Trong cuộc phỏng vấn với chương trình tin tức kinh tế của hãng thông tấn Fox, trước câu hỏi liệu dịch virus Vũ Hán có gây rủi ro cho nền kinh tế Mỹ hay không, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đáp: "Tôi không muốn nói về một vòng đua chiến thắng đối với một căn bệnh ác tính, rất không may đã xảy ra này. Thực tế, nó mang đến cho các doanh nghiệp một yếu tố nữa để cân nhắc khi họ xem xét lại chuỗi cung ứng của họ... Vì vậy, tôi nghĩ dịch (virus Vũ Hán) sẽ giúp đẩy nhanh việc trả lại công ăn việc làm cho Bắc Mỹ".

{keywords}
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross. Ảnh: Reuters

Theo BBC, thông qua phát biểu trên, ông Ross dường như ám chỉ niềm tin rằng việc bùng phát dịch virus corona mới ở Trung Quốc có thể là điều tích cực đối với nền kinh tế Mỹ. Phát biểu này ngay lập tức vấp phải phản ứng dữ dội từ những người chỉ trích chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của dịch đối với nền kinh tế Trung Quốc nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung.

Nghị sĩ Don Beyer thuộc đảng Dân chủ Mỹ đã đăng đàn Twitter để bày tỏ sự hoài nghi về những lợi thế kinh tế giữa lúc dịch virus Vũ Hán hoành hành. Các nhà kinh tế cũng đặt câu hỏi về tuyên bố của lãnh đạo Bộ Thương mại Mỹ.

Chuyên gia Simon Baptist thuộc Economist Intelligence Unit (EIU) ở Singapore, cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu thuộc tạp chí The Economist gọi phát biểu của ông Ross là "kỳ quặc", đồng thời khẳng định dịch virus Vũ Hán sẽ tác động tiêu cực đến Mỹ.

"Các công ty sẽ không đưa ra quyết định đầu tư nghiêm túc và dài hạn dựa vào sự bùng phát của một căn bệnh có thể kéo dài từ 3 - 6 tháng. Trên thực tế, Mỹ cũng sẽ là bên hứng tổn thất vì bất chấp tất cả, Trung Quốc vẫn là một thị trường lớn đối với Mỹ. Nếu nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại đáng kể thì điều đó cũng sẽ có tác động ngược trở lại với Mỹ", ông Baptist giải thích.

Trước những lùm xùm liên quan đến phát biểu của bộ trưởng, phát ngôn viên Bộ Thương mại Mỹ sau đó đã phải lên tiếng đính chính rằng: "Như Bộ trưởng Ros đã nói rõ, bước đầu tiên là kiểm soát virus và giúp đỡ các bệnh nhân. Điều quan trọng nữa là cân nhắc sự phân tách trong kinh doanh với một quốc gia có lịch sử lâu dài về việc che đậy những rủi ro thực sự cho chính người dân của họ và phần còn lại của thế giới".

Ngày 30/1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu do sự bùng phát và lây lan của virus Vũ Hán. Tính tới sáng 31/1, dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới này đã lây lan tới 22 quốc gia trên thế giới và cướp đi sinh mạng của ít nhất 213 người.

Các nhà kinh tế dự đoán, dịch do virus Vũ Hán có thể gây hậu quả lớn hơn đối với nền kinh tế toàn cầu so với dịch do Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) gây ra trong giai đoạn 2002 - 2003. Dịch SARS cách đây 17 năm đã làm hơn 8.000 người bị lây nhiễm, gây ra hơn 700 ca tử vong và ước tính đã khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 30 tỷ USD.

Tuấn Anh