Bình Nhưỡng liên tiếp có những hành động khuấy đảo dư luận, có thể là bởi họ muốn chính quyền Tổng thống Donald Trump phải phản ứng.

Vấn đề đối với ông Trump và lãnh đạo nhiều nước khác là sẽ phản ứng như thế nào, bởi cấm vận và cả gây áp lực quân sự đến nay đều không thuyết phục được ông Kim Jong Un, theo hãng tin Bloomberg.

{keywords}

Hình ảnh vụ phóng thử 4 tên lửa của Triều Tiên do KCNA công bố

Ban đầu, Tổng thống Mỹ tỏ tín hiệu sẽ cởi mở với đối thoại. Nhưng gần đây, ông ngụ ý có thể sẽ theo bước người tiền nhiệm, Barack Obama, khi ra điều kiện rằng Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân thì mới có thể đàm phán.

Thách thức đối với ông Trump cao hơn so với ông Obama, vì Bình Nhưỡng giờ đây đã đạt tiến bộ trong việc phát triển tên lửa xuyên lục địa có thể tấn công Mỹ.

Giới chuyên gia nhận định, các sự kiện mới đây có thể là vì nhà lãnh đạo Kim Jong Un muốn thúc ép Tổng thống Mỹ phải đàm phán và nhượng bộ.

"Họ quyết định rằng, chờ đợi thì không tác dụng còn cư xử tử tế cũng sẽ chẳng tạo ra khác biệt nào với Mỹ", Bloomberg dẫn lời John Delury - một giáo sư thuộc Đại học Yonsei ở Seoul.

"Tôi thực sự cho rằng họ muốn một cuộc đàm phán. Họ có thể theo dõi tin tức. Họ biết có một đánh giá về chính sách Triều Tiên đang được tiến hành ở Washington. Và đây là thúc ép đàm phán".

Sớm ngày 6/3, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đích thân giám sát phóng thử 4 tên lửa đạn đạo, khiến cho lãnh đạo Mỹ, Nhật, Hàn phải vội vã điện đàm cho nhau.

Tổng thống Mỹ tuyên bố Triều Tiên sẽ phải chịu "những hậu quả rất thảm khốc" cho vụ thử tên lửa, đồng thời khẳng định sự ủng hộ dành cho Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia vốn phụ thuộc "ô an ninh" của Mỹ ở Đông Bắc Á.

Tiếp đó, Washington thông báo đã bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ THAAD, được thiết kế để vô hiệu hóa mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên, ở Hàn Quốc.

Sau một thời gian tương đối im ắng, Triều Tiên bắt đầu các hành động gây chú ý từ tháng trước. Nước này đã ngừng thử vũ khí trong hai tháng cuối cùng của năm 2016, sau khi phóng ít nhất 24 tên lửa và kích nổ hai thiết bị hạt nhân.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tỏ tín hiệu sẽ cởi mở đối thoại với lãnh đạo Triều Tiên. "Có gì sai khi trò chuyện?" - ông từng nói như vậy hồi tháng 6 năm ngoái.

Nhiều chuyên gia về Triều Tiên cũng lên tiếng kêu gọi Mỹ đối thoại với quốc gia châu Á, vì họ thấy chủ trương cấm vận và gây sức ép lên Bình Nhưỡng của chính quyền Obama không có tác dụng.

Thế nhưng, các hành động mới đây của Triều Tiên có thể đã khiến ông Trump "nghĩ lại". Ông nói không để Bình Nhưỡng phát triển năng lực tấn công Mỹ bằng tên lửa, và chỉ trích Trung Quốc không hành động đủ để giải quyết với Triều Tiên.

Thanh Hảo