Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chọn một thời điểm không thể thích hợp hơn để công khai tham gia vào cuộc chiến chống phiến quân ‘Nhà nước Hồi giáo’ (IS) tự xưng.

Hãng Interfax hôm 25/9 dẫn lời quan chức Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, ‘về lý thuyết’ Moscow có thể tham gia chống IS nếu các điều kiện được đáp ứng. Đêm 27/9, nhiều lãnh đạo châu Âu dường như đã chấp thuận các phương án mà Nga ngụ ý.

Các lãnh đạo châu Âu, gồm cả Thủ tướng Anh David Cameron, đã đồng tình để Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục duy trì quyền lực tại Syria. Đây luôn là điều kiện tiên quyết trong các cuộc mặc cả giữa Nga và phương Tây về Syria, trừ một lần trong năm 2012, Moscow đề xuất phương án ra đi cho ông Assad nhưng Mỹ đã khước từ.

Ông Cameron nói rằng, tương lai của Syria sẽ không thể có Assad, nhưng ít nhất trong giai đoạn chuyển đổi này, họ vẫn đáp ứng điều kiện của Moscow. Đó là Syria cần có một người lãnh đạo để tránh việc quốc gia này sụp đổ trước khi IS chiến thắng.

Muốn giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư tận gốc rễ, thì châu Âu không còn cách nào khác là phải xử lý cho êm thấm cuộc nội chiến tại Syria, mà như vậy họ khó có cách nào khác, là phải đối thoại với Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết đã sẵn sàng thảo luận với Nga về Syria. Ông Stoltenberg nói thêm rằng, việc hợp tác với Nga là cần thiết vì để tránh ‘tai nạn hoặc sự vụ’ do liên minh mà Mỹ dẫn đầu vẫn đang oanh tạc IS.

Nhiều nhà phân tích coi bước đi này của ông Putin chỉ mang tính chiến thuật, và ông Putin khó lòng tranh thủ các thiếu sót của Tổng thống Obama tại Trung Đông trong cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, trên thực tế, lợi ích của phía Nga trong vấn đề này lớn hơn rất nhiều.

{keywords}

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải)

Thứ nhất, Moscow tuyên bố việc đưa vũ khí vào Syria là để đối phó IS. Không ai có thể khước từ quyền của Moscow khi tham gia cuộc chiến chống lại lực lượng đang gieo rắc tội ác kinh hoàng trên khắp Trung Đông, và có thể lan rộng ra thế giới.

Thực tế, những gì Mỹ đang làm trong cuộc chiến chống IS chỉ dừng lại ở mức độ ‘kiềm chế’, chứ không thể tiêu diệt được lực lượng này. Ông Putin chỉ ra thất bại của Mỹ trong các chương trình đào tạo các tay súng nổi dậy chống Assad quay sang đánh IS thê thảm tới mức nào.

“Mục tiêu là huấn luyện từ 5.000-6.000 tay súng, và sau đó là 12.000 hoặc hơn. Nhưng hóa ra chỉ có 60 trong số đó là được huấn luyện bài bản, và chỉ có 4-5 người thực sự cầm súng, trong khi số còn lại đã bỏ chạy cùng với vũ khí của Mỹ, để gia nhập IS” – ông Putin cho hay.

Hai năm trước, Putin từng thành công khi buộc Damascus giải giáp vũ khí hóa học, tránh một cuộc chiến mà Tổng thống Obama suýt phát động nhằm vào Syria. Nay, ông Obama lại lâm vào ‘thế khó xử’ khi không thể phản đối kế hoạch của ông Putin, mà có khi lại miễn cưỡng ủng hộ.

Trong khi đó, ngoài việc chống IS, khí tài và binh sĩ, cố vấn quân sự của Nga hiện diện tại Syria cũng sẽ khiến các cuộc tấn công của lực lượng nổi dậy chống Tổng thống Assad (do Mỹ bảo trợ) kém hiệu quả.

Thứ hai, bằng cách gây dựng các mạng lưới đối tác chống IS, Nga đang tìm cách tăng cường hiện diện càng sâu rộng tại Trung Đông càng tốt, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ rút quân khỏi Iraq.

Chỉ trong thời gian ngắn, Iraq đã nhất trí cùng Nga, Iran và Syria phối hợp tác chiến chống IS. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Damascus, Tehran sẽ góp sức tham gia chống IS cùng các lực lượng quốc tế.

Interfax dẫn lời nguồn tin quân sự - ngoại giao tại Moscow cho hay, một trung tâm phối hợp 4 bên sẽ được thiết lập tại Baghdad trên cơ sở luân phiên sĩ quan của Iraq, Iran, Syria và Nga. Đồng thời, Iraq cũng nhất trí trao đổi thông tin tình báo và vũ khí với các đồng minh này.

Trước đó, hơn 20 tỉ USD tiền Mỹ viện trợ và huấn luyện cho quân đội Iraq để chống IS gần như là đổ sông đổ bể, vì không những đội quân này suýt sụp đổ 2 lần trong năm ngoái, mà thậm chí Tướng Mỹ còn phải thốt ra rằng nhiều binh sĩ Iraq thậm chí còn không muốn đánh IS.

Cũng Syria, việc Nga lấy danh nghĩa chống IS tại Iraq cũng hợp lý. “Người Nga buộc phải làm việc với Iran bên trong Iraq để sử dụng sân bay vận chuyển vũ khí và máy bay tiếp liệu trên đường tới Syria", BI dẫn lời Tony Badran, nhà nghiên cứu tại Quỹ Quốc phòng Dân chủ.

Không dừng ở đó, các công trình của Nga tại tây Syria đang có sự phối hợp với phía Iran. Nga còn đang sử dụng một căn cứ không quân tại Hamadan, Iran để tiếp liệu cho máy bay trên đường tới Syria.

Và nếu mục đích sau cùng của Nga là nhằm thiết lập một chỗ đứng chắc chắn, để từ đó phóng chiếu sức mạnh trong khu vực – và thách thức ảnh hưởng của Mỹ tại đây – thì nhiều khả năng Putin có thể sẽ thử thách cả vùng biển tại Iraq.

Thứ ba, bằng việc chuyển trọng tâm sang chiến trường ở Trung Đông, Nga đã làm cuộc chiến ở Ukraina ít được chú ý hơn – kể cả với các lãnh đạo và giới truyền thông phương Tây. Khi đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống IS, Moscow sẽ có khả năng thuyết phục các nước phương Tây ngưng các trừng phạt liên quan tới khủng hoảng tại Ukraina.

“Cơ hội theo đuổi các lợi ích quốc gia nằm ở trọng tâm của chiến lược của Nga tại Trung Đông” – tác giả Yaroslav Trofimov viết trên tờ Nhật báo phố Wall hồi đầu tuần qua.

“Đứng đầu trong mục tiêu đó là hồi sinh lại nền kinh tế Nga vốn phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng, hiện đang chịu tác động kép từ giá dầu giảm và các trừng phạt kinh tế mà phương Tây áp đặt sau cuộc khủng hoảng tại Ukraina”.

Đó cũng chính là lý do tại sao nhiều nhà quan sát cho rằng, khi Tổng thống Nga dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, ưu tiên hàng đầu trong các nội dung thảo luận sẽ là Syria và IS, thay vì là Ukraina.

Lê Thu