Thuốc giả tại Pakistan được làm từ... vôi vữa tường, sơn, cùng với một số hóa chất độc hại khác.

TIN BÀI KHÁC

Một người đàn ông có tên Shazill Maqsood cho biết: “Con gái tôi mắc chứng viêm phổi, nên tôi mua cho con một vài loại thuốc bột ở chợ địa phương”. Tuy nhiên, sau khi dùng thuốc, tình trạng của đứa trẻ chẳng hề khá hơn. 

Khi mang con đến bác sĩ,  Maqsood được khuyên dừng ngay việc cho con gái mình uống những thứ thuốc đó, bởi chúng chẳng khác nào chất độc.

Theo CNN, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính trên toàn thế giới mỗi năm có khoảng 1 triệu người chết do uống phải thuốc giả. Tại Pakistan, chỉ trong một vụ việc vào năm 2012, đã có tới 120 người bị bệnh tim mạch thiệt mạng vì uống phải thuốc giả.

Các cửa hàng dược phẩm tại Pakistan cung cấp thuốc men chữa đủ loại bệnh tật, từ dạng viên nang, viên nén cho tới xirô dễ uống cho trẻ em. Tuy nhiên, ít ai kiểm chứng được đâu trong số những thứ thuốc sặc sỡ này là hàng thật, và đâu là loại thuốc giả độc hại chết người.

{keywords}{keywords}
Công nhân trong xưởng sản xuất thuốc giả. (Ảnh: CNN)

Mới đây, một đoạn video do CNN công bố đã ghi lại cảnh các công nhân tại xưởng làm thuốc bên trong một con hẻm gần khu chợ dược phẩm, đang miệt mài nghiền những mảnh vữa tường cũ thành bột - một trong những thành phần chính của thuốc giả.

Một công nhân nói trong khi vẫn luôn tay nhồi bột vào các viên con nhộng: “Chúng tôi làm mọi loại thuốc ngay tại đây, bất kể thứ gì có nhu cầu cao trên thị trường. Các viên nang, chai thuốc đều chứa những thành phần tương tự nhau. Thuốc xirô thực chất đều cùng một loại, chỉ khác nhau mỗi màu sắc”.

{keywords}{keywords}{keywords}
Vữa tường được giã thành bột, rồi nhồi vào viên con nhộng và chia vào các lọ. (Ảnh: CNN)

Theo một công nhân khác, việc mua nguyên vật liệu hết sức dễ dàng: “Tất cả mọi thứ như chai, hộp, nắp chai, viên nang… đều có sẵn tại khu chợ gần đây”.

Javed Iqbal, một nhân viên bán chai lọ đựng thuốc, cho hay ông không biết khách hàng sẽ làm gì với những thứ mua từ cửa hàng mình: “Tôi không biết họ đựng gì vào các loại chai, có thể là rượu, hoặc là thuốc”.

Hầu hết các loại thuốc giả sản xuất tại Pakistan đều được tiêu thụ trong nước, nhưng một phần của thứ thuốc độc hại này đã được tuồn sang Mỹ và một số nước châu Âu bằng cách buôn bán trực tuyến qua mạng.

John Clark, cựu quan chức của Cơ quan Xuất nhập cảnh và Hải quan Hoa Kỳ (ICE), tiết lộ kết quả phân tích các loại thuốc giả bị thu giữ tại Mỹ cho thấy thành phần của chúng bao gồm thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột, bột vữa tường, sơn và một số chất khác.

{keywords}
Các loại thuốc giả bị thu giữ tại Mỹ được làm từ bao gồm thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột, bột vữa tường, sơn và một số thành phần khác. (Ảnh: CNN)

Năm 2010, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Pakistan khi đó - ông Rehman Malik cảnh báo rằng, số thuốc giả hoặc không đạt tiêu chuẩn tại Pakistan lên tới 45-50%. 

Mặc dù quốc gia này đã thành lập cơ quan quản lý dược phẩm, với vai trò trấn áp việc buôn bán thuốc chợ đen, nhưng cho đến nay, vấn nạn này vẫn còn tồn tại.

{keywords}
Năm 2010, số thuốc giả hoặc không đạt tiêu chuẩn tại Pakistan lên tới 45-50%. (Ảnh: CNN)

Hiệp hội Dược sĩ Pakistan cho biết, chỉ có khoảng 4.000 nhà thuốc được cấp phép ở Pakistan, trong khi có đến 100.000 cửa hàng bán thuốc bất hợp pháp. “Bao bì thuốc được đóng gói đẹp và hấp dẫn, nhưng bệnh nhân không thể biết bên trong là những thành phần gì”, Farmann Abbass, một dược sĩ Pakistan nói.

Một người bán thuốc giấu mặt cho biết: "Dù là người bán dược phẩm, nhưng tôi không khuyên bất cứ người quen nào mua những loại thuốc này. Chúng có chất lượng không tốt".

Lan Phương