{keywords}
 

Trên khắp thế giới, biến thể Delta đã trở thành kẻ thay đổi cuộc chơi, đe dọa các kế hoạch trở lại tình trạng bình thường như trước đại dịch. 

Giáo sư Tan Chorh Chuan, nhà khoa học hàng đầu về y tế của Singapore đồng thời là thành viên Uỷ ban tiêm phòng Covid-19 của quốc đảo này cho biết, tốc độ lây lan và sự khó khăn trong kiểm soát các chủng đột biến mới khiến virus corona trở thành một đối thủ đáng gờm hơn và do đó sự hợp tác quốc tế là vô cùng quan trọng.

Trong bối cảnh Covid-19 thử nghiệm các giới hạn của khoa học, trang Geneva Solutions đã có cuộc phỏng vấn ông Tan về những nỗ lực vượt qua đại dịch của Singapore.

Geneva Solutions: Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu xảy ra, Singapore đã mau chóng kiểm soát sự lây lan bằng cách đóng cửa biên giới và thực hiện việc truy vết tiếp xúc toàn diện cũng như triển khai xét nghiệm. Tuy nhiên, sự gia tăng số ca nhiễm gần đây đang làm chệch hướng những nỗ lực này. Điều gì đã thay đổi?

{keywords}
Giáo sư Tan Chorh Chuan

Giáo sư Tan: Tại Singapore và ở Đông Á nói chung, chúng tôi sử dụng một cách tiếp cận dựa trên kinh nghiệm có từ thời dịch SARS, vốn bao gồm xét nghiệm rất tích cực, xác định các ca bệnh, cô lập và cách ly chúng. Trong năm 2020, mọi việc đã diễn ra tốt đẹp nhưng năm 2021, một số điều đã thay đổi khiến cách tiếp cận này trở nên khó khăn hơn.

Lý do quan trọng nhất đó là biến thể Delta dễ lây truyền hơn loại virus mà chúng tôi phải đối phó vào năm 2020. Vì thế, điều này có nghĩa là để đối phó được với loại virus này thông qua truy vết tiếp xúc và cô lập, bạn phải rất nhanh.

Geneva Solutions: Hiện thời, chiến lược của Singapore là gì để mọi việc trở lại bình thường trong khi vẫn tiếp tục ngăn chặn virus?

Giáo sư Tan: Chúng tôi có thể xác định các ca bệnh nhanh chóng vì Singapore là một hòn đảo nhỏ. Ngoài ra, Singapore có một hệ thống chăm sóc sức khoẻ rất tốt, có thể cô lập và cách ly các ca bệnh nhanh chóng nhờ hai hệ thống kỹ thuật số là TraceTogether và SafeEntry. Thứ ba, Singapore tiến hành rất nhiều xét nghiệm.

Đó là một nỗ lực lớn để làm giảm lây nhiễm và nó chỉ hoạt động tốt nếu bạn bắt kịp virus. Một khi virus đạt tới độ lây nhiễm nhất định, sẽ cực khó để ngăn chặn nó. Vì thế, mục tiêu của những gì Singapore làm là giữ lây nhiễm ở mức độ mà chúng tôi có thể tiếp tục kiểm soát nó bằng một số hạn chế mà không phải phong toả chung. Do biến thể Delta dễ lây lan hơn nên việc kiểm soát nó khó hơn nhiều, dù là bạn ở Singapore hay bất cứ nơi nào trên thế giới.

Trong quá trình mở cửa và đối mặt với các ca nhiễm nhập khẩu, cách Singapore giữ lây nhiễm ở mức độ không cần phải phong toả là tiêm chủng. Tại Singapore, hơn 3/4 dân số đã được tiêm phòng ít nhất một liều vắc xin và hơn 60% đã tiêm hai liều. Vào cuối tháng này, Singapore sẽ đạt mức độ tiêm chủng là 80%. Singapore cần đạt mức độ tiêm phòng cao để giảm nhu cầu truy vết tiếp xúc và cách ly và để mở cửa nền kinh tế, đi lại theo cách bền vững hơn.

Singapore vẫn đang học hỏi từ các nước khác như Israel và Anh, những nước đang bắt đầu mở cửa trở lại.

Ông đã nói về một số khó khăn mà biến thể Delta gây ra với việc truy vết tiếp xúc. Liệu chúng ta đã tới giai đoạn mà truy vết tiếp xúc không còn là giải pháp hiệu quả như trước đây?

Tôi nghĩ chắc chắn là khó hơn. Một khi số ca nhiễm tăng quá mức nhất định, bạn không thể ngăn chặn sự bùng phát bằng cách chỉ thông qua truy vết tiếp xúc. Vì thế, sau đó bạn phải nhìn vào sự tác động của nó.

Nếu đã tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt là ở người cao tuổi và người dễ tổn thương, thì khi dịch bệnh bùng phát, việc kiểm soát sẽ dễ thực hiện hơn. Tuy nhiên, với những quốc gia chưa đạt tới mức độ tiêm chủng đủ cao hoặc miễn dịch như Singapore, chúng ta cần tiếp tục truy vết tiếp xúc cho tới khi đạt mức độ miễn dịch đủ cao.

Một điểm khác nữa mà tôi muốn nói là Singapore chưa bao giờ thực sự trải qua một đại dịch cực lớn. Miễn dịch có được một cách tự nhiên của Singapore là tương đối nhỏ so với Anh – quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng và lây nhiễm khá cao (đồng nghĩa với việc họ có thể có số người được miễn dịch tự nhiên cao). Vì vậy, đối với một nước như Singapore, chúng tôi đang ở giai đoạn chuyển tiếp. Singapore phải duy trì các biện pháp như vậy cho tới khi có được đủ mức độ miễn dịch. Tới lúc đó, chúng tôi sẽ bắt đầu thực sự xem xét biện pháp nào có thể nới lỏng, và biện pháp nào nên tiếp tục.

Dữ liệu gần đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho thấy, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm gấp 2 so với những gì đã nghĩ trước đây. Ông có coi nó là một kẻ thay đổi cuộc chơi không và liệu điều này có thay đổi chiến lược chống dịch Covid-19 hiện thời không?

Đó là một kẻ thay đổi cuộc chơi vì tốc độ và sự khó khăn trong kiểm soát nó. Tuy nhiên, điều may mắn là các loại vắc xin mà chúng ta đang dùng đã chứng tỏ được sự hiệu quả… Có điều quan trọng là phải tiêm phòng nhanh và để dân số được bảo vệ. Tôi cho rằng cần tiêm chủng nhanh vì nếu chỉ dựa vào đóng cửa biên giới và các biện pháp y tế công để kiểm soát dịch bệnh là không thể được vì nó rất dễ lây lan.

Khi nào cần tiêm các mũi nhắc lại cho những người đã được tiêm chủng. Singapore quyết định như thế nào về vấn đề này?

Với nhiều quốc gia trên thế giới, đây vẫn là câu hỏi chưa có đáp án. Tại Singapore, số người đã tiêm vắc xin được 9 tháng hoặc hơn vẫn còn rất ít vì chúng tôi bắt đầu tiêm phòng cho người cao tuổi vào tháng 2. Vì thế, Singapore chưa đi tới quyết định về vấn đề này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn theo dõi sát dữ liệu để xem khi nào miễn dịch suy giảm, dẫn tới sự lây nhiễm nghiêm trọng, rồi cân nhắc tiêm nhắc lại…

Trong vài tháng tới, khi chúng tôi nắm được nhiều dữ liệu hơn và điều đó sẽ cho phép chúng tôi lựa chọn ai cần tiêm mũi nhắc lại và khi nào thực hiện việc đó.

>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất 

Hoài Linh – Lược dịch theo Geneva Solutions 

Đạt mốc tiêm chủng ấn tượng, Singapore vạch lộ trình "sống chung với Covid-19"

Đạt mốc tiêm chủng ấn tượng, Singapore vạch lộ trình "sống chung với Covid-19"

Singapore đang trên đà trở thành quốc gia đầu tiên của châu Á tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ cho phần lớn dân số, tiến gần hơn tới đích thoát khỏi đại dịch, ít nhất là về mặt lý thuyết.

 

Hãy đóng góp cho Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ theo một trong các phương thức:
  • (i) Đóng góp trực tiếp qua website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (ii) Chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng của Quỹ. Xem chi tiết thông tin trên website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (iii) Soạn tin nhắn theo cú pháp: COVID NK gửi 1408, trong đó N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2000, K là thể hiện đơn vị (nghìn đồng).