Ngày 20/11/1935, Xô-viết Tối cao Liên Xô ra sắc lệnh phong quân hàm nguyên soái cho 5 tướng lĩnh thành danh trong Cách mạng Tháng Mười và nội chiến, trong đó có Semyon Mikhailovich Budyonny – Tư lệnh Tập đoàn quân (TĐQ) Kỵ binh số 1 Hồng quân.

Semyon Budyonny sinh ngày 25/4/1883 trong một gia đình nông dân đông con ở làng Platovskaya, tỉnh Sông Đông, miền Nam nước Nga. Năm 1903, Budyonny vào học ở trường kỵ binh, sau đó được điều về Trung đoàn Kozak Sông Đông số 46. Từ đây, Budyonny trở thành người lính kỵ binh chuyên nghiệp, hết tham gia chiến tranh Nga-Nhật ở Viễn Đông lại đến chiến tranh Thế giới thứ nhất ở các mặt trận Miền Tây, Kavkaz và Ba Tư.

{keywords}
Tư lệnh Tập đoàn quân Kỵ binh số 1 Liên Xô Semyon Budyonny. Ảnh: Wikipedia

Cách mạng Tháng Mười bùng nổ rồi sau đó là nội chiến, Budyonny nhanh chóng đứng về phía những người Bolshevik và trở thành ủy viên Xô-viết quân đội vùng Kavkaz. Mùa hè 1918, ông được giao tổ chức Trung đoàn Kỵ binh Xã hội chủ nghĩa-Nông dân số 1, đơn vị Kỵ binh Đỏ đầu tiên ở Sông Đông. Đây chính là lực lượng tiền thân của TĐQ Kỵ binh số 1 lừng danh.

TĐQ này đã đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của Hồng quân trong nội chiến, với những trận đánh nổi tiếng như trận phòng thủ Tsaritsyn (nay là Volgagrad)-nơi Budyonny lần đầu tiên gặp, làm quen và chiến đấu dưới quyền Đại diện toàn quyền I. Stalin và Tư lệnh Mặt trận K. Voroshilov, hai nhà lãnh đạo chính trị, quân sự mà ông sẽ gắn bó suốt đời mình.

TĐQ Kỵ binh số 1 cũng chính là lực lượng nòng cốt chiến đấu đẩy lùi lực lượng hung hãn của tướng Bạch vệ Denikin, bảo vệ vững chắc Moscow, giải phóng các thành phố Tula, Oryol, Voronhez rồi cuối cùng tiêu diệt hoàn toàn đội quân này ở Sông Đông, tái chiếm thành phố Rostov. Đoàn quân này cũng tiến hành những trận đánh ác liệt với quân của tướng phỉ Wranghel, giải phóng Crưm; đánh đuổi quân Makhno khỏi Ukraina...

Nội chiến kết thúc, Budyonny được cử làm Phó tư lệnh Quân khu Kavkaz. Bằng bản chất trung thưc, giản dị của mình, cùng với Tư lệnh Voroshilov, ông đã gây được thiện cảm, thu phục được người dân nơi đây, giúp ổn định và củng cố chính quyền Xô-viết, được mệnh danh là “Cha đỡ đầu” của một khu vực nổi tiếng phức tạp về sắc tộc, tôn giáo là Chesnia.

Mùa xuân năm 1926, Budyonny được cử đến Trung Á dẹp loạn Basmachi. Hành động quyết liệt, lại tận dụng được sự ủng hộ của người dân bản địa, trong thời gian ngắn,các đơn vị dưới quyền Budyonny đã đánh tan quân chủ lực của phiến quân, thiết lập vững chắc chính quyền Xô-viết tại Trung Á.

Năm 1937, Budyonny được cử làm Tư lệnh Quân khu Moscow và sau đó là Tư lệnh Hồng quân trong giai đoạn đầu cuộc chiến tranh Liên Xô-Phần Lan. Năm 1940, ông được bổ nhiệm làm Phó dân ủy (Thứ trưởng) Quốc phòng Liên Xô. Trong chiến tranh vệ quốc, Semyon Mikhailovich lần lượt đảm nhiệm các cương vị: Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Xô-viết ở hướng Tây Nam kiêm Tư lệnh Phương diện quân Tây Nam; Tư lệnh Phương diện quân dự bị; Tư lệnh các lực lượng Hồng quân ở hướng Bắc Kavkaz; Tư lệnh Phương diện quân Bắc Kavkaz; Tư lệnh các lực lượng Kỵ binh Hồng quân..

Điều ít người biết là vị tướng soái huyền thoại rất yêu thích, gắn bó với ngựa. Ông đã viết cuốn sách được phổ biến rộng rãi về ngành chăn nuôi ngựa. Ông cũng là người cho ra đời hai giống ngựa nổi tiếng hiện vẫn còn được nuôi nhiều ở Nga là Budyonov và Tersk. Con ngựa Sofist ông cưỡi trong nhiều năm đã được chọn làm mẫu để đúc chú ngựa cho tượng đài Thống soái Kutuzov ở Moscow, đặt trước Bảo tàng Tranh toàn cảnh “Trận chiến Borodino”.

Đặc biệt, Budyonny là người có thính giác âm nhạc tuyệt vời, biết chơi thành thục nhiều loại nhạc cụ nhất là phong cầm; biết nhảy những vũ điệu đầy tinh tế. Semyon Mikhailovich cũng có quan hệ gần gũi, giản dị nhưng đầy thân ái với nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng của đất nước.

Những chiến công của Budyonny được viết thành bài hát, được dựng thành phim và những vở kịch hoành tráng. Tuy nhiên, ông rất bình thản trước sự nổi tiếng của mình.

Semyon Mikhailovich Budyonny mất ngày 20/10/1973. Ở chân tường Điện Kremlin nơi ông được mai táng, vang lên một loạt pháo tiễn đưa vị Nguyên soái huyền thoại. Suốt một đời chinh chiến, được cả cấp dưới, lãnh đạo và nhân dân quý trọng, yêu mến, "người anh cả" của Kỵ binh Hồng quân không chỉ là biểu tượng, ông còn là lịch sử của đất nước Xô-viết.

                                                         >>> Đọc tin thế giới trên Vietnamnet

Nguyên Phong

Mười “đòn chí mạng” của Hồng quân Liên Xô giáng vào phát xít Đức

Mười “đòn chí mạng” của Hồng quân Liên Xô giáng vào phát xít Đức

Đây là cách nhà lãnh đạo I.V.Stalin miêu tả 10 chiến dịch tấn công chiến lược mà Hồng quân Liên Xô tiến hành trong năm 1944.

Trận đánh oai hùng của Liên Xô phá vỡ âm mưu man rợ của Đức quốc xã

Trận đánh oai hùng của Liên Xô phá vỡ âm mưu man rợ của Đức quốc xã

Trận Leningrad là một trong các trận đánh có số dân thường thiệt mạng cao nhất trong toàn bộ chiến tranh Xô-Đức.