Với cáo buộc Trung Quốc dung túng tình trạng lao động cưỡng bức và khiến Mỹ mất nhiều việc làm trong lĩnh vực sản xuất, các thượng nghị sĩ Tom Cotton đến từ bang Arkansas, Jim Inhofe thuộc bang Oklahoma và Rick Scott đến từ bang Florida hôm 18/3 đã đệ trình “Đạo luật Quan hệ thương mại Trung Quốc” lên Quốc hội Mỹ.

{keywords}
Thượng nghị sĩ Tom Cotton đổ lỗi Trung Quốc khiến Mỹ mất nhiều việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Ảnh: CNBC

Dự luật nói trên yêu cầu Tổng thống Mỹ phải hàng năm phê duyệt lại quan hệ thương mại với Trung Quốc, đồng thời trao cho quốc hội nước này quyền phủ quyết các quyết định của lãnh đạo Nhà Trắng.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, năm 2000, các nhà lập pháp Mỹ đã thông qua quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Trung Quốc và được Tổng thống khi đó Bill Clinton ký thành luật. PNTR cho phép hai bên gắn kết quan hệ thương mại song phương với các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tổ chức Trung Quốc gia nhập vài tháng sau đó.

Ngoại trưởng Madeleine Albright trong chính quyền Clinton gọi đó là "quyết định đúng đắn đối với nước Mỹ" và tin "việc Trung Quốc gia nhập WTO cũng như việc Mỹ gia hạn PNTR cấp cho Bắc Kinh sẽ giúp đặt nền móng thiết lập mối quan hệ hợp tác song phương mang tính xây dựng trong những năm tới”.

Năm năm sau, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ khi đó Robert Zoellick, trong chính quyền George W. Bush kế nhiệm cũng tuyên bố, việc khắc sâu quan hệ thương mại với Trung Quốc, cùng với việc đưa nước này hội nhập sâu hơn vào hệ thống quốc tế sẽ khiến Bắc Kinh trở thành "một người tham gia có trách nhiệm".

Tuy nhiên, trong những năm sau đó, Washington ngày càng trở nên thất vọng với các chính sách của Bắc Kinh trên mặt trận thương mại và nhân quyền. Điều này càng củng cố quyết tâm của những nhà lập pháp phản đối việc thắt chặt quan hệ kinh tế song phương.

Thượng nghị sĩ Cotton và các nhà lập pháp Cộng hòa khác đã thúc đẩy những nỗ lực trừng phạt Trung Quốc và trong vài năm trở lại đây đã bảo trợ hoặc ủng hộ nhiều dự luật khác nhau chống đại lục, khi quan hệ song phương xấu đi nghiêm trọng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Họ đang gây áp lực buộc chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục giữ thái độ cứng rắn với Bắc Kinh.

Việc nhóm của ông Cotton tái trình dự luật hủy PNTR cấp cho Trung Quốc diễn ra đúng lúc Ngoại trưởng Antony Blinken cùng Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan bắt đầu cuộc đối thoại cấp cao 2+2 đầu tiên thời Tổng thống Biden với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Chủ nhiệm Văn phòng Uỷ ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Việc cuộc gặp dự kiến sẽ không đạt được bất kỳ đột phá nào được tin sẽ càng thổi bùng quan điểm chống Trung Quốc ở nhiều nghị sĩ Mỹ.

Xem thêm: Sự kiện Đối thoại Mỹ - Trung

Tuấn Anh

Mỹ sẽ 'rắn' với Trung Quốc tại cuộc đối thoại đầu tiên thời ông Biden?

Mỹ sẽ 'rắn' với Trung Quốc tại cuộc đối thoại đầu tiên thời ông Biden?

Các đại diện Mỹ dự kiến sẽ thể hiện lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc trong hội nghị song phương cấp cao ở Alaska tuần này và không kỳ vọng quá cao về kết quả đạt được, theo lời một số quan chức ở Washington.

Diễn biến khẩu chiến Mỹ - Trung trong ngày đầu đối thoại cấp cao

Diễn biến khẩu chiến Mỹ - Trung trong ngày đầu đối thoại cấp cao

Mỹ và Trung Quốc đã chỉ trích gay gắt các chính sách của nhau trong cuộc đối thoại cấp cao trực tiếp đầu tiên diễn ra tại Alaska.