Theo một bài viết đăng tải gần đây trên tạp chí National Science Review, giáo sư Cui Jie và các đồng nghiệp thuộc Viện Pasteur Thượng Hải đã nghiên cứu một nhóm lây nhiễm bên trong một gia đình ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. Họ phát hiện, các gien của virus corona mới (2019-nCoV) đã trải qua một số thay đổi lớn khi lây lan bên trong gia đình này.

{keywords}
Hình mô phỏng virus corona mới (2019-nCoV). Ảnh: Tribune News

Các chuyên gia cho biết, các virus luôn đột biến nhưng hầu hết các biến đổi đều tương đồng hay "thầm lặng", ảnh hưởng rất ít đến cách thức hoạt động của virus. Song, một số biến đổi khác là sự thay thế không tương đồng, có thể thay đổi những đặc điểm sinh học, cho phép chúng thích nghi với các môi trường khác nhau.

Nhóm của giáo sư Cui đã phát hiện hai đột biến không tương đồng ở virus corona phân lập từ gia đình trong nghiên cứu. Điều này ám chỉ, "sự tiến hóa của virus có thể xảy ra trong quá trình truyền nhiễm từ người sang người". Các nhà nghiên cứu kết luận, việc cần thiết hiện nay là giám sát chặt quá trình đột biến, tiến hóa và thích nghi của virus corona.

Theo báo South China Morning Post, giáo sư Cui và các cộng sự đã ghi nhận tổng cộng 17 đột biến không tương đồng từ những trường hợp nhiễm virus corona mới trên khắp cả nước trong giai đoạn từ ngày 30/12 năm ngoái đến cuối tháng 1 năm nay.

Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện vẫn chưa có câu trả lời về việc liệu 2019-nCoV có đang biến đổi nhanh hơn virus gây Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS) hoặc các virus khác hay không, theo Shi Zhengli, nhà nghiên cứu thuộc Viện Virus học Vũ Hán. Các nghiên cứu trước đây hé lộ, virus SARS đột biến với tốc độ 1 - 3 thay đổi mỗi 1.000 "địa điểm" mỗi năm.

Chuyên gia Shi giải thích, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được tốc độ đột biến của chủng virus corona mới vì hầu hết các trình tự gien của virus thu thập được không hoàn thiện và đều ở dạng phân mảnh.

Việc giải trình tự toàn bộ bộ gien sẽ tốn thời gian và đắt đỏ. Các gien của 2019-nCoV có tổng cộng gần 30.000 cặp cơ sở, dài hơn so với nhiều virus khác kể cả họ hàng xa là virus SARS.

Tuy nhiên, hôm 1/2, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc tuyên bố đang phối hợp với tập đoàn công nghệ Alibaba để phát triển một phương pháp phân tích bộ gien mới, sử dụng trí thông minh nhân tạo phục vụ nghiên cứu virus từ các mẫu bệnh phẩm. Nhà chức trách Chiết Giang nói, công nghệ mới dự kiến sẽ cắt giảm thời gian giải trình tự gien từ nhiều giờ xuống còn khoảng 30 phút, cho phép các nhà khoa học lần ra dấu vết của các đột biến nhanh hơn và chính xác hơn.

Hiện vẫn chưa rõ các đột biến của 2019-nCoV tác động như thế nào đến các bệnh nhân. Qiu Haibo, thành viên ủy ban cố vấn cho chính phủ Trung Quốc về chống dịch phát biểu hôm 2/2 rằng, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng về đột biến của virus có thể gây "nhiễm bệnh lặp lại". Song, về mặt lý thuyết, các đột biến có khả năng khiến những bệnh nhân đã được chữa khỏi tái phát bệnh trở lại và "qua mặt" các biện pháp kiểm tra đang có, vốn chỉ tập trung vào một mảnh nhỏ của bộ gien virus.

Một nghiên cứu do chuyên gia Li Fang thuộc Đại học Minnesota (Mỹ) đứng đầu, công bố trên tạp chí Virus hoc ngày 29/1 phỏng đoán, một đột biến đơn lẻ ở một điểm nhất định trong bộ gien có thể làm tăng đáng kể khả năng virus liên kết với các tế bào trên bề mặt hệ hô hấp của người.

Tuấn Anh