Đối với nhiều người Canada, mùa xuân vừa qua là một thời kỳ đen tối khi sự gia tăng mạnh số ca mắc Covid-19 buộc nước này phải phong tỏa, trong khi đất nước vẫn chưa đạt được tỷ lệ tiêm chủng đủ cao, theo Guardian.

Đối với bà Anita Anand, Bộ trưởng phụ trách Mua sắm và Dịch vụ công Canada, nỗi thất vọng ngày càng tăng về việc đất nước bị thụt lùi trong cuộc đua vắc xin toàn cầu không khiến bà mất tập trung trong việc thúc đẩy tỷ lệ tiêm chủng ở nước này.

“Tôi biết rằng nguồn cung đang đến. Tôi biết vị trí của Canada rất vững chắc. Cách bạn bắt đầu cuộc đua không quan trọng, cách bạn hoàn thành cuộc đua mới đáng nói. Chúng tôi cần tập trung và chúng tôi phải quyết tâm”, bà nói.

{keywords}
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đến thăm một địa điểm tiêm chủng Covid-19 ở Montreal, Quebec, ngày 15/7. Ảnh: Reuters.

Hiện nay, Canada là nước có tỷ lệ dân số tiêm chủng Covid-19 cao nhất trên thế giới. Gần 82% người từ 12 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất một liều, và 70,3% được tiêm chủng đầy đủ.

Thành công này được cho là kết quả của sự phối hợp giữa các cuộc đàm phán, nguồn lực tài chính, và sự tin tưởng cao vào các tổ chức y tế công cộng.

Hành động sớm và quyết liệt trong thương lượng

Barry Pakes, giáo sư y tế công cộng tại Đại học Toronto, cho biết: “Chúng tôi có niềm tin vào chính quyền ở mọi cấp, đồng thời có một mức độ đoàn kết xã hội nhất định, và sự tin tưởng vào nền y tế nước nhà”.

Tất cả chiến dịch y tế công cộng, sự khuyến khích của chính phủ, và mong muốn chấm dứt đại dịch đều đóng vai trò quan trọng trong thành công về tiêm chủng của Canada.

Tuy nhiên những nỗ lực ban đầu của quốc gia này trong việc đảm bảo các hợp đồng và đàm phán với các nhà sản xuất cũng làm nổi bật những thách thức của cuộc chạy đua toàn cầu về vắc xin.

Ngay từ đầu, chiến lược vắc xin của chính phủ Canada là tìm cách chốt đơn với một số nhà sản xuất ngay cả trước khi họ công bố thử nghiệm thành công.

Sau khi Pfizer và Moderna công bố kết quả thành công của vắc xin mRNA, sự mạo hiểm của Canada đã được đền đáp.

“Chúng tôi bắt đầu quyết liệt thúc đẩy các nhà cung cấp giao hàng sớm”, bà Anand, cựu giáo sư quản trị doanh nghiệp tại Đại học Toronto, cho biết.

Tuy nhiên, sự khan hiếm vắc xin trong giai đoạn đầu, những cuộc đàm phán thất bại với các quốc gia khác - bao gồm Anh - với hy vọng được chia sẻ vắc xin, sự kiểm soát xuất khẩu ở châu Âu và Ấn Độ, cũng như sự bảo hộ của Mỹ đối với các ngành công nghiệp nội địa, cùng với thực tế là Canada không có vắc xin sản xuất trong nước đã khiến bà Anand sớm gặp phải nhiều bất lợi.

“Điều đó có nghĩa là chúng tôi có rất nhiều áp lực, và cần phải quyết liệt hơn trong việc thương lượng với các nhà sản xuất để nói với họ rằng ‘Chúng tôi có hợp đồng với các anh về ắc xin. Chún tôi muốn có vắc xin càng sớm càng tốt cho đất nước của mình’”.

Ngay cả khi số ca mắc Covid-19 gia tăng và tình trạng khan hiếm vắc xin đã buộc một số quốc gia ngừng xuất khẩu, bà Anand vẫn có thể thuyết phục các nhà sản xuất đẩy nhanh việc giao hàng đến Canada. Quốc gia này nhận được 28 triệu liều trước thời hạn.

Bỏ qua chỉ trích để đảm bảo sức khỏe cho dân

Trong khi vừa chiến đấu với đại dịch trong nước, vừa cạnh tranh với các quốc gia khác liều lĩnh không kém trong việc săn lùng vắc xin, một chiến lược của Canada vấp phải sự chỉ trích gay gắt.

Khi ký kết nhiều thỏa thuận, Canada cho biết họ sẽ đóng góp cho COVAX để cung cấp vắc xin cho những nước nghèo hơn.

Tuy nhiên, hồi tháng 2, nước này quyết định nhận 1,9 triệu liều từ COVAX để tiêm cho người dân trong nước. Nhiều chuyên gia y tế cộng đồng và các nhà lãnh đạo phe đối lập đã lên án bước đi này của chính phủ.

Bà Anand cho biết: “Quyết định sử dụng một lượng tương đối nhỏ từ COVAX được đưa ra bởi vì đất nước chúng tôi cần vắc xin vào thời điểm đó”. Nữ bộ trưởng nói thêm rằng vào đầu mùa xuân, Canada đã tụt hậu so với nhiều quốc gia khác về tỷ lệ tiêm mũi đầu tiên.

“Tình thế lúc đó khiến chúng tôi cần phải làm như vậy. Ngay sau khi có được nguồn cung sớm, chúng tôi đã không lấy bất kỳ liều vắc xin nào từ COVAX nữa”, bà nói.

Nữ bộ trưởng cho biết thêm Canada luôn mong muốn quyên góp cho toàn cầu lượng vắc xin nhiều hơn trong nước sử dụng.

“Vấn đề là thời gian. Chúng tôi cần đảm bảo có đủ nguồn cung cho người dân trong nước, đồng thời duy trì cam kết của mình với COVAX và các nước đang phát triển”, bà nói.

Ngày 12/8, bà Anand thông báo sẽ quyên góp 10 triệu liều Johnson & Johnson cho COVAX, nâng tổng số đóng góp của Canada cho cơ chế chia sẻ vắc xin toàn cầu này lên hơn 40 triệu liều.

Canada hiện vẫn còn 22 triệu liều vắc xin trong nước chưa được triển khai và 6,5 triệu người chưa được tiêm. Bên cạnh đó, các lo lắng về việc tiêm mũi tăng cường cũng làm nổi bật những thách thức mới mà nước này phải đối mặt.

“Chúng tôi hy vọng tiếp tục quyên góp cho toàn cầu nhiều hơn những gì chúng tôi sẽ sử dụng trong nước. Tuy nhiên, chúng tôi cần đảm bảo cân bằng giữa hai công việc này”, nữ bộ trưởng chia sẻ.

Ông Pakes, giáo sư y tế công cộng tại Đại học Toronto, cho biết tỷ lệ tiêm vắc xin hiện tại đã mang lại cho đất nước sự bảo vệ mạnh mẽ, nhưng vẫn chưa đủ mức cần thiết để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.

“Chúng tôi đang ở vị trí tốt hơn so với thế giới, nhưng vẫn chưa đủ tốt để ngăn chặn làn sóng thứ 4”, ông nói.

>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

 

Hãy đóng góp cho Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ theo một trong các phương thức:
  • (i) Đóng góp trực tiếp qua website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (ii) Chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng của Quỹ. Xem chi tiết thông tin trên website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (iii) Soạn tin nhắn theo cú pháp: COVID NK gửi 1408, trong đó N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2000, K là thể hiện đơn vị (nghìn đồng).

Theo Zing

Chùm ảnh nguyên thủ các nước tiêm vắc xin ngừa Covid-19

Chùm ảnh nguyên thủ các nước tiêm vắc xin ngừa Covid-19

Tổng thống, Thủ tướng một loạt quốc gia trên thế giới đã háo hức khoe khoảnh khắc tiêm vắc xin ngừa Covid-19.