Học sinh có thể dễ dàng bị phân tâm. Liệu các em có tập trung lắng nghe thầy cô giảng bài hay lại nhắn tin buôn chuyện, chụp ảnh trêu nhau, hoặc say mê chơi trò chơi, xem video trên mạng xã hội?

{keywords}
Tìm lời giải cho vấn đề học sinh sử dụng điện thoại thông minh đang là bài toán nan giải ở nhiều nước. Ảnh: Sky News

Theo VOA News, nhà trường, giáo viên và cả các bậc phụ huynh ở nhiều quốc gia đều đang cố gắng tìm ra cách thức tốt nhất để giám sát con em mình sử dụng điện thoại di động.

Ở tỉnh Ontario của Canada, các nhà chức trách hạn chế sử dụng điện thoại trong thời gian giảng dạy. Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ cho các hoạt động trong lớp học và những trường hợp khẩn cấp.

Pháp đã thông qua luật năm 2018 cấm sử dụng điện thoại di động ở các trường dành cho học sinh từ 15 tuổi trở xuống. Còn tháng 7 năm ngoái, Thống đốc California Gavin Newsom đã ký một luật mới, cho phép các trường công lập và bán công có thể cấm học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong lớp và ở trường.

Luật yêu cầu các học khu, các trường bán công và phòng giáo dục phải phát triển các chính sách về điện thoại di động để ngăn chặn hoặc hạn chế học sinh sử dụng thiết bị này ở trường. Có một số ngoại lệ bao gồm các trường hợp khẩn cấp hoặc vấn đề liên quan đến sức khỏe và tâm lý.

Một trường trung học ở khu vực Thung lũng Silicon của California từng có một vấn đề nghiêm trọng với học sinh và những chiếc điện thoại di động. Joanne Sablich, một giáo viên dạy tiếng Pháp, mô tả việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp là một vấn đề thực sự vì các em liên tục "kiểm tra điện thoại và tin nhắn". Phó hiệu trưởng Adam Gelb cho biết, một số học sinh thậm chí dùng điện thoại 11-12 giờ mỗi ngày.

Vì vậy, chính quyền địa phương đã phải viện đến công nghệ để tìm câu trả lời. Trường San Mateo khóa điện thoại của học sinh trong một hộp chứa đặc biệt. Các em phải cất điện thoại của mình vào một chiếc túi nhỏ có khóa từ, được gọi là Yondr Pouch. Vào cuối ngày, học sinh có thể mở khóa túi này bằng một thiết bị khác.

Chiếc túi này hiện đang được sử dụng ở nhiều trường học tại Mỹ và châu Âu, với giá thành khoảng 20.000 USD/năm cho mỗi trường, hoặc 12 USD cho mỗi học sinh.

Giáo viên Joanne Sablich rất vui vì thấy rõ sự khác biệt trong hành xử của học sinh. Cô cho biết, học sinh năm nay rất gắn bó với nhau chứ không chỉ chằm chằm nhìn vào màn hình điện thoại nữa.

Nhiều trường khác chọn câu trả lời đơn giản hơn cho vấn đề này - họ cấm sử dụng điện thoại trong lớp học. Một trong những ngôi trường như vậy là Forest Hills, gần Grand Rapids, bang Michigan. Ban giám hiệu học khu này quyết định cấm điện thoại di động suốt cả ngày học, kể cả bữa trưa.

Trao đổi với Tuần báo Giáo dục (Education Week), giám đốc của Forest Hills là Dan Behm giải thích lý do nhà trường thực thi lệnh cấm là vì muốn "mang đến cho học sinh một giờ giải lao thoải mái, không để các em mất thời giờ nhắn tin hoặc lao vào những chuyện vô bổ trên mạng xã hội".

Lệnh cấm đã được thử từ năm học trước và ông Behm cho biết nhà trường nhận thấy học sinh thực sự bớt lo lắng khi không khư khư ôm điện thoại lướt mạng như trước nữa.

Tuần báo Giáo dục cho biết, hơn 30 trường ở Mỹ đã thực thi một kiểu hạn chế điện thoại di động nào đó từ năm học vừa qua.

{keywords}
Một số trường cho rằng điện thoại thông minh là một công cụ giáo dục hữu ích nên cần dạy cho học sinh cách sử dụng hợp lý. Ảnh: AP

Trong khi đó, ban giám hiệu học khu Saint Mary Area ở bang Pennsylvania lại không chọn cách cấm học sinh sử dụng điện thoại. Thầy Brian Toth, giám thị nhà trường cho rằng thiết bị di động có thể là một công cụ giảng dạy tuyệt vời.

Theo ông, trẻ em ngày nay lớn lên cùng điện thoại di động và "trách nhiệm của chúng ta phải dạy bọn nhỏ sử dụng công cụ này một cách thích hợp trong lớp học". Ông nhấn mạnh thêm, nhiều trường hiện nay đang dạy về điện thoại di động và cách sử dụng chúng với mạng xã hội và Internet.

"Nó góp phần làm thay đổi giáo dục dành cho trẻ nhỏ, miễn là chúng ta dạy các em sử dụng một cách có trách nhiệm", Brian Toth nói và nhấn mạnh thêm rằng các trường "nên dạy học sinh cách sử dụng công nghệ một cách hữu ích, chứ không nên sợ sệt hoặc tránh né".

Thanh Hảo