Trong một cuộc phỏng vấn mới với Reuters, bà Renata Dwan, giám đốc Viện Nghiên cứu giải trừ quân bị LHQ (UNIDIR), một tổ chức do Đại hội đồng LHQ thành lập năm 1980 để đánh giá các rủi ro của việc quân sự hóa đối với an ninh quốc tế nhấn mạnh: "Tôi nghĩ đây là lời cảnh tỉnh cho việc công nhận điều phần nào đó thiếu vắng trong cách truyền thông đưa tin về các vấn đề, rằng nguy cơ về chiến tranh hạt nhân hiện đặc biệt cao và các nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân hiện cũng cao hơn bất kỳ thời điểm nào khác kể từ sau Thế chiến hai".

{keywords}
Một vụ thử bom hạt nhân của Mỹ ở Nevada tháng 3/1955. Ảnh: BI

Việc gia tăng nguy cơ xảy ra tấn công hạt nhân đã dẫn tới sự ra đời của Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (TPNW), thỏa thuận có tính ràng buộc đầu tiên cấm mọi loại vũ khí nguyên tử cũng như việc chuyển giao, lắp đặt và đe dọa sử dụng chúng. Đại hội đồng LHQ đã thông qua hiệp ước với đa số phiếu ủng hộ vào tháng 7/2017. Tuy nhiên, tất cả các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đều tránh bỏ phiếu và một thành viên NATO duy nhất tham gia quá trình là Hà Lan nhưng lại bỏ phiếu chống.

Hiệp ước cần được ít nhất 50 nước thành viên LHQ phê chuẩn mới có hiệu lực. Song, cho đến nay mới chỉ có 23 trong tổng số 70 nước ký TPNW chính thức phê chuẩn hiệp ước.

Trong một động thái được coi là đe dọa an ninh toàn cầu, Mỹ đã bất ngờ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) có từ thời Chiến tranh Lạnh hồi đầu năm nay. Giới chức Mỹ cũng thường xuyên trích dẫn việc Nga không ngừng hiện đại hóa hạt nhân và chế tạo những loại vũ khí mới như đầu đạn hạt nhân siêu thanh như lí do thúc đẩy Mỹ tăng cường khả năng phòng thủ hạt nhân.

Các nguồn tin thống kê, Mỹ hiện có hàng chục quả bom hạt nhân cất trữ khắp châu Âu, kể cả ở Đức, Bỉ, Italia, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này luôn là mối quan ngại sâu sắc của Chính phủ Nga. Moscow cũng đe dọa có biện pháp đáp trả Washington xứng đáng.

Bà Dwan nhận định, thực tế đáng báo động trên một phần do sự đổ vỡ của các cơ chế kiểm soát vũ khí cũ. Theo chuyên gia này, cuộc chạy đua vũ trang chiến lược Mỹ - Trung, các chương trình hiện đại hóa của những nước sở hữu hạt nhân, sự trỗi dậy của các công nghệ mới, có khả năng sử dụng cho cả mục đích phòng vệ và tấn công cũng như sự ra đời của các hệ thống vũ khí tân tiến mới là những nguyên nhân dẫn tới sự xói mòn các cơ chế ngăn chặn phổ biến vũ khí đã hàng chục năm tuổi qua.

Một nhân tố khác là, các đối tượng phi nhà nước như các nhóm vũ trang và dân vệ không tuân thủ luật.

Tuấn Anh