“Ông tổ” của nghệ thuật quân sự Nga

Đại nguyên soái Alesander Vasilevich Suvorov (1730-1800) là một trong những “ông tổ” của nghệ thuật quân sự Nga. Khác với danh tiếng vang dội khắp châu Âu, Suvorov từ nhỏ thường xuyên đau ốm. Cha ông muốn con mình chọn một nghề dân sự, nhưng ông quyết trở thành nhà quân sự. Suvorov tích cực đọc sách, học đấu kiếm, cưỡi ngựa, bắn súng, rèn luyện thể lực. 

{keywords}
 

Suvorov gia nhập quân đội khi mới 17 tuổi và suốt đời xông pha nơi trận mạc. Ông từng tham gia nhiều cuộc chiến và chưa thua một trận nào trong số 63 trận đánh lớn mà ông chỉ huy. Trong đó, có những trận đã trở thành kinh điển, như trận công phá pháo đài Izmail chỉ trong 10 tiếng, cuộc hành binh 16 ngày vượt dãy Alpes đánh bại đoàn quân tinh nhuệ của Napoleon...

Theo Suvorov, không cần nhiều binh sĩ mà phải biết cách đánh, trong đó, ba nghệ thuật chủ yếu là nghiên cứu chính xác tình huống; điều quân thần tốc, bí mật; và tấn công nhanh chóng, bất ngờ. Trong huấn luyện, Suvorov không thừa nhận sự rập khuôn. Thiên tài quân sự và quân lính được huấn luyện tinh nghệ chính là bí quyết bách chiến bách thắng của danh tướng Nga.

Trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 1941-1945, Nhà nước Xô-viết đã đặt ra Huân chương Suvorov dành tặng cho những chỉ huy Hồng quân lập thành tích xuất sắc trong các chiến dịch quan trọng quy mô lớn. Mới đây, tàu ngầm tên lửa đạn đạo mới nhất lớp “Borey-A” của Hải quân Nga đã được Bộ Quốc phòng Nga quyết định mang tên “Đại nguyên soái Suvorov”.

Người chiến thắng Napoleon

Tháng 6/1812, nước Nga bị quân Pháp xâm lược. Nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra. Ngày 18/8, thành phố cổ Smolensk thất thủ, cánh cổng vào Moscow bị mở toang. Trước sức ép của nhân dân Nga, ngày 20/8, Nga hoàng Alesander I đã chuyển giao chức Tổng tư lệnh quân đội cho Nguyên soái Mikhail Illarionovich Kutuzov. 

{keywords}
 

Ông chủ trương thực hiện một trận quyết chiến ở Borodino, mở đầu cho việc phá sản ý chí xâm lược của Napoleon. Trận đánh bắt đầu từ mờ sáng ngày 5/9. Sau 3 ngày kịch chiến, Pháp bị thương vong 50.000 người và toàn bộ kị binh mà không đạt được mục đích; Nga mất 40.000 quân, bảo toàn được chủ lực. Nhận thấy đột kích không hiệu quả, ngày 7/9, Napoleon rút về vị trí xuất phát tấn công.

Kutuzov cũng quyết định rút về Moscow. Tại cuộc họp ở làng Phili, Kutuzov tuyên bố: “Để mất Moscow không phải là mất nước Nga; điều quan trọng là phải bảo toàn lực lượng cho quân đội. Với việc bỏ Moscow, chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ mọi việc để đưa quân Pháp đến chỗ diệt vong”. Ngày 15/9, Napoleon tiến vào thủ đô Nga và sau đó bị bao trùm trong khói lửa nên buộc phải rút về phía tây Moscow.

Ngày 5/10, Kutuzov khước từ đề nghị đàm phán của Napoleon. Trước đó, từ 17/9 đến 3/10, ông đã thực hiện thắng lợi chiến dịch cơ động Tarutin. Quân Nga khôn khéo tránh giao chiến và thoát khỏi cuộc truy đuổi của quân đoàn cận vệ thiện chiến Pháp, để sau đó bất ngờ tiến công vào 18/10, gây thiệt hại nặng cho cánh quân này.

Ngày 19/10, Napoleon rút quân khỏi Moscow. Ngày 24/10 diễn ra trận Maloyaroslav ác liệt, kết quả đã làm phá sản ý đồ của Napoleon đánh chiếm thành phố này để mở đường cho đại binh rút về Smolensk, đánh dấu ưu thế chiến lược chuyển hẳn sang phía quân Nga và bắt đầu cuộc tổng phản công của quân Nga.

Bị quân chủ lực Nga đuổi rát, các đội dân binh Nga chặn đường phía trước và tập kích từ hai bên, quân đội Napoleon tan nát trong cuộc rút lui hỗn loạn. Ngày 26/12/1812, những binh sĩ Pháp cuối cùng bị đánh đuổi khỏi Nga tại Smogoai, cùng câu nói bất hủ của Napoleon: “Từ vĩ đại đến hài hước chỉ cách một bước chân”. Napoleon bỏ rơi tàn binh, chạy thẳng về Paris.

Người đặt nền móng cho Học thuyết quân sự Xô-viết

Ẩn mình trong khuôn viên luôn rợp mát bóng cây trên phố Bolshaya Pirogovskaya ở Moscow là một cơ sở đào tạo nổi tiếng của Bộ Quốc phòng Nga. Đó chính là Học viện quân sự mang tên nhà hoạt động nổi tiếng của Đảng Cộng sản, Nhà nước, Quân đội Liên Xô: Mikhail Vasilyevich Frunze (1885-1925). 

{keywords}
 

Do tham gia cuộc cách mạng 1905-1907, Frunze từng hai lần bị chính thể Sa hoàng bắt, kết án tử hình sau đổi thành chung thân và đày biệt xứ đến Siberia. Ông vượt ngục thành công rồi gia nhập quân đội Sa hoàng để tuyên truyền cách mạng trong binh lính. Sau Cách mạng Tháng Mười, Frunze có công lớn trong việc dẹp bạo loạn phản cách mạng ở Moscow và Yaroslav.

Năm 1919, mặt trận miền đông rất nguy kịch. Trùm bạch vệ Kolchak tập hợp được 25 vạn quân, chiếm cứ địa bàn rộng lớn. Dân ủy quốc phòng Trosky không tin Hồng quân có thể đương đầu được với quân Kolchak, nên chủ trương rút quân sang bờ Tây sông Volga. Nhưng Frunze đề xuất tiến công Kolchak từ bờ Đông sông Volga, nơi tập trung nhiều kho hậu cần lớn.

Ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Phương diện quân Miền Đông. Chiến dịch tiến công lực lượng Kolchak toàn thắng, Frunze được ca ngợi là có bản lĩnh và có tài chỉ huy những chiến dịch lớn. Sau này, khi nhắc lại chiến dịch đập tan đội quân Kolchak, Frunze nhấn mạnh: “Đặc điểm của Hồng quân chúng ta là tiến công… Tiến công là một hình thức phòng ngự tốt nhất”.

Sau đó, Frunze là Tư lệnh Mặt trận Turkistan, có công đặc biệt lớn trong việc quét sạch bọn phỉ, xây dựng, củng cố chính quyền Xô Viết. Mùa thù năm 1920, Frunze lại chỉ huy các chiến dịch ở mặt trận miền Nam, đập tan bạch vệ Wrangel, lực lượng vô chính phủ Makhno…

Sau Nội chiến, ông được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội đồng quân sự cách mạng, Thứ trưởng, Tổng Tham mưu trưởng rồi Bộ trưởng Quốc phòng, kiêm Giám đốc Học viện Hồng quân công nông (sau là Học viện quân sự mang tên ông). Giai đoạn này, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Frunze đã diễn ra cuộc cải cách sâu rộng hồng quân theo hướng tinh nhuệ, hiện đại.

Ngày 31/10/1925, Frunze qua đời khi mới 40 tuổi. Ông để lại nhiều công trình khoa học quân sự như “Tiền phương và hậu phương trong chiến tranh tương lai”, “Bàn về quân đội nhà nghề”… Frunze cũng nổi tiếng với câu nói: “Hồng quân được tạo ra bởi công nông và được lãnh đạo bởi ý chí của những người lao động”.

Vị nguyên soái của chiến thắng

Trong rất nhiều tướng lĩnh nổi danh trong Thế chiến 2, Georgy  Konstantinovich Zhukov được xếp đầu bảng về số lượng trận thắng nhiều và quy mô lớn. Zhukov sinh ngày 1/12/1896 ở Strelkovka, tỉnh Kaluga. Năm 1915, ông phục vụ trong một đơn vị kỵ binh, tham gia chiến đấu trong Thế chiến 1. Ông hai lần được tặng Huân chương Thánh George vì lòng dũng cảm.  

{keywords}
 

Sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, Zhukov gia nhập Đảng Bolshevik, gia nhập Hồng quân. Ông chỉ huy bộ đội bài bản, khoa học. Đơn vị ông phụ trách bao giờ cũng là đơn vị tiên tiến, lập nhiều công tích xuất sắc trong thời kỳ nội chiến Nga. Năm 27 tuổi, Zhukov giữ chức Trung đoàn trưởng, đến năm 42 tuổi là Phó tư lệnh Đại quân khu Belorussia. 

Tháng 6/1939, quân phiệt Nhật Bản bất ngờ xâm nhập Mông Cổ. Zhukov được giao chức Tư lệnh chiến dịch đánh đuổi quân Nhật khỏi Mông Cổ. Ông đã tổ chức nghi binh khéo léo, phản kích quyết liệt, gây tổn thất nặng nề cho đối phương. Qua đó, lần đầu tiên Zhukov thể hiện được tài năng về mặt chỉ huy và hiệp đồng tác chiến, gây sự chú ý của nhà lãnh đạo Stalin.

Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và năm 1940, được phong quân hàm Đại tướng, giữ chức Tư lệnh Đại quân khu Kiev. Đến đầu năm 1941, ông giữ chức Tổng tham mưu trưởng các Lực lượng vũ trang Liên Xô. Trong Chiến tranh Vệ quốc, Zhukov giữ các chức vụ Tư lệnh Phương diện quân Dự bị, Tư lệnh Phương diện quân Tây… trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng.

Tên tuổi của ông gắn liền với hầu hết các chiến thắng lớn của Hồng quân như trận Mosow, trận Stalingrad, trận Kursk, chiến dịch Bagration, chiến dịch Wisla-Oder và chiến dịch Berlin. 

Zhukov được nhân dân Liên Xô gọi bằng cái tên trìu mến “Vị nguyên soái của chiến thắng”. Ông được phong Nguyên soái Liên Xô năm 1943, là Nguyên soái Liên Xô đầu tiên được phong trong Thế chiến 2. Zhukov qua đời năm 1974, thọ 78 tuổi. Ông được mai táng tại Quảng trường Đỏ dưới chân tường thành Kremlin.

Nguyên Phong