Giáo sư danh dự tại Đại học quốc gia Seoul Kim Seong-kon có bài viết đăng trên báo Straits Times về tình thế tiến thoái lưỡng nan của Hàn Quốc trước những cãi vã đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tác giả cho rằng, chiến lược hiện nay của Seoul là hợp tác với Mỹ về an ninh quốc gia và cộng tác với Trung Quốc vì lợi ích kinh tế sẽ không còn phát huy hiệu quả. 

{keywords}
Cờ Mỹ và cờ Trung Quốc bên ngoài một khách sạn ở Bắc Kinh. (Ảnh: Straits Times)

Giáo sư Kim chỉ ra rằng, Chính phủ Hàn Quốc đang đối mặt với một thực tế khó khăn khi tìm lời giải cho câu hỏi "Bạn chọn phe nào?", bởi nó sẽ dẫn đến những hệ quả quyết định, thậm chí nghiêm trọng. 

Theo ông, một tình cảnh như vậy không phải là lần đầu với Hàn Quốc. Nước này từng kẹt giữa "hai làn đạn" của Trung Quốc và Nhật Bản hồi thế kỷ 19 và cũng không thoát được cuộc khủng hoảng khi đó.

Giờ đây, Hàn Quốc đang chứng kiến nguy cơ một cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc, mà chắc chắn sẽ khiến nền kinh tế của xứ sở kim chi chao đảo do phụ thuộc nặng vào thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thời nay, chiến lược của Hàn Quốc là: Hợp tác với Mỹ vì lợi ích an ninh quốc gia, cộng tác với Trung Quốc vì kinh tế. Tuy nhiên, một tư duy chiến lược như vậy không còn hiệu quả với Hàn Quốc nữa, vì cả Mỹ và Trung Quốc đều không chấp nhận ngoại giao cơ hội.

Do vậy, các chuyên gia cảnh báo Seoul sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, đó là phải tìm ra được một lối thoát ngay cả khi "không có đường ra".

Gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mời Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, và Nga dự hội nghị thượng đỉnh G7 - động thái được nhìn nhận là để tăng cường tình đoàn kết chống lại Trung Quốc, theo ông Kim Seong-kon.

Vị giáo sư cho rằng, nếu chấp nhận lời mời của Mỹ thì Hàn Quốc chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc khó chịu.

Nhìn từ góc độ lợi ích tốt nhất của Hàn Quốc, chiến lược "cả hai/và" hiện nay ưu việt hơn nhiều so với "bên này hoặc bên kia", bởi vì Mỹ và Trung Quốc đều quan trọng. Tuy nhiên, Hàn Quốc sẽ không có cách nào làm hài lòng cả hai cùng lúc.

Theo giáo sư Kim, để đạt kết quả tốt nhất ở thế kẹt này, Chính phủ Hàn Quốc nên lắng nghe các chuyên gia và vì mục đích đó, nên tổ chức một hội đồng khẩn cấp. Hội đồng sẽ gồm các chuyên gia không chỉ về chính trị và ngoại giao quốc tế mà còn cả về Mỹ và Trung Quốc.

Ông cho rằng, các chính trị gia Hàn Quốc phải tiếp cận vấn đề với sự quan tâm và thận trọng tối đa, không vì hệ tư tưởng chính trị tả hay hữu, để có thể xử lý tình huống một cách trơn tru và khéo léo. Họ phải đủ khôn ngoan để tận dụng tối đa mối quan hệ với Mỹ như một lợi thế và đòn bẩy khi giao dịch với Trung Quốc, và ngược lại.

Thanh Hảo