Tân Hoa xã cho biết, giáo sư y khoa Robert Schooley đang làm việc tại Khoa Các bệnh Truyền nhiễm và Sức khỏe cộng đồng toàn cầu thuộc Đại học California, San Diego, đã có cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin này ngày 17/5. Trong đó, ông chỉ ra rằng, những thách thức lớn nhất mà Mỹ đang đối mặt hiện nay là phải kiên nhẫn và khôn ngoan để chờ đủ lâu cho việc mở cửa trở lại, và có đủ xét nghiệm tại chỗ nhằm phản ứng nhanh chóng nếu xảy ra bùng phát lây nhiễm Covid-19.

{keywords}
Một nhân viên y tế lấy mẫu tại điểm xét nghiệm Covid-19 với lái xe ở Washington D.C ngày 14/5. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Hiện nhiều bang trên khắp nước Mỹ đang dỡ bỏ yêu cầu ở nhà và tái mở cửa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại, nếu đường cong dịch bệnh không được làm phẳng và tỷ lệ lây nhiễm tại chỗ không giảm bớt thì số người tử vong vì Covid-19 sẽ tăng thêm.

"Tôi sợ rằng chúng tôi sẽ chứng kiến nhiều điểm bùng phát khi vội vã trở lại với công việc ở những nơi số lượng ca nhiễm mới vẫn chưa giảm đủ", ông Schooley nói thêm.

Gần đây, nhiều tổ chức có ảnh hưởng mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thường trích dẫn số liệu đã nâng dự báo về con số tử vong vì Covid-19 ở Mỹ. Trung tâm Dự báo Tổng hợp quốc gia cho rằng danh sách bệnh nhân Covid-19 phải bỏ mạng ở nước này có thể sẽ vượt 100.000 tính đến 1/6.

"Các dự báo tổng hợp ở mức độ bang cho thấy những bang có số ca tử vong thấp đến nay nhiều khả năng sẽ không chịu mức tăng nhanh trong những tuần tới đây, trong khi những bang có số ca tử vong cao nguy cơ đối mặt với mức tăng đáng kể", Tân Hoa xã dẫn thông tin từ CDC.

Mô hình do Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe thuộc Đại học Washington, mà Nhà Trắng thường trích dẫn số liệu, dự đoán 147.040 ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ tính đến 4/8. Các bang New York, New Jersey, Pennsylvania, Massachusetts và Michigan được dự báo có mức tử vong vì Covid-19 cao nhất tính đến hết tháng 8. 

Giáo sư Schooley cho hay, các dự báo trên có thể thay đổi vì nhiều lý do. Ông chỉ ra rằng, ở Mỹ hiện vẫn còn nhiều vùng hạn chế xét nghiệm nên tỷ lệ được thông báo chưa phản ánh đúng thực tế. Bên cạnh đó, khi một số bang tái mở cửa kinh tế và cho phép nối lại một số hoạt động thì không có gì ngạc nhiên nếu đường cong dịch bệnh bị đảo ngược.

Trong khi chưa có thuốc chữa hay vaccine phòng ngừa thì giữ khoảng cách với những người bị bệnh vẫn là cách hiệu quả để ngăn chặn virus lây lan, theo ông Schooley. Nhà dịch tễ học này nêu tên New Zealand và Australia là hai ví dụ điển hình mới nhất trên thế giới cho thấy mức độ thành công của giãn cách xã hội nếu mọi người coi trọng và tuân thủ đủ lâu.

Tuy nhiên, nhiều bang của Mỹ sau nhiều tuần triển khai các biện pháp phong tỏa thì đã rục rịch nới lỏng các giới hạn trước khi làn sóng Covid-19 đầu tiên giảm hẳn.

"Thách thức lớn nhất của chúng tôi là có sự kiên nhẫn và khôn ngoan để chờ đợi đủ lâu trước khi trở lại với công việc và trường học, và có đủ xét nghiệm tại chỗ nhằm hành động nhanh chóng nếu có một sự bùng phát lây nhiễm", ông Schooley nói.

Thanh Hảo