Hồi tháng 6, Chính phủ Singapore thông báo hướng tới chiến lược sống chung với Covid-19, tập trung vào truy vết và xử lý các ổ dịch bằng tiêm chủng, cho nhập viện mà không cần phong tỏa và đóng cửa biên giới như ở đa số quốc gia khác.

Cùng tháng, Singapore bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp giới hạn. Tuy nhiên, những tuần sau đó, Singapore lại đối mặt nhiều thách thức. Số ca nhiễm tăng vọt. Các kế hoạch tái mở cửa bị trì hoãn, và một số biện pháp hạn chế được tái áp đặt.

{keywords}
Singapore nới lỏng các hạn chế kể từ tháng 6 và đạt tỷ lệ tiêm vắc xin đầy đủ cho hơn 80% dân số. Ảnh: EPA

Sau nhiều tháng ghi nhận số ca mắc mới hàng ngày tương đối thấp, vào cuối tuần qua, Singapore thông báo số ca nhiễm tính theo ngày vượt mốc 1.000, cao chưa từng có kể từ tháng 4 năm ngoái. Ngày 19/9, giới chức y tế phát hiện 1.012 ca mới, tăng từ con số 1.009 hôm trước đó. Cùng ngày, có tới 873 bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện, tăng từ mốc 863 ca hôm trước đó, với 118 người phải thở oxy và 21 người trong tình trạng nguy kịch.

Chính phủ Singapore coi mức tăng này là một "bước chuyển giao" mà Singapore sẽ phải thích ứng và điều chỉnh để hướng đến chiến lược sống chung với Covid-19 thay vì loại bỏ hoàn toàn đại dịch này. "Chúng tôi đang trên con đường chuyển tiếp sang một trạng thái bình thường mới là sống chung với Covid-19. Đó là một hành trình khó đoán và đầy những khúc cua", Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nói tại cuộc họp báo hôm 17/9.

Các bệnh viện công ở Singapore đang chứng kiến số bệnh nhân tăng đột biến, nhưng đa số (hơn 98%) chỉ ở thể nhẹ và không có triệu chứng. Vì thế, giới chức y tế nước này khuyến khích họ đến gặp bác sĩ đa khoa hoặc phòng khám để các bệnh viện tập trung chăm sóc các trường hợp khẩn cấp.  

Hôm 18/9, giới chức y tế cũng bắt đầu mở rộng chăm sóc tại nhà, áp dụng cho toàn bộ những người nhiễm Covid-19 đã tiêm vắc xin đầy đủ ở độ tuổi 12-60 không có triệu chứng nặng. Theo chủ trương mới, trung bình cứ 10 ca nhiễm thì có 7 người được điều trị tại nhà, giúp giảm bớt áp lực cho các bệnh viện và trung tâm y tế.

Ong Eu Jin Roy, một bác sĩ gia đình ở Singapore, cho biết, các nhân viên y tế hiện tại đã gần như kiệt sức. "Chúng tôi đã bền bỉ cố gắng, nhưng phải có điểm cuối để chúng tôi có thể nhìn thấy mục tiêu. Khi chính phủ muốn chúng tôi mở cửa và sống chung với dịch bệnh, tôi nghĩ điều này thật tuyệt, bởi vì chúng tôi thực sự đã tiến đến giới hạn cuối của mình rồi", ông bày tỏ.

Ngoài việc tăng cường năng lực của các dịch vụ y tế để xử lý số ca nhiễm gia tăng, Singapore còn mở rộng các dịch vụ giúp người dân giải quyết các vấn đề về tinh thần và căng thẳng do Covid-19 gây ra.

{keywords}
Thủ tướng Lý Hiển Long được tiêm tăng cường vắc xin Covid-19 ở Bệnh viện Đa khoa Singapore vào thứ Sáu tuần trước. Ảnh: Reuters/MCI

Theo Bộ trưởng Ong, Singapore vẫn chưa tiến đến giai đoạn có thể coi Covid-19 là bệnh đặc hữu giống như cúm mùa. "Tôi sẽ chỉ gọi Covid-19 là bệnh đặc hữu nếu như một nửa bạn bè tôi đang nhiễm hoặc đã từng nhiễm nó. Xung quanh tôi mới chỉ có người nhà mắc bệnh chứ chưa có người bạn nào nhiễm cả", ông trao đổi với hãng tin Al Jazeera.

Vị bộ trưởng nhấn mạnh, kể cả khi virus chỉ gây nguy cơ nghiêm trọng cho những người dễ bị tổn thương và chưa tiêm vắc xin, việc sống chung với Covid-19 có nghĩa là nhiều biện pháp phòng chống dịch mà người Singapore đã thực hiện như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, làm việc tại nhà, hạn chế du lịch nội địa… vẫn cần được tuân thủ. 

Ông cho rằng, việc tiêm phòng tăng cường có một vị trí quan trọng trong chiến lược phòng chống Covid-19 của Singapore khi các biến thể virus mới ra đời. Đồng thời, các xét nghiệm nhanh phải được thực hiện theo ngày hoặc theo tuần ở nơi làm việc, cho đến khi mọi nơi trên thế giới đã kiểm soát được đại dịch.

"Singapore đã làm tương đối tốt, với việc xét nghiệm, truy vết, tiêm chủng và tuân thủ các chính sách của chính phủ. Những chính sách này sẽ vẫn được thực hiện, bởi vì đại dịch toàn cầu vẫn hiện diện với nhiều biến thể dễ lây nhiễm hơn", giáo sư Jeannette Ickovics chuyên về tâm lý và sức khỏe cộng đồng Đại học Yale-NUS ở Singapore nhận định với Al Jazeera.  

Bà lý giải thêm: "Làm thế nào chúng ta có thể sống chung được với Covid-19? Hãy quay trở lại các thói quen cơ bản như rửa tay, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội; và nếu cảm thấy không khỏe thì hãy ở nhà. Cố gắng sắp xếp công việc sao cho hợp lý, đánh giá và trình bày rõ ràng những gì bạn cần để hoàn thành công việc, và nắm bắt sự linh hoạt". 

Eugene Tan, Phó giáo sư luật tại trường Đại học Quản lý Singapore, bình luận: "Kinh nghiệm của Singapore cho thấy, sự cần thiết phải có một cách tiếp cận đối với không chỉ toàn bộ chính phủ mà còn với cả xã hội để đối phó với đại dịch. Tuy Singapore có lợi thế về sự hợp tác của người dân, song việc sử dụng công nghệ để truy vết tiếp xúc cũng đóng vai trò then chốt trong kiểm soát đại dịch".    

>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Hãy đóng góp cho Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ theo một trong các phương thức:
  • (i) Đóng góp trực tiếp qua website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (ii) Chuyển khoản qua các tài khoản ngân hàng của Quỹ. Xem chi tiết thông tin trên website: http://quyvacxincovid19.gov.vn
  • (iii) Soạn tin nhắn theo cú pháp: COVID NK gửi 1408, trong đó N là số bất kỳ trong khoảng từ 1 đến 2000, K là thể hiện đơn vị (nghìn đồng).

Thanh Hảo

Malaysia lên kế hoạch tiêm mũi ba, Singapore căng thẳng vì Covid-19

Malaysia lên kế hoạch tiêm mũi ba, Singapore căng thẳng vì Covid-19

Thủ tướng Malaysia mới đây đã ra thông báo về kế hoạch tiêm mũi ba vắc-xin ngừa Covid-19. Trong khi đó, diễn biến dịch bệnh đang căng thẳng tại Singapore và Australia.