Đạt Lai Lạt Ma nói rằng Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã sống "một cuộc đời thực sự ý nghĩa". "Cách tốt nhất để chúng ta tưởng nhớ ngài là tiếp tục công việc của ngài nhằm thúc đẩy hòa bình trên thế giới", tờ The Guardian dẫn lời Đạt Lai Lạt Ma.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh được biết đến là người đưa ra khái niệm Phật giáo dấn thân. Năm 1967, nhà hoạt động nhân quyền Mỹ Martin Luther King đã đề cử Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho giải Nobel Hòa bình và viết rằng không ai xứng đáng hơn "bậc chân tu Phật giáo người Việt Nam này".  

{keywords}
Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Martin Luther King Jr tại một cuộc họp báo ở Chicago năm 1966. Ảnh: AP 

Sự ảnh hưởng của Thiền sư còn lan tỏa khắp thế giới công nghệ. Năm 2013, ông trò chuyện với các nhân viên của Google: "Chúng ta đang cảm thấy bị tràn ngập bởi thông tin. Chúng ta không cần nhiều thông tin như thế".

Trong lĩnh vực tâm lý học cũng vậy. Cuốn sách "Điều kỳ diệu của chánh niệm" năm 1975 của Thiền sư đã đặt nền móng cho những gì sau này được sử dụng để chữa trị trầm cảm và được mô tả như một liệu pháp tâm lý dựa trên sự tỉnh thức.

"Ngài đã ở đó ngay từ khởi đầu đưa chánh niệm từ phương Đông sang phương Tây", báo The Guardian dẫn lời Mark Williams, giáo sư danh dự về tâm lý học lâm sàng tại Đại học Oxford, và là giám đốc sáng lập của Trung tâm Chánh niệm Oxford.

Lần đầu tiên giáo sư Williams biết đến chánh niệm là từ Marsha Linehan, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Washington, người luôn giữ cuốn sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh bên mình.

"Tôi gặp bà ấy lần đầu vào cuối thập niên 1980 nhưng cuốn sách được xuất bản vào năm 1975, vì vậy cuốn sách ảnh hưởng lớn đến bà và rồi công việc cũng như lời khuyên của bà lại ảnh hưởng đến chúng tôi trong quá trình đưa chánh niệm vào chữa trị trầm cảm, mà sau này được gọi là liệu pháp tâm lý dựa trên sự tỉnh thức", ông Williams diễn giải.

Vị giáo sư khẳng định, chánh niệm giờ đã trở thành một thuật ngữ phổ biến trong đời sống hiện đại, nhưng ông tin rằng nếu không có ảnh hưởng của Thiền sư, chánh niệm ở phương Tây sẽ không phải như hiện nay.

"Điều mà ngài đã làm được là truyền đạt những điều cốt yếu của trí huệ Phật giáo và làm cho chúng dễ tiếp cận với mọi người trên khắp thế giới, đồng thời xây dựng cầu nối giữa thế giới khoa học tâm lý hiện đại cùng hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại với những phương pháp thực hành trí tuệ cổ xưa này – rồi ông lại tiếp tục làm điều đó trong quá trình giảng dạy của mình".

{keywords}
Thiền sư Thích Nhất Hạnh dẫn đoàn Phật tử trong một chuyến thiền hành năm 2013. Ảnh: Zuma Press/Alamy

Những người đã gặp Thiền sư đều thừa nhận, sự hiện diện của ngài không giống với bất cứ ai họ từng gặp.

Anabel Temple, thành viên trung tâm thiền Heart of London Sangha, lần đầu đọc được những bài giảng của thầy Thích Nhất Hạnh trong cuốn "Muốn an được an" (Being Peace) cách đây 30 năm. Bà đã đi cùng Thiền sư về Việt Nam năm 2005, và nhiều lần đến thăm Làng Mai tại Pháp. Trong điện thoại của bà có rất nhiều ảnh chụp Thiền sư trong các chuyến đi.  

"Ngài có một cách thức riêng. Khi bạn đi vào một căn phòng có hàng trăm người đang nghe pháp thoại, ngài ấy vẫn có thể khiến bạn cảm thấy như đang chỉ có một mình trong phòng, như ngài ấy đang trò chuyện trực tiếp với bạn", bà Temple bày tỏ. 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh bị đột quỵ năm 2014 và 4 năm sau đó, ông trở lại chùa Từ Hiếu ở Việt Nam để sống những năm tháng cuối đời. "Thầy thật khiêm tốn, thật uy nghiêm. Thầy vui thích như trẻ thơ nhưng vô cùng bình tĩnh và tự tại, một nhân cách thật phi thường", bà Temple nói về Thiền sư.

Bà Suryagupta, Chủ tịch Trung tâm Phật giáo London gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh lần đầu tại Anh cách đây 25 năm.

"Ngài là một con người vĩ đại. Tôi thật may mắn khi có cơ hội tu tập với ngài trong những ngày đầu khám phá Phật giáo. Điều ngạc nhiên là mỗi khi ngài bước vào một không gian, có khi có hàng trăm người đang ở đó, không nói một lời theo đúng nghĩa đen, sự hiện diện của ngài tiếp truyền thêm sự tĩnh lặng và yên bình cho đám đông…", bà Suryagupta bày tỏ. "Ngài cho thấy ai cũng có thể đến với đạo Phật, và là một phụ nữ da màu, điều này thực sự quan trọng đối với tôi". 

Marianne Williamson, cựu ứng viên Tổng thống Mỹ, cũng thốt lên: "Ngài là người thầy tinh thần vĩ đại, đã giúp hàng triệu người trên thế giới hiểu sâu hơn về các giáo lý đạo Phật và cách thức vận dụng các giáo lý đó trong đời sống hàng ngày".

Bà Marianne tin chắc di sản của Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ sống mãi. "Món quà của ngài dành cho hành tinh này lớn đến mức tôi không nghĩ nó sẽ giảm đi theo bất kỳ cách nào sau khi ngài viên tịch… Tình yêu và lòng trắc ẩn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã thấm nhuần vào ý thức của cả thế giới, và chúng ta có trách nhiệm thực hiện tiếp từ đây", Marianne Williamson nói.

Thanh Hảo (Theo The Guardian)

Cách Thiền sư Thích Nhất Hạnh truyền giảng phương Tây chánh niệm

Cách Thiền sư Thích Nhất Hạnh truyền giảng phương Tây chánh niệm

Tờ Washington Post của Mỹ mới đây đã cho đăng tải một bài xã luận ca ngợi Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng như việc ông mang chánh niệm tới phương Tây, giúp thay đổi cuộc đời nhiều người.