Yusuke Taniguchi, 34 tuổi bị bắt giữ tuần trước sau khi cảnh sát Nhật phát hiện anh ta đã sử dụng những thông tin đánh cắp để mua các túi xách trị giá khoảng 2.600 USD (60,5 triệu đồng) hồi tháng 3 năm ngoái. Theo trang Vice, cảnh sát đã ngăn chặn yêu cầu đặt hàng đó, rồi dùng chính những chiếc túi Taniguchi đặt mua để bắt nghi phạm.

{keywords}
Theo cảnh sát Nhật, thu ngân Taniguchi (ảnh nhỏ) chỉ cần liếc nhìn đã ghi nhớ chính xác mọi thông tin thẻ tín dụng của khách hàng. Ảnh: TVM

Các nguồn thạo tin tiết lộ, Taniguchi sở hữu trí nhớ phi thường với khả năng ghi nhớ thông tin cực nhanh như chụp ảnh. Cảnh sát cho hay, nam thu ngân đang làm việc bán thời gian ở Koto, Tokyo này đã ghi nhớ mọi thông tin thẻ tín dụng của hơn 1.000 khách hàng chỉ trong thời gian ngắn họ quẹt thẻ thanh toán tại quầy thu ngân.

Taniguchi sau đó bí mật viết mọi chi tiết liếc nhìn được ra giấy, rồi sử dụng chúng để mua sắm qua mạng trực tuyến. Khi khám xét nơi ở của nghi phạm, các điều tra viên đã thu giữ một cuốn sổ ghi chép mọi thông tin thẻ tín dụng đánh cắp.

Tính đến thời điểm hiện tại, Taniguchi đã bị tạm giam 6 ngày. Các điều tra viên Nhật có thể tạm giữ nghi phạm tới 20 ngày trước khi tiến hành truy tố. Hiện vẫn chưa rõ Taniguchi có thuê luật sư biện hộ hay không.

Câu chuyện về Taniguchi đang thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, hiện không có đủ căn cứ để ủng hộ quan điểm cho rằng anh ta sở hữu khả năng ghi nhớ như chụp ảnh.

Các nhà khoa học chưa phát hiện bằng chứng về trí nhớ siêu việt như vậy nhưng thực tế vẫn có những người sở hữu khả năng ghi nhớ rất tốt gọi là "trí nhớ thấu niệm", có thể gợi nhắc các chi tiết chính xác đến kinh ngạc.

Theo giáo sư tâm lý học Daniel Burns thuộc Trường Union College ở New York, Mỹ, hầu hết mọi người đánh đồng giữa trí nhớ thấu niệm với trí nhớ như chụp ảnh. Song, các nhà khoa học nghiên cứu về trí nhớ đã chỉ rõ khác biệt cơ bản giữa chúng.

Cụ thể, một người sở hữu trí nhớ thấu niệm có thể gợi nhắc rất chi tiết về một hình ảnh sau khi xem nó chỉ một lần, với khả năng ghi nhớ hình ảnh tới 4 phút. Tuy nhiên, hình ảnh thấu niệm không giống hệt dù có nhiều điểm rất giống ảnh nguyên bản. Ngoài ra, trí nhớ thấu niệm thường được phát hiện nhiều nhất ở trẻ trong độ tuổi 6 - 12 tuổi chứ không phải người trưởng thành.

Trong khi đó, các nhà khoa học xác định, trí nhớ chụp ảnh là khả năng nhìn thấy thứ gì đó và vài ngày sau vẫn có thể nhắc lại giống hệt nguyên gốc. Ông Burns tin khả năng này khó tồn tại trong thực tê.

Jennifer Coane, một giáo sư tâm lý học thuộc trường Colby College nói thêm, ghi nhớ thế giới cực chuẩn xác như "trí nhớ chụp ảnh" sẽ khiến con người khó thích ứng với cuộc sống thường nhật hơn. "Bạn có thể không bao giờ xóa được bất kỳ thứ gì khỏi tâm trí vì mọi thứ sẽ tích tụ lại ở đó", bà Coane giải thích.

Cảnh sát Nhật không đề cập tới việc Taniguchi đã mất bao nhiêu thời gian để nhìn, ghi nhớ và viết ra cuốn sổ các thông tin thẻ tín dụng của khách hàng.

Bà Coane nhận định, dù trí nhớ thấu niệm và trí nhớ chụp ảnh rất hiếm có nhưng Taniguchi có thể đã tự luyện khả năng ghi nhớ các chuỗi số với độ chính xác cao. Người Hy Lạp cổ và một số dân tộc khác đã sử dụng một phương pháp gọi là loci, đòi hỏi phải liên kết nội dung cần ghi nhớ với những địa điểm nhất định.

Các cuộc thi ghi nhớ, chẳng hạn như giải Vô địch ghi nhớ thế giới hay Vô địch ghi nhớ toàn nước Mỹ đã cho thấy cách rèn luyện bộ não có thể giúp con người có khả năng ghi nhớ tuyệt vời đến mức nào.

Trường hợp của Taniguchi có thể là vụ ăn cắp thông tin thẻ tín dụng bằng trí nhớ chụp ảnh độc nhất vô nhị ở Nhật, nhưng không phải là sự cố lớn nhất. Năm 2016, một nhóm tội phạm đã sử dụng khoảng 1.600 thẻ giả để rút tiền từ 1.400 cây ATM khắp nước Nhật. Chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ, chúng đã đánh cắp được tới 13 triệu USD (gần 302 tỷ đồng).

Tuấn Anh