Từ Trung Quốc đến Ấn Độ và Mexico

Cuộc chiến thuế quan của Mỹ không chỉ dừng lại ở Trung Quốc, mà tới nay đã có thêm nhiều nước được đưa vào danh sách.

Một số hàng hóa của Ấn Độ xuất khẩu sẽ chính thức bị tăng thuế từ ngày 5/6 trong bối cảnh Mỹ muốn gia tăng áp lực với quốc gia châu Á này về mở cửa thị trường.

tong thong trump dang
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Axios

Trước đó, ngày 31/5, Tổng thống Trump nói rằng Ấn Độ sẽ bị loại khỏi chương trình đặc quyền thương mại của Mỹ có tên gọi là Generalized System of Preferences. Theo chương trình kéo dài hàng thập kỷ dành cho một số nền kinh tế đang phát triển này, Mỹ đã cho phép một số hàng xuất khẩu của Ấn Độ tránh bị đánh thuế khi vào Mỹ với lợi ích thúc đẩy thương mại và phát triển chặt chẽ hơn.

Ấn Độ, đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ, là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình GSP. Theo biểu thuế mới, các mặt hàng xuất khẩu của Ấn Độ như hóa chất, linh kiện ô tô và bộ đồ ăn xuất sang Mỹ sẽ phải chịu thêm thuế lên tới 7%.

Năm 2018, những mặt hàng này chiếm hơn 11% tổng kim ngạch xuất khẩu trị giá 54,4 tỷ USD của Ấn Độ, theo cơ quan nghiên cứu cho Quốc hội Mỹ.

Mexico cũng đang "ngồi trên lửa" khi Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế tăng dần đối với toàn bộ hàng hóa Mexico nếu nước này không thể chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp đổ về biên giới Mỹ đang ngày càng gia tăng. Mức thuế 5% sẽ có hiệu lực từ 10/6 và mỗi tháng sẽ tăng thêm 5 điểm % cho tới mức 25% nếu chính quyền Mexico không có hành động kịp thời.

Một nước khác cũng đang “nằm trong tầm ngắm là Australia. Một số cố vấn thương mại hàng đầu của Tổng thống Trump đã kêu gọi dùng đòn thuế quan để đáp trả việc Australia “bán tháo” nhôm vào thị trường Mỹ những năm qua. Tuy nhiên, giới chức của Bộ Ngoại giao và Quốc phòng cảnh báo rằng, động thái đó có thể sẽ gây chia rẽ với một đồng minh hàng đầu và cũng sẽ là cái giá đáng kể đối với Mỹ. Do vậy, chính quyền của Tổng thống Trump đã nhất trí rằng ít nhất là tạm thời sẽ chưa có bất cứ hành động nào đối với Australia.

Ai phải gánh các đòn thuế quan của Trump?

Các đòn thuế quan mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại toàn cầu vốn đã đặt Mỹ ở một chiến tuyến chống lại các đồng minh như Canada, Mexico, châu Âu và Nhật Bản, đồng thời khoét sâu thêm những bất đồng với nhiều nước khác như Trung Quốc.

Hơn 1 năm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump “nổ phát súng” thuế quan đầu tiên dẫn tới cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, các cuộc tranh luận về việc rốt cuộc ai là người phải chịu gánh nặng cho những đòn thuế đó vẫn chưa có kết luận chính xác.

Tổng thống Trump nhiều lần nói rằng, Mỹ sẽ thu được hàng tỷ USD tiền thuế từ Trung Quốc. Ông cũng không ít lần nhắc lại quan điểm này trên trang Twitter cá nhân.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Mỹ bất đồng với tuyên bố của ông Trump, bởi họ chính là bên phải gánh chịu hệ quả của những đòn thuế quan mà Mỹ áp với hàng Trung Quốc.

Một nghiên cứu được công bố mới đây từ các nhà nghiên cứu kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Đại học Harvard, Đại học Chicago và Ngân hàng dự trữ liên bang Boston, dựa trên dữ liệu giá cả thu thập được tại các khu vực biên giới và các nhà bán lẻ của Mỹ, cho thấy, “hầu như toàn bộ phần thuế quan áp thêm” được chuyển tới Mỹ. Mặt khác, rất ít chi phí rơi vào các nhà sản xuất Trung Quốc.

 

Một nghiên cứu khác cho thấy, giá cả tiêu dùng ở Mỹ đã tăng do thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng.

Cụ thể, nghiên cứu về mặt hàng máy giặt, được công bố hồi tháng 4 do các nhà nghiên cứu từ Ngân hàng dự trữ liên bang và Đại học Chicago tiến hành, cho thấy, máy giặt tăng gần 12% đối với cả hàng nhập khẩu và hàng sản xuất nội địa, ngay trong vòng 4 dến 8 tháng sau khi thuế mới được áp. Ngoài ra giá của máy sấy cũng tăng với mức tương tự, mặc dù máy sấy không bị liệt vào danh sách tăng thuế. 

William Reinsch, cố vấn cấp cao và Scholl Chair về kinh doanh quốc tế tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược, giải thích rằng, giá cả 2 mặt hàng đều tăng “vì hầu hết người tiêu dùng mua cùng lúc cả máy giặt và máy sấy và nhà sản xuất nhận ra rằng họ có thể tăng giá của cả 2 để có thêm tiền bỏ túi”.

Về việc vì sao giá máy giặt sản xuất nội địa ở Mỹ cũng tăng dù nó không bị đánh thuế, ông Reinsch nói hiện tượng đó cho thấy: các nhà sản xuất nội địa tăng giá để có thêm tiền bù lại những thiệt hại mà họ phải chịu từ hàng nhập khẩu bị tăng thuế.

Trong khi đó hầu hết các nghiên cứu tại Mỹ đều chỉ ra rằng, các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chịu gánh nặng nhiều hơn, thì một nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng, các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể là bên bị tác động nhiều hơn.

Trong một nghiên cứu công bố tháng 11/2018, hai chuyên gia kinh tế châu Âu Benedikt Zoller-Rydzek và Gabriel Felbermayr cho rằng các công ty Trung Quốc phải chịu khoảng 75% gánh nặng thuế. Theo các phân tích của họ, thì trong 25 điểm % thuế tăng thì người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chịu 4,5% còn các nhà sản xuất Trung Quốc chịu trách nhiệm 20,5% còn lại.

Tuy nhiên giá cả cao hơn mà người tiêu dùng Mỹ phải trả và chi phí tăng mà các công ty Mỹ phải đối mặt cũng sẽ tác động đối với nền kinh tế Mỹ, theo Stefan Legge, một nhà nghiên cứu kinh tế và diễn giả tại Đại học St Gallen ở Thụy Sỹ.

Trump “cược nhiều thắng lớn” hay sẽ thua to?

Theo dự báo kinh tế mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế công bố tháng 4/2019, nền kinh tế Mỹ năm 2019 sẽ tăng trưởng 2,3%, và năm 2020 là 2%. Trong khi đó, tăng trưởng trong năm 2018 là 3,1%.

Tăng trưởng của Trung Quốc năm 2018 là 6,6%. IMF dự báo năm 2019 sẽ kinh tế nước này tăng trưởng 6,3% và năm 2020 là 6,1%.

Các dự báo này đã tính đến cả yếu tố chiến tranh thương mại hiện nay và nó cho thấy, đến năm 2020, tăng trưởng kinh tế Mỹ “tụt điểm” nhiều hơn so với Trung Quốc.

Nhìn chung với cuộc chiến thuế quan, cả Mỹ và Trung Quốc đều chịu những tác động theo những cách khác nhau. Câu hỏi là liệu chính quyền Trump có xem xét những thiệt hại mà các công ty và người tiêu dùng Mỹ phải chịu như một cái giá đáng chấp nhận để theo đuổi những điều mà họ muốn từ Trung Quốc?

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow dù thừa nhận cả Mỹ và Trung Quốc đều sẽ phải gánh chịu tác động của cuộc chiến thương mại, nhưng ông cũng tuyên bố, đó là rủi ro mà Mỹ có thể sẽ phải chấp nhận.

Trên quan điểm thuần kinh tế, “thuế quan gần như không bao giờ là lựa chọn chính sách ưu tiên để đạt được mục đích”, vì có rất nhiều tác động tiêu cực bên lề. Nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung còn vượt xa hơn cả vấn đề kinh tế, vì thế Mỹ có thể coi những tác động tiêu cực như “một sự hy sinh cần thiết” để đem lại chiến thăng về mặt chính trị, ông Legge nói.

Dù vậy, những người ủng hộ chiến dịch lớn nhất của Tổng thống Trump đang công khai thừa nhận mối lo ngại rằng, với cuộc chiến thuế quan, ông Trump đang đánh mất ưu thế tái tranh cử 2020 của mình, đó chính là kinh tế./.

Theo vov.vn