Suốt 2 tuần qua, quân đội Philippines giao chiến ác liệt với các chiến binh trung thành với IS ở thành phố cực nam Marawi. Đến nay, ít nhất 170 người, gồm 20 dân thường, đã thiệt mạng.

Hơn 180.000 người trong tổng 200.000 dân của thành phố đã bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Còn lại vẫn mắc kẹt giữa vùng chiến sự.

{keywords}
Ảnh: BBC

Quân đội Philippines tuyên bố họ sẽ giành lại được thành phố. Các chiến binh Maute theo tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) dù liều chết chắc chắn sẽ không thể trụ nổi trước đà tiến công của lính chính phủ, với bộ binh siết chặt vòng vây ở thực địa với sự yểm trợ của các chiến cơ ném bom trên bầu trời.

Hiện tại, khu văn phòng của chính quyền ở vùng ngoại ô Marawi là nơi an toàn duy nhất tại thành phố này. Nơi đây đã trở thành một trung tâm chiến dịch đông đúc, và là trung tâm của một nỗ lực nhân đạo quy mô lớn.

Có thể nói Philippines đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn ở Marawi, và mối đe dọa Hồi giáo cực đoan đang ngày càng tăng mạnh.

Phóng viên BBC mô tả, cách con đường hướng tới trung tâm thương mại Marawi vào trăm mét, một sĩ quan cảnh sát đứng gác và yêu cầu người qua lại không tiến sâu hơn vào thành phố. Tiếng súng nổ khá rõ cho thấy chiến sự đang diễn ra không xa. Ở ven đường, một tấm biển thông báo sắp đến thành phố Hồi giáo thực sự duy nhất ở Philippines, trung tâm văn hóa của người Moro.

{keywords}
Ảnh: BBC

Nhưng không có ai ở đó. Chỉ có chó mèo đi lang thang với những chiếc xe tải chở binh sĩ đang hối hả tới và rời khỏi tuyến đầu. Các tòa nhà chi chít vết đạn.

Liên tiếp những ngày qua, nhà chức trách và người tình nguyện ở hội trường khu vực đã nhận được nhiều cuộc điện thoại của người dân mắc kẹt ở vùng phiến quân kiểm soát.

Một nhóm vừa trốn thoát thành công. Họ đi trên 3 xe tải, gồm cả người Công giáo và Hồi giáo, già và trẻ. Khuôn mặt họ hốc hác, đầy vẻ hoảng loạn,kiệt sức và đói lả. Đặc biệt, người Công giáo luôn sống trong sợ hãi vì sợ bị phiến quân Hồi giáo giết chết nếu bị phát hiện.

Những câu chuyện họ kể lại đáng sợ đến dựng tóc gáy. BBC nêu điển hình một người tên là Anparo Lasola, bước vào hội trường với dáng vẻ mệt mỏi, trên tay bế đứa con út trong đàn con 6 đứa của cô.

Tình nguyện viên đưa nước và bánh quy cho các nạn nhân. Có thể thấy rõ lũ trẻ đã bắt đầu suy dinh dưỡng sau 11 ngày không được ăn uống đầy đủ ngoài một bát cơm mỗi ngày.

Anparo kể cô trốn cùng với 70 người Công giáo khác ở một tầng hầm. Mỗi khi có trẻ con khóc thì tinh thần họ “căng như dây đàn” vì sợ phiến quân bên ngoài nghe thấy và phát hiện ra.

Một người mẹ khác theo đạo Hồi cho biết cô đã phải ngăn phiến quân không đưa cậu con trai 14 tuổi của mình đi chiến đấu.

{keywords}
Dân thường Marawi đi lánh nạn. (Ảnh: BBC)

Anparo đã được Norodin Alonto Lucman, một lãnh đạo cộng đồng của bộ tộc Maranao ở địa phương cứu giúp. Ông này được phép rời đi bất cứ lúc nào nhưng đã chọn ở lại và giấu 71 người Công giáo trong nhà mình, dùng uy tín để phiến quân không lục soát ngôi nhà.

Sau đó, ông đưa nhóm dân Công giáo tới nơi an toàn, qua một cây cầu giữa chiến trận. Ông đã gặp một chiến binh 28 tuổi là bạn của gia đình và khuyên anh ta hạ vũ khí để theo phe chính phủ. Tuy nhiên, người này nói mình là một thánh chiến binh nên sẵn sàng liều chết.

Norodin cùng nhiều lãnh đạo bộ tộc Maranao khác hiện đang rất lo lắng về số thường dân ở Marawi sẽ phải bỏ mạng và mức độ thành phố bị tàn phá trước khi phiến quân bị tiêu diệt hoàn toàn.

Các ước tính về số phiến quân ở Marawi hiện nay rất khác nhau. Chính phủ thừa nhận họ phải đối mặt với một lực lượng gồm hàng trăm tay súng chứ không chỉ vài chục chiến binh như nhận định ban đầu. Theo hãng tin Reuters, phiến quân ở thành phố thuộc vùng Mindanao này đang ra sức tích trữ vũ khí và thực phẩm để chuẩn bị chiến đấu lâu dài.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố không đàm phán hòa bình và muốn tất cả quân khủng bố ở Marawi phải chết. Ông cho biết đã lệnh cho binh lính "bắn vào [kẻ thù] và bắn cết chúng".

Thanh Hảo