Nếu tin vào các kết quả thăm dò trên, đảng Dân chủ của ông Biden có lẽ sắp ăn mừng và ngược lại, đảng Cộng hòa của ông Trump đang rầu rĩ chờ đón kết cục buồn. Song, thực tế phức tạp hơn vậy.

Trong tuần cuối cùng trước ngày tổng tuyển cử quốc gia 3/11, nhiều thành viên đảng Dân chủ vẫn tỏ ra lo lắng. "Mỗi khi cảm thấy quá vui, tôi lại tự bẹo má mình và hơ tay qua lửa", một nhà lập pháp Dân chủ thú nhận với tờ Politico. Nghị sĩ này và nhiều chính khách cùng đảng tỏ ra thận trọng về nguy cơ xảy ra đảo chiều kết quả như trong cuộc đua vào Nhà Trắng cách đây 4 năm.

{keywords}
Ông Biden (trái) và ông Trump đang cạnh tranh quyết liệt trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Ảnh: NyPost

Vào những ngày cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, ứng viên Dân chủ khi đó Hillary Clinton từng được xem là có lợi thế hơn về tỉ lệ tín nhiệm của cử tri. Bà dẫn trước ông Trump tới 3 điểm trong các cuộc thăm dò dư luận toàn quốc trước bỏ phiếu và được dự báo sẽ về nhất tại các bang chiến địa trọng yếu như Wisconsin, Michigan và Pennsylvania.

Song, ông Trump đã lội ngược dòng ngoạn mục, giành chiến thắng ở tất cả các bang kể trên và cuối cùng thắng chung cuộc nhờ có trong tay nhiều phiếu đại cử tri hơn, dù kém bà Clinton về phiếu phổ thông. Kết quả khiến đa phần các nhà phân tích chính trị lúc bấy giờ sốc nặng.

Nhận diện sai sót

Dư âm của những gì đã diễn ra khiến công chúng hoài nghi về mức độ đáng tin cậy của các cuộc thăm dò dư luận năm nay. Bản thân Tổng thống Trump đã nhiều lần cáo buộc kết quả các cuộc khảo sát trước bỏ phiếu là "tin giả", phục vụ âm mưu lôi kéo những cử tri độc lập hoặc vẫn còn lưỡng lự chưa biết bỏ phiếu bầu cho ứng viên nào. Ông Trump cũng tự tin mình rốt cuộc sẽ thắng và giành thêm một nhiệm kỳ lãnh đạo 4 năm nữa.

Theo báo Guardian, sau khi cuộc bầu cử tổng thống 2016 ngã ngũ, các nhà phân tích đã mổ xẻ những sai sót dẫn đến sự thiếu chính xác của các cuộc thăm dò dư luận năm đó. Họ chỉ ra rằng, các nhà khảo sát đã không tính đến yếu tố học vấn của đối tượng thăm dò và không đoán định được lượng lớn cử tri do dự rốt cuộc lại bỏ phiếu ủng hộ ông Trump.

Ngoài ra, có rất ít các cuộc khảo sát được tiến hành tại những bang chiến địa then chốt để biết những gì thực sự đang diễn ra. Các kết luận ngoại suy từ lượng dữ liệu thăm dò ít ỏi được phát đi với độ chắc chắn quá cao, trong khi một số người ủng hộ ứng viên Cộng hòa có thể đã tránh hé lộ việc họ đứng về phe của ông.

Thêm vào đó, số cử tri đi bỏ phiếu trên toàn quốc, đặc biệt tại các vùng nông thôn thực tế cao hơn nhiều so với tiên lượng của các nhà khảo sát.

Điều chỉnh mô hình thăm dò

Bất chấp các lo ngại, một số nhà quan sát cho rằng các cuộc thăm dò năm nay đáng tin cậy hơn vì nhiều lí do. Thứ nhất, các hãng khảo sát đã điều chỉnh mô hình lấy mẫu phân tích của họ, bổ sung yếu tố học vấn và tạo lập bộ tiêu chuẩn lấy mẫu phản ánh đầy đủ hơn các nhóm cử tri khác nhau.

Thứ hai, những người thực hiện khảo sát đã rút ra các bài học và tìm cách lấp đầy thiếu sót. Báo Guardian nêu ví dụ, chương trình khảo sát nổi tiếng và uy tín của Đại học Franklin & Marshall ở bang Pennsylvania phát hiện qua thăm dò tại điểm bỏ phiếu năm 2016 rằng, trong 10 ngày cuối cùng trước tổng tuyển cử, khoảng 20% cử tri "chốt" lựa chọn hoặc đổi ý và bầu cho ông Trump thay vì bà Clinton. Do vậy, năm nay, nhóm thực hiện chương trình tuyên bố sẽ kéo dài thời gian khảo sát trước và sau bỏ phiếu để không bỏ lọt những điểm quan trọng.

Thứ ba, số cử tri còn do dự năm nay dường như ít hơn so với năm 2016. Theo CNN, hầu hết các cử tri Cộng hòa và Dân chủ đã có quyết định, trong khi nhiều cử tri độc lập cũng "chốt" được ứng viên yêu thích. Điều này được cho là vì ông Trump không còn là gương mặt mới như cách đây 4 năm. Người dân Mỹ đã hiểu rõ phần nào tính cách cũng như phong cách lãnh đạo của ông sau nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên.

Theo cây bút bình luận Philip Bump của tờ Washington Post, ông Biden đang dẫn trước ông Trump về tỉ lệ tín nhiệm của cử tri cách biệt hơn nhiều so với những gì bà Clinton từng làm được năm 2016. Điều này cũng đồng nghĩa, ông Trump khó có khả năng tạo ra sự thay đổi chấn động như mùa bầu cử trước.

Tuy nhiên, cơ hội tái lặp "điều kỳ diệu" như cách đây 4 năm của ông Trump chưa hẳn đã hết. Nhà phân tích chính trị Barry Burden phát biểu trên tờ Chicago Tribune rằng, các cuộc thăm dò có thể dự báo sai nếu số cử tri thuộc những nhóm ủng hộ đương kim tổng thống đi bỏ phiếu tăng mạnh, vượt quá kỳ vọng. Đó là chưa kể số cử tri đi bầu cử sớm (khoảng 101 triệu người theo ước tính mới công bố ngày 3/11 của tổ chức Elections Project) cao kỷ lục cũng như lượng lớn cử tri chọn hình thức bỏ phiếu bầu qua thư có thể khiến việc kiểm phiếu kéo dài và trì hoãn thời điểm công bố kết quả so với thông lệ.

Các chuyên gia khảo sát nhiều lần nhấn mạnh, không có mô hình thăm dò nào hoàn hảo. Chuyện sai số luôn tồn tại do các mô hình thăm dò chỉ xác định được những gì nhiều khả năng xảy ra, không phải những gì chắc chắn sẽ đến. Song, họ đang nỗ lực cải thiện để đưa ra kết quả thăm dò trước và sau bỏ phiếu chính xác nhất có thể.

Xem thêm: Bầu cử tổng thống Mỹ 2020

Tuấn Anh

Giằng co quyết liệt, cử tri đang trông đợi kết quả ở Florida

Giằng co quyết liệt, cử tri đang trông đợi kết quả ở Florida

Mời bạn đọc cùng theo dõi kết quả cập nhật từng phút về cuộc cạnh tranh ngôi vị Tổng thống Mỹ giữa ông Donald Trump và ông Joe Biden.

Tổng thống Donald Trump với khát vọng ‘đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại’

Tổng thống Donald Trump với khát vọng ‘đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại’

Việc tỷ phú, trùm bất động sản và cựu ngôi sao truyền hình thực tế Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ từng gây chấn động dư luận cách đây 4 năm.