Ngay sau quyết định gây sốc của lãnh đạo Nhà Trắng hôm 14/4, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ra tuyên bố khẳng định đây không phải là lúc thích hợp để cắt giảm các nguồn lực dành cho WHO.

"Hiện là thời điểm cho sự đoàn kết và để cộng đồng quốc tế thống nhất sát cánh bên nhau cùng ngăn chặn virus corona chủng mới, cũng như các hậu quả thảm khốc do nó gây ra", ông Guterres nhấn mạnh. Lãnh đạo Liên Hợp Quốc cho rằng, WHO cùng hàng ngàn nhân viên của cơ quan này đang ở tuyến đầu chống Covid-19 nên rất cần sự ủng hộ để những nỗ lực dập dịch thành công.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Donald Trump gây sốc khi đột ngột quyết định ngưng chu cấp tài chính cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ảnh: CNBC, WSJ

Trong khi đó, Trung Quốc, nước được WHO ca ngợi về công tác ngăn chặn sự lây lan của virus, ngày 15/4 bày tỏ quan ngại sâu sắc về động thái của Tổng thống Trump, đồng thời kêu gọi Mỹ hoàn thành các bổn phận của nước này đối với WHO.

"Quyết định làm suy yếu khả năng của WHO cũng như gây tổn hại đến sự hợp tác quốc tế. Trung Quốc sẽ luôn ủng hộ WHO thực hiện vai trò quan trọng trong lĩnh vực y tế quốc tế và ứng phó với đại dịch trên toàn cầu", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói.

Cùng ngày, Tân Hoa xã dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Chính phủ Nga hoàn toàn tin tưởng, ủng hộ những nỗ lực và hành động của WHO trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Theo ông Peskov, các lãnh đạo G20, kể cả Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn đặt hy vọng vào những hành động sắp tới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại.

Theo Reuters, Josep Borrell, lãnh đạo chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) cũng đăng đàn Twitter bày tỏ sự tiếc nuối về quyết định của người đứng đầu Chính phủ Mỹ. Ông Borrell cho rằng "không có lí do gì cho động thái ấy, vào một thời điểm mà các nỗ lực đồng thuận cần thiết hơn bao giờ hết".

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tin rằng, việc đổ lỗi không giúp ích gì khi virus corona chủng mới tấn công xuyên biên giới. Theo quan chức này, việc tăng cường các năng lực của WHO, kể cả việc phát triển, phân phối các dụng cụ xét nghiệm, điều chế vắc-xin... là "một trong những khoản đầu tư tốt nhất".

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern lưu ý, WHO đóng một vai trò thiết yếu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 toàn cầu. "Vào một thời điểm như thế này, khi chúng tôi cần thông tin chia sẻ và lời khuyên tin cậy, WHO đã mang đến những điều đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ và đóng góp cho cơ quan này", bà Ardern nói.

Trong khi đó, phát biểu trên sóng phát thanh quốc gia, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho hay, ông đồng cảm với những chỉ trích của Tổng thống Mỹ Trump đối với WHO, đặc biệt là sự ủng hộ "không thể đo đếm được" của cơ quan này cho việc tái mở các chợ buôn bán cũng như giết mổ động vật hoang dã ở đại lục.

Song, ông Morrison cũng thừa nhận, WHO đang đảm trách nhiều công việc quan trọng trong khu vực Thái Bình Dương và không thể tránh khỏi những chỉ trích. Lãnh đạo Chính phủ Australia khẳng định luôn hợp tác chặt chẽ với WHO nhằm hoàn thành tốt các trọng trách như vậy.

Tuấn Anh