nghiệm, họ chỉ cần vài giọt máu thu được từ những cú chích rất nhẹ tại đầu ngón tay để thể thực hiện hàng trăm xét nghiệm và bài kiểm tra cho bệnh nhân.

Và thay vì chờ đợi hàng tuần lễ cho một tờ kết quả mà bản thân người bệnh cũng không hiểu, Theranos chỉ mất bốn giờ đồng hồ để đưa ra được kết quả chính xác, dễ hiểu và rẻ hơn rất nhiều so với phương pháp xét nghiệm máu thông thường.

Năm 2013, Walgreens, hệ thống bán lẻ dược phẩm lớn nhất nước Mỹ, công bố kế hoạch đưa các cơ sở kiểm tra sức khoẻ Theranos vào ngay chính hiệu thuốc của mình trên toàn nước Mỹ. Tới nay đã có rất nhiều cơ sở được đưa vào hoạt động tại các hiệu thuốc của Walgreens ở California và Arizona.

Trong một báo cáo gần đây của tạp chí Fortune, Theranos hiện đã tăng thêm 400 triệu USD, nâng tổng giá trị của công ty lên mức 9 tỷ USD. Trong đó, Elizabeth Holmes sở hữu 50% vốn cổ phần, tương đương 4,5 tỷ USD, giúp cô lọt vào top những người giàu nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn với vị trí thứ 110.

Dù đã trở thành nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ, song với Elizabeth, tiền bạc không phải là tất cả. Sứ mệnh của cô là khiến cho việc xét nghiệm máu trở nên dễ dàng với tất cả mọi người, từ đó giúp việc chẩn đoán và điều trị bệnh được dễ dàng hơn.

Hương Ly