Một phần dự luật được Thượng viện Quốc hội Nhật thông qua hôm 24/4 đã quy định đền bù những nạn nhân bị cưỡng chế triệt sản mỗi người 3,2 triệu Yên Nhật (khoảng 650 triệu VND). Chính phủ Nhật muốn bù đắp cho những người khuyết tật này vì những đau khổ về thể chất và tinh thần mà họ phải gánh chịu, theo tờ The Guardian.

“Trong thời gian có hiệu lực của chính sách đó, nhiều người bị tước quyền có con dựa vào tình trạng khuyết tật hoặc những căn bệnh mãn tính khác. Điều này đã khiến họ vô cùng đau khổ", Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu.

{keywords}
Chính phủ Nhật xin lỗi hàng chục nghìn người bị triệt sản. Ảnh: AP

“Chúng tôi sẽ làm tất cả những điều có thể để xây dựng một xã hội không phân biệt đối xử và tôn trọng lẫn nhau, dù họ có bệnh tật hay khuyết tật”, ông Abe nói thêm.

Theo ước tính từ năm 1948 đến 1996, ở Nhật đã có khoảng 16.500 người bị triệt sản, trong đó có 8.000 người bị ép buộc. Ngoài ra, còn có hơn 60.000 người bị buộc phải phá thai vì những vấn đề về sức khỏe. Luật sinh đẻ này nhằm ngăn chặn những đứa trẻ được miêu tả là “thấp kém” có thể được ra đời.

“Những người có vấn đề về tâm thần và bệnh tật, cùng với những người bị rối loạn di truyền, phải tham gia các cuộc phẫu thuật triệt sản nhằm ngăn ngừa sự ra đời của những hậu duệ thấp kém, đồng thời để bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của người mẹ”, theo quy định điều luật sinh đẻ thời đó.

Ở Đức và Thụy Điển cũng đã từng có các chính sách tương tự, nhưng chính phủ hai nước này cũng đã xin lỗi và bồi thường cho các nạn nhân.

Tuấn Trần