Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẵn sàng xử lý mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên - bất kể Trung Quốc có tham gia hay không.

Người đứng đầu Nhà Trắng không nêu cụ thể sẽ làm những gì để ngăn chặn Triều Tiên phát triển kho vũ khí hạt nhân. Hãng tin CNN dẫn lời một số chuyên gia nhận định, phát ngôn của ông Trump có thể chỉ là cách gây chú ý trước thềm cuộc gặp cấp cao với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Florida trong tuần này, vào ngày 6 và 7/4.

{keywords}
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: CNN)

Đến nay, chính sách của Mỹ vẫn tập trung vào các nỗ lực đa phương - đối thoại của 6 nước và cấm vận của Liên Hợp Quốc trong khi chờ động thái hợp tác từ chính quyền Bình Nhưỡng - một chính sách được gọi là "kiên nhẫn chiến lược". Tuy nhiên, chính sách này hầu như không có tác dụng, và Triều Tiên vẫn không ngừng theo đuổi tham vọng hạt nhân, đặc biệt rốt ráo trong năm 2016.

Vậy nếu hành động đơn phương về Triều Tiên, nước Mỹ dưới quyền Tổng thống Donald Trump sẽ làm gì? CNN phân tích 3 lựa chọn:

Đối thoại

Ít nhất 3 lần trong hành trình tranh cử, ông Trump đã gợi ý cách tiếp cận đối thoại mới với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.

"Tôi không nghĩ đây là một trong những điều có thể giải quyết ngay lập tức, và nếu có một chính sách ngoại giao thì nó sẽ được thực hiện trong một khoảng thời gian dài, và sẽ phải xử lý một số vấn đề rất phức tạp", CNN trích dẫn bình luận của Lanhee Chan, một thành viên Học viện Hoover.

Bình Nhưỡng tỏ dấu hiệu sẽ đón nhận đàm phán, nhưng ít khả năng sẽ chấp nhận giải trừ hạt nhân như một tiền đề cho đối thoại.

Theo Leon Sigal, Giám đốc Dự án An ninh Hợp tác Đông Bắc Á tại Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội ở New York, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un có thể sẽ đồng ý dừng chương trình hạt nhân và tên lửa nếu Washington chấm dứt được mối lo ngại an ninh của Triều Tiên.

"Cách tốt nhất đối với ông Trump là chấp nhận - nối lại đối thoại với Triều Tiên dù sớm hay muộn, để thăm dò xem nước này có sẵn sàng dừng phát triển vũ khí hay không", ông Sigal nhận định.

Tất nhiên, chiến lược kiểu này có nhiều rủi ro, và những động thái mới đây của chính quyền Kim Jong Un cho thấy sự tiếp cận của Mỹ theo bất kể cách nào cũng đều khó khăn.

Cấm vận

Tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ đã phạt 11 người Triều Tiên cùng một công ty nước này vì liên quan chương trình vũ khí và vi phạm cấm vận của Liên Hợp Quốc.

Theo Anthony Ruggiero thuộc Quỹ Bảo vệ Các nền dân chủ, Mỹ nên theo dõi cả các công ty và ngân hàng của Trung Quốc tình nghi hỗ trợ cho Triều Tiên, để ra tay nếu cần thiết.

Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích khác cho rằng, cấm vận dù tinh vi đến mấy cũng khó mà khiến Triều Tiên khuất phục.

Vũ lực

Trong chuyến công du châu Á tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Mỹ có thể xem xét hành động quân sự chống lại Triều Tiên nếu bị khiêu khích.

"Chắc chắn, chúng tôi không muốn những điều dính vào một cuộc xung đột quân sự... nhưng rõ ràng, nếu Triều Tiên hành động đe dọa các lực lượng của Hàn Quốc hoặc của chúng tôi, thì họ sẽ nhận được phản ứng thích đáng", ông Tillerson khẳng định.

CNN dẫn lời các chuyên gia nhận định, tuy Mỹ sở hữu sức mạnh quân sự vượt trội so với Triều Tiên nhưng bất kể cuộc tấn công nào nhằm vào nước này cũng sẽ đặt Hàn Quốc vào nguy cơ thương vong thảm khốc.

"Mọi thứ đều có thể thực hiện được, nhưng tất cả đều dẫn tới những rủi ro bạn sẽ phải chịu gắn với kết quả mà bạn hy vọng có thể đạt được", CNN dẫn lời Carl Schuster, một giáo sư tại Học viện Thái Bình Dương Hawaii và là cựu giám đốc phụ trách chiến dịch của Trung tâm Tình báo chung thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ.

Thanh Hảo