Quá trình hòa đàm Libya do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng. Kết thúc một ngày thương lượng kịch tính ở Berlin, Đức hôm 19/1, các bên tham gia đã nhất trí về một lệnh cấm bán vũ khí và một dự thảo kế hoạch hành động nhằm đạt được lệnh ngưng bắn vĩnh viễn, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm qua ở Libya.

{keywords}
(Từ trái qua phải) Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tham gia cuộc hòa đàm Libya ở Berlin. Ảnh: kremlin.ru

Tối cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã công bố các kết quả đàm phán tại cuộc họp báo cuối cùng ở Berlin. Phát biểu trước các phóng viên, ông Guterres cho biết, "mọi đại biểu tham gia đã cam kết ủng hộ việc ngưng bắn". Bà Merkel cũng thông báo, các bên đối đầu trong cuộc xung đột ở Libya đã tán thành quan điểm rằng việc cấm bán vũ khí là bước cần thiết để đạt một lệnh ngưng bắn vĩnh viễn.

Thủ tướng Italia Giuseppe Conte khẳng định, nước này sẵn sàng đóng vai trò đi đầu trong việc giám sát thỏa thuận hòa bình Libya, dù hiện vẫn chưa rõ các phe phái ở quốc gia nội chiến có đồng ý hay không.

Theo báo RT, cuộc hòa đàm ở Berlin đặt ra mục tiêu là đạt được thỏa thuận ngưng bắn giữa chính phủ của Thủ tướng Libya Fayez al-Sarraj được LHQ hậu thuẫn với phe chống đối, ủng hộ Tướng Khalifa Haftar. Các lực lượng của ông Haftar đã bao vây thủ đô Tripoli suốt nhiều tháng qua.

Đáng nói, cả ông al-Sarraj và ông Haftar đều không xuất hiện tại cuộc họp báo cuối cùng sau hòa đàm tại thủ đô Đức. Thủ tướng nước chủ nhà tiết lộ, hai người cũng không gặp trực tiếp trong các cuộc thương lượng trước đó do bà chủ trì.

Bà Merkel nhấn mạnh, mặc dù các cuộc thảo luận ở Berlin không giải quyết được mọi vấn đề của Libya nhưng chúng nhằm "tạo động lực mới" cho tiến trình hòa đàm. Libya đã lún sâu vào tình trạng bạo lực và hỗn loạn tiếp sau việc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) can thiệp quân sự nhằm lật đổ nhà lãnh đạo lâu năm Muammar Gaddafi năm 2011.

Tổng thư ký LHQ tỏ ra vô cùng lo lắng việc nhiều cảng dầu và một giếng dầu ở Libya đã phải đóng cửa sau khi các lực lượng của ông Haftar chặt đứt quá trình sản xuất. Động thái có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của nước này.

Ai Cập và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, các đồng minh của Tướng Haftar, đã cung cấp vũ khí cho tổ chức Quân đoàn quốc gia Libya (LNA) dưới quyền ông. Trong khi, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều các cố vấn quân sự tới giúp lực lượng chính phủ của Thủ tướng al-Sarraj, đồng thời triển khai binh lính sang biên kia biên giới để hỗ trợ.

Sự kiện hòa đàm ở Berlin được tổ chức tiếp sau vòng thương lượng trước đó ở thủ đô Nga. Ông Haftar và ông al-Sarraj cũng tham gia cuộc đàm phán kéo dài 6 giờ ở Moscow cùng các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ nhưng họ không ký kết bất kỳ thỏa thuận nào.

Tuấn Anh