Ý nghĩ về một cuộc đấu lâu dài giữa Mỹ-Trung Quốc đã trở thành quan điểm nhất quán ở Bắc Kinh, ngay cả khi hai nước đã đạt được sự đồng thuận về điều mà Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi là “Thỏa thuận giai đoạn 1” hồi đầu tháng này.

Hiện các nhà đàm phán thương mại hai bên đang cố đưa ra một bản thỏa thuận càng sớm càng tốt, mà ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ ký kết tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á–Thái Bình Dương (APEC) trong tháng 11 tới. Tổng thống Trump hôm 21/10 nói rằng “thỏa thuận với Trung Quốc đang tới gần”, và Bắc Kinh muốn đạt được thỏa thuận này bởi “chuỗi cung ứng của họ đang tụt dốc”.

{keywords}
Tổng thống Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ảnh: AP

Tờ SCMP trích lời chuyên gia kinh tế Zhu Jianfang cho rằng, ông rất tự tin về việc Mỹ-Trung Quốc sẽ ký một thỏa thuận tạm thời. “Tuy nhiên về lâu dài, việc đạt được thỏa thuận không có nghĩa là hai bên đã giải quyết những vấn đề khúc mắc. Trung Quốc và Mỹ sẽ không ngừng cạnh tranh với nhau”, ông Zhu phát biểu tại diễn đàn do trường Đại học Nhân dân Trung Quốc tổ chức hôm 21/10 vừa qua.

Chuyên gia Yu Chunhai thuộc Học viện Phát triển và Chiến lược Quốc gia lại cho rằng, Mỹ đã sẵn sàng sử dụng các biện pháp ‘bất bình thường’ để giải quyết các vấn đề thương mại, nhất là khi nước này đang ngày càng theo chủ nghĩa bảo hộ hơn. Cụ thể, việc chính quyền Washington đã liệt tập đoàn công nghệ Huawei vào danh sách đen, như một biện pháp nhằm ngăn Trung Quốc có thể tiếp cận công nghệ và thị trường nội địa Mỹ.

“Mỹ đã tăng các mức áp thuế nhằm đạt được lợi thế trong các cuộc đàm phán thương mại. Nhưng tới nay, khi chúng ta nhìn vào ngành sản xuất nói riêng và nền kinh tế Mỹ nói chung, thì hiệu quả của các chiến lược thuế quan đều không đáng kể. Bởi vậy, khả năng nước này sử dụng các biện pháp ‘bất bình thường’ nhằm chống lại Trung Quốc sẽ cao hơn”, ông Yu nói.

Nhưng trên thực tế khác với những gì ông Yu nhận định, những mức thuế Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc đang bắt đầu phát huy tác dụng. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý 3/2019 của Trung Quốc chỉ đạt 6%, thấp hơn so với mục tiêu chính phủ Trung Quốc đặt ra trong năm 2019. Và tác động của thuế Mỹ tới Trung Quốc trong năm 2020 “sẽ còn nghiêm trọng hơn những gì xảy ra trong năm 2019, trừ khi các mức thuế bị hủy bỏ”, ông Zhu phát biểu tại diễn đàn hôm 21/10.

{keywords}
Phó Thủ tướng TQ Lưu Hạc, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin hôm 10/10. Ảnh: Reuters

Như một phần của thỏa thuận thương mại sơ bộ, Nhà Trắng tuyên bố Trung Quốc sẽ tăng cường mua nông sản Mỹ, tài chính tiền tệ, sở hữu trí tuệ cũng như mở cửa thị trường dịch vụ tài chính của nước này. Đổi lại, Mỹ sẽ ngừng tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, dự kiến sẽ có hiệu lực hôm 15/10 vừa qua.

Tuy nhiên nếu hai bên không đạt được tiến triển trước ngày 15/12, thì mức áp thuế 15% mới của Mỹ áp lên lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 160 tỷ USD nhập vào nước này sẽ có hiệu lực. Và điều này đồng nghĩa với toàn bộ hơn 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ sẽ là mục tiêu của hàng loạt các mức thuế trừng phạt.

Tờ SCMP trích lời chuyên gia Luo Zhiheng thuộc Viện nghiên cứu Evergrande nhận định, động thái Trung Quốc muốn đạt được thỏa thuận sơ bộ là bởi gánh nặng của thương chiến đang đè nặng lên nền kinh tế nước này, trong khi ông Trump lại muốn ‘thắng’ trong chiến dịch tái tranh cử sắp tới. Tuy nhiên việc giải quyết tất cả những bất đồng của hai nước sẽ rất khó khăn, bởi theo ông Luo, các nhà đàm phán thươn mại chỉ chú trọng vào các vấn đề ngắn hạn, trong đó có giảm việc giảm sự mất cân bằng thương mại song phương.

Tuấn Trần