Theo hãng tin CNN, không nơi nào có cơ hội thay đổi lớn như mối quan hệ Mỹ-Trung, vốn đã lao xuống mức thấp chưa từng có trong nhiệm kỳ của ông Trump. Bốn năm qua, cả hai bên đã tấn công nhau bằng thuế quan thương mại, hạn chế quyền tiếp cận với các công ty công nghệ, nhà báo và nhà ngoại giao, đóng cửa các lãnh sự quán và căng thẳng ở Biển Đông.

{keywords}
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phó tổng thống Mỹ Joe Biden trong lễ đón ở căn cứ không quân Andrews, Maryland, tháng 9/2015. Ảnh: AP

Giới phân tích ở cả hai nước hiện vẫn tranh luận về việc Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ áp dụng các chính sách thiên về trừng phạt của ông Trump đối với Trung Quốc hay quay sang thiết lập lại quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Kể cả trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, có nhiều dấu hiệu cho thấy nước này vẫn "đang nín thở" chờ đợi, chưa rõ chính quyền mới ở Mỹ sẽ đi theo hướng nào.

"Trung Quốc không nên nuôi dưỡng ảo tưởng rằng cuộc bầu cử mang lại chiến thắng cho ông Biden sẽ làm dịu căng thẳng hoặc đảo ngược chiều hướng quan hệ Mỹ - Trung, cũng không nên bớt đi sự tin tưởng vào cải thiện quan hệ song phương. Cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc và sự cảnh giác chống lại Trung Quốc sẽ càng mạnh thêm", tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) nêu trong một bài xã luận hôm 15/11.

Đến nay nhóm chuyển giao của ông Biden chưa đưa ra tuyên bố chính sách chính thức nào về Trung Quốc.

Chính trị gia Dân chủ này không còn xa lạ với chính sách đối ngoại. Trong gần 5 thập niên tham gia chính trường, ông đã nhiều lần không ủng hộ chống lại Trung Quốc. Với tư cách thượng nghị sĩ, ông đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Trung Quốc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi năm 2001.

Các chuyên gia phân tích đang đánh giá những tuyên bố trước kia và những bình luận gần đây được đưa ra trên đường đua vào Nhà Trắng, để thấy ông Biden sẽ tiếp cận thách thức chính sách đối ngoại cấp bách nhất như thế nào.

Quan hệ với Bắc Kinh

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, khi ông Biden đảm nhận cương vị Phó Tổng thống từ năm 2009 đến năm 2017, quan hệ với Bắc Kinh được đánh giá ở mức độ quan trọng cao, một phần xuất phát từ vị thế mới của Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Mặc dù Trung Quốc đạt được sức mạnh cả về kinh tế và quân sự, song ngoại giao thời kỳ này chủ yếu do các nỗ lực hợp tác thay vì đối đầu dẫn dắt. Những tranh chấp chủ yếu được kiềm chế và tập trung vào các vấn đề an ninh, chẳng hạn như hoạt động xây dựng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và chiến dịch gián điệp mạng.

Theo ông Obama, mối quan hệ giữa hai quốc gia sẽ định hình thế kỷ 21. Và vì vậy, mối quan hệ ổn định là vô cùng quan trọng, không chỉ đối với Mỹ mà với cả thế giới nói chung. Ông Biden đã đến Bắc Kinh nhiều lần nhằm đạt được sự ủng hộ của Trung Quốc đối với một số chính sách quan trọng của Tổng thống Obama, bao gồm cả nỗ lực kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Trong một chuyến đi như vậy vào năm 2013, ông đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và được gọi là "người bạn cũ của Trung Quốc". Cuộc nói chuyện riêng tư của họ dự kiến diễn ra trong 45 phút nhưng kéo dài 2 giờ đồng hồ.

Phát biểu trước công chúng khi đó, ông Biden đã dùng những từ ngữ lạc quan để miêu tả mối quan hệ với Bắc Kinh: "Khả năng sẽ là vô hạn nếu chúng ta có được mối quan hệ theo một mô hình mới thực sự".

Nhưng bất chấp cáo buộc từ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump rằng Biden quá thân thiết với Trung Quốc, có bằng chứng cho thấy quan điểm của chính trị gia Dân chủ đã thay đổi trong những năm gần đây, phù hợp với suy nghĩ chung cũng đang thay đổi ở Washington rằng Bắc Kinh không còn là đối tác tiềm năng nữa, mà là đối thủ chính của Mỹ.

Trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ hồi tháng 2, ông Joe Biden đã thúc giục Bắc Kinh phải "chơi theo luật", và quảng cáo tranh cử của ông hồi tháng 6 cáo buộc Tổng thống Trump bị Trung Quốc "chơi xỏ".

Trọng tâm nhắm vào Trung Quốc được nêu rất rõ trong cương lĩnh của đảng Dân chủ phát hành hồi tháng 8/2020. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, cương lĩnh của đảng này chỉ đề cập 7 điểm về Trung Quốc, còn phiên bản năm nay có tới 22 điểm.

"Đảng Dân chủ sẽ rõ ràng, mạnh mẽ và nhất quán trong nỗ lực đẩy lùi những quan ngại sâu sắc về kinh tế, an ninh... về các hành động của Chính phủ Trung Quốc", CNN trích dẫn bản cương lĩnh năm 2020.

Thương mại

Một trong những mục chính trong cương lĩnh chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump là cuộc thương chiến với Trung Quốc. Kể từ giữa năm 2018, chính quyền ông Trump đã áp thuế lên hàng trăm tỷ đôla hàng nhập khẩu của Trung Quốc, nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với cường quốc châu Á và buộc Bắc Kinh mở cửa nền kinh tế hơn nữa.

Bắc Kinh và Washington đã đạt được thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" vào tháng 1/2020, nhưng nhiều lĩnh vực bất đồng vẫn chưa được giải quyết, trong đó có việc Trung Quốc trợ cấp cho các công ty nhà nước đang cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Những tuyên bố gần đây của Joe Biden cho thấy, ông sẽ tiếp tục hành động chống lại Bắc Kinh về các chính sách kinh tế. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn với NPR hồi tháng 8, chính trị gia Dân chủ cho rằng thuế quan cũng có hại đối với Mỹ như với Trung Quốc.

"Sản xuất đang đi vào suy thoái. Nông nghiệp mất hàng tỷ đôla mà người nộp thuế phải trả. Chúng ta đang theo đuổi Trung Quốc một cách sai lầm", ông nói.

Vì vậy, ông Biden dường như ủng hộ xây dựng một liên minh toàn cầu để buộc Trung Quốc tự do hóa nền kinh tế của mình. "Những gì tôi muốn Trung Quốc làm là tuân thủ các quy tắc quốc tế, không giống như những gì ông ấy đã làm", ông Biden nói trong cuộc tranh luận thứ hai với ông Trump hồi tháng 10. "Chúng tôi cần những người bạn còn lại cùng nói với Trung Quốc: 'Đây là các quy tắc. Các bạn phải tuân thủ, hoặc sẽ phải trả giá...".

Có những dấu hiệu cho thấy ông Biden có thể tận dụng các khía cạnh của cuộc chiến công nghệ mà ông Trump đã theo đuổi chống lại Trung Quốc. Dưới thời ông Trump, Mỹ đã cố gắng thúc đẩy các đối tác ngoại giao từ chối công nghệ 5G sản xuất tại Trung Quốc, tách Bắc Kinh khỏi các thành phần quan trọng của Mỹ và nhắm đến các ứng dụng phổ biến do các công ty Trung Quốc vận hành.

Hồi tháng 9, ông Biden bày tỏ lo ngại về ứng dụng TikTok thuộc sở hữu của Trung Quốc được sử dụng rộng rãi, một mục tiêu chính của chính quyền Tổng thống Trump. "Tôi nghĩ rằng điều đáng quan tâm là TikTok có khả năng tiếp cận hơn 100 triệu người trẻ, đặc biệt là ở Mỹ".

Trong cương lĩnh Dân chủ năm 2020, có một gợi ý khác rằng chính quyền ông Biden sẽ tiếp tục nỗ lực của Tổng thống Trump ngăn các đồng minh sử dụng thiết bị công nghệ 5G do tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei sản xuất. "Chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác để phát triển mạng 5G an toàn và giải quyết các mối đe dọa trong không gian mạng", cương lĩnh nêu rõ.

Biển Đông

Cả chính quyền Obama và Trump đều theo đuổi chính sách phản đối các yêu sách chủ quyền đơn phương của Trung Quốc với Biển Đông.

Thời chính quyền Obama-Biden, Bắc Kinh đã bắt đầu xây dựng bất hợp pháp và quân sự hóa các đảo nhân tạo. Sau đó, Washington bắt đầu hoạt động tự do hàng hải trong khu vực, điều tàu hải quân đến gần các đảo nhân tạo và bãi đá ngầm do Bắc Kinh xây dựng bất hợp pháp để chứng tỏ Mỹ sẽ không thừa nhận các tuyên bố của Trung Quốc.

Dưới thời ông Trump, Mỹ tiếp tục tăng cường các hoạt động này và công khai tuyên bố "hầu hết" các yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông là bất hợp pháp.

Ông Joe Biden không đưa ra tuyên bố công khai quan trọng nào về Biển Đông, nhưng cũng không có dấu hiệu nào ở giai đoạn này cho thấy ông sẽ đảo ngược các chính sách cứng rắn của ông Trump trong khu vực. Thậm chí, ông có thể sẽ còn hành động mạnh hơn.

Ngay khi tuyên bố thắng cử, ông Joe Biden đã củng cố lập trường bác bỏ các tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương khi điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide.

Thanh Hảo

Obama lo ngại về sự chia rẽ của Mỹ hậu bầu cử tổng thống

Obama lo ngại về sự chia rẽ của Mỹ hậu bầu cử tổng thống

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, kết quả của cuộc bầu cử tổng thống vừa diễn ra cách đây gần 2 tuần phản ánh nước này đang trong tình trạng chia rẽ nghiêm trọng.

Viễn cảnh chờ ông Trump nếu rời Nhà Trắng

Viễn cảnh chờ ông Trump nếu rời Nhà Trắng

Trong trường hợp chấp nhận thất cử, Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục lãnh đạo nước Mỹ đến ngày 20/1/2021, tiến hành chuyển giao công việc cho người kế nhiệm và gia nhập câu lạc bộ dành riêng cho các cựu tổng thống.