Tuy nhiên, thế giới cũng chứng kiến gần 80.000 bệnh nhân Covid-19 khắp toàn cầu đã hồi phục sau một thời gian điều trị.
 
Trung Quốc giảm mạnh số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19
 
Các dữ liệu thống kê mới nhất cho thấy tổng số ca nhiễm mới và tử vong vì virus corona chủng mới trong ngày ở Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh, trái ngược với xu hướng tăng chóng mặt ở nhiều nơi khác trên thế giới. Trong 24 giờ qua, nước này chỉ ghi nhận thêm 21 trường hợp dương tính với Covid-19 và 13 người thiệt mạng vì virus.
 
Tính tới chiều 17/3, Trung Quốc có 80.881 người nhiễm virus corona chủng mới với 3.226 trường hợp đã tử vong. Bắc Kinh tuyên bố các biện pháp phòng chống đại dịch của nước này đã phát huy hiệu quả, nhưng nhà chức trách sẽ vẫn tiếp tục tăng cường kiểm soát các cửa khẩu, thắt chặt biện pháp cách ly đối với các hành khách đến từ những chuyến bay từ bên ngoài đại lục, do số ca nhiễm virus "nhập khẩu" gia tăng.

{keywords}
Một du khách mặc đồ bảo hộ chống Covid-19 tại sân bay quốc tế Hong Kong. Ảnh: AP


Trong khi đó, tại đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc, chính quyền địa phương đã ban bố các biện pháp giới hạn đi lại mới, đòi hỏi mọi cá nhân nhập cảnh từ nước ngoài phải tự cách ly 14 ngày. Những người này cũng phải dùng vòng đeo tay điện tử và một ứng dụng điện thoại đi kèm giúp cảnh báo nhà chức trách nếu họ vi phạm lệnh cách ly.
 
Châu Á tăng cường các biện pháp chống dịch
 
Tính đến chiều 17/3, số ca dương tính với Covid-19 ở Nhật đã tăng lên đến 839 người với 28 trường hợp đã tử vong. Theo kênh truyền hình Asahi, chính phủ Nhật dự kiến sẽ yêu cầu tất cả hành khách từ châu Âu đến nước này, bao gồm cả công dân Nhật tự cách ly trong 2 tuần. Đất nước mặt trời mọc cũng sẽ bắt đầu từ chối nhập cảnh đối với công dân nước ngoài từng ở những khu vực nhất định của các "điểm nóng" về dịch như Tây Ban Nha, Italia, Thụy Sỹ và Ireland.
 
Tại Ấn Độ, chính phủ nước này đã cho đóng cửa Đền Taj Mahal, một địa điểm hút khách du lịch hàng đầu nước này để phòng ngừa nguy cơ lây lan virus corona chủng mới. Trung tâm tài chính Mumbai cũng yêu cầu cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp cung cấp những dịch vụ không thiết yếu duy trì hoạt động với 50% nhân sự so với bình thường nhằm phòng chống dịch.
 
Đến hết ngày 16/3, Ấn Độ đã có 126 ca nhiễm Covid-19 với 3 người đã tử vong. Chính phủ nước này hôm nay, 17/3, bắt đầu từ chối cho các hành khách đi từ Afghanistan, Philippines và Malaysia nhập cảnh vào nước này, một ngày sau khi áp dụng lệnh cấm tương tự với các hành khách đến từ các nước Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ và Anh. Các biện pháp giới hạn đi lại nói trên dự kiến có hiệu lực đến ngày 31/3 và sẽ được xem xét lại sau đó.
 
Trước diễn biến dịch phức tạp, Malaysia đã quyết định hoãn tổ chức hội nghị các quan chức tài chính và ngân hàng trung ương của các nền kinh tế thành viên Diễn dàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC), dự kiến diễn ra từ ngày 17 - 19/3. Phát ngôn viên của chính phủ Malaysia giải thích, quyết định nhằm bảo vệ sự an toàn và sức khỏe của tất cả các đại biểu cũng như ban thư ký APEC. Nhà chức trách không đề cập đến thời điểm mới để tổ chức hội nghị.
 
Động thái diễn ra khi quốc gia Đông Nam Á chứng kiến sự gia tăng đột biến số ca nhiễm Covid-19 trong những ngày qua, lên tới 566 người tính đến chiều 17/3. Thủ tướng Malaysia Tan Sri Muhyiddin Yassin ngày 16/3 đã công bố một số biện pháp mới nhằm ngăn ngừa mầm bệnh nguy hiểm lây lan, kể cả tạm cấm mọi công dân ra nước ngoài cũng như từ chối nhập cảnh đối với toàn bộ du khách quốc tế. Tất cả các công dân Malaysia hồi hương sẽ phải kiểm tra y tế và tự cách ly 14 ngày.
 
Trong khi đó, Hàn Quốc có thêm 84 ca nhiễm Covid-19 và 6 người tử vong vì bệnh trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh lên 8.320 người và tổng số thiệt mạng vì virus lên 81 người. Từ ngày 16/3, Bộ trưởng Hải dương và thủy sản Hàn Quốc Moon Seong-hyeok cũng bắt đầu tự cách ly tại nhà do từng tiếp xúc với một bệnh nhân dương tính với virus corona chủng mới trước đó một tuần.
 
Châu Âu báo động đỏ vì Covid-19
 
Châu Âu hiện đã trở thành tâm chấn của đại dịch Covid-19 toàn cầu vì tốc độ lây lan virus corona chủng mới đáng báo động. Trong đó, Italia là quốc gia trong châu lục chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của căn bệnh truyền nhiễm mới.
 
Đến hết ngày 16/3, Italia ghi nhận 27.980 ca dương tính với Covid-19 và 2.158 trường hợp tử vong vì bệnh, chỉ xếp sau Trung Quốc đại lục. Các nhà xác ở một số khu vực của Italia đang phải hoạt động hết công suất để xử lý số thi thể nạn nhân tử vong vì đại dịch trong bối cảnh nhiều y, bác sĩ đã lên tiếng báo động về tình trạng quá tải của các bệnh viện cũng như việc thiếu trang thiết bị bảo hộ nghiêm trọng dành cho các chuyên gia y tế đang trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân.
 
Từ tuần trước, Rome đã ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc, đóng cửa mọi trường học, hầu hết các doanh nghiệp, cửa hàng và địa điểm kinh doanh trong ít nhất hai tuần để ngăn chặn virus lây lan. Bộ trưởng Kinh tế Italia Roberto Gualtieri ngày 16/3 cho biết, chính phủ nước này dự định bơm "một lượng thanh khoản rất lớn" vào hệ thống tài chính trong nước nhằm mang lại nguồn tiền mặt 340 tỷ Euro hỗ trợ nền kinh tế giữa lúc đại dịch hoành hành.
 
Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đã tuyên chiến với Covid-19, bắt đầu bằng các biện pháp giới hạn đi lại toàn quốc trong 2 tuần, bắt đầu từ trưa ngày 17/3. Mọi người dân được khuyến cáo ở nguyên trong nhà, hạn chế ra ngoài ngoại trừ "những nhiệm vụ thiết yếu" trong thời gian phong tỏa đất nước để dập dịch. Trong khoảng thời gian này, Pháp cũng sẽ tạm đóng cửa biên giới với các nước láng giềng trong khu vực Schengen, bao gồm hầu hết Liên minh châu Âu (EU).
 
Pháp hiện có 6.633 ca nhiễm Covid-19 và 148 trường hợp thiệt mạng vì virus. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner nhấn mạnh, bất kỳ ai vi phạm sắc lệnh phòng chống dịch mới mà không có lí do chính đáng sẽ bị xử lý nghiêm, bao gồm cả nộp phạt tới 135 Euro.
 
Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier nhận định, cuộc khủng hoảng vì đại dịch Covid-19 tại nước này có thể kéo dài tới cuối tháng 5 với tổng số ca nhiễm virus nhiều khả năng sẽ tăng mạnh trong hai tháng tới. Ông Altmaier khuyến nghị người dân nước này nên chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với căn bệnh viêm đường hô hấp cấp mới. Tính đến chiều 17/3 đã có 7.272 ca nhiễm virus corona chủng mới ở Đức với 17 trường hợp đã tử vong.
 
Iran đóng cửa các đền thờ Hồi giáo
 
Chính phủ Iran ngày 16/3 đã ra lệnh đóng cửa tất cả các đền thờ Hồi giáo dòng Shiite tại các thành phố tôn giáo Mashhad, Qom và Shahr-e-Rey ít nhất là tới ngày 25/3. Trong bối cảnh số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tăng chóng mặt tại quốc gia này, lên gần 15.000 người với 853 trường hợp đã tử vong vì bệnh tính đến chiều 17/3, chính phủ Iran đã phải tham vấn và nhờ các giáo chủ có ảnh hưởng trên cả nước thuyết phục các tín đồ chấp hành các biện pháp ngăn ngừa virus lây lan.
 
Mỹ hoãn bầu cử sơ bộ ở bang Ohio vào phút chót
 
Bất chấp các tranh cãi, Thống đốc bang Ohio Mike DeWine thông báo hoãn cuộc bỏ phiếu sơ bộ ngày 17/3 (theo giờ địa phương) tại bang này vì tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do đại dịch Covid-19 gây ra. Cuộc bỏ phiếu dự kiến sẽ được tổ chức bù vào ngày 2/6 tới.
 
Quyết định của ông DeWine được đưa ra sau khi các bang Louisiana, Georgia và Puerto Rico cũng hoãn các cuộc bầu cử sơ bộ bầu ứng viên tổng thống cho hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tới tháng 5 hoặc tháng 6 nhằm ngăn ngừa virus corona lây lan.
 
Trước đó, trong ngày 16/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng việc hoãn các cuộc bỏ phiếu là "không cần thiết" dù số ca nhiễm virus corona chủng mới ở nước này tiếp tục tăng nhanh, lên đến 4.743 trường hợp với 93 người đã tử vong tính đến chiều 17/3. Nhà Trắng vừa công bố những hướng dẫn mới giúp phòng ngừa Covid-19, bao gồm cả khuyến nghị người dân không nên tụ tập trên 10 người và hạn chế tới các quán bar, nhà hàng cũng như các địa điểm ăn uống.

Tuấn Anh