Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đến nay vẫn chưa có dấu hiệu sẽ sớm kết thúc. Giới chuyên gia kinh tế đang tập trung phân tích những hệ lụy của nó và dự đoán thiệt hại mà nền kinh tế thế giới phải hứng chịu.

{keywords}
ẢnH: Internet of Business

Mới đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo một sự leo thang thương chiến Mỹ - Trung sẽ tước đi của nền kinh tế toàn cầu 0,7% tỷ lệ tăng trưởng vào năm 2021, tương đương 600 tỷ USD.

OECD cũng thấy trước khả năng có các rào cản thương mại mới giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cùng những bất trắc liên quan đến việc Anh rời khỏi EU (Brexit).

Còn trong một bản phân tích, Morgan Stanley kết luận rằng khả năng giải quyết tranh chấp thương mại rất nhỏ hẹp. Nếu không có giải pháp vào tháng tới thì cuộc thương chiến giữa hai cường quốc thế giới hiện nay sẽ ăn mòn sức tăng trưởng toàn cầu.

"Nếu đàm phán sa lầy, không có thỏa thuận nào ra đời và Mỹ áp thuế 25% lên tổng 300 tỷ USD các mặt hàng nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc, chúng ta sẽ thấy kinh tế toàn cầu lao vào suy thoái", Morgan Stanley viết trong bản phân tích. Với viễn cảnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ phải cắt giảm lãi suất, cuối cùng về mức 0, còn Trung Quốc sẽ cần kích thích cực mạnh.

Tại Ngân hàng Mỹ, các phân tích chỉ ra rằng chiến tranh thương mại đã làm hại niềm tin trên Phố Main (Main street ám chỉ tầng lớp trung lưu – những người phải chịu nhiều thiệt hại từ khủng hoảng tài chính và hưởng rất ít lợi ích từ kế hoạch giải cứu nền kinh tế.), nhấn mạnh một cuộc chiến thương mại kéo dài "có thể tác động thực sự đến chi tiêu của người tiêu dùng".

Các nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ đã sẵn sàng cho những tác động như vậy. Kohl's (KSS), Home Depot (HD) và Walmart (WMT) đều lên tiếng rằng các mức thuế sẽ làm giá một số mặt hàng tăng cao. Hiệp hội các nhà phân phối và bán lẻ giầy dép Mỹ (Footwear Distributors and Retailers of America) khẳng định một sự leo thang thuế quan đánh vào giày dép sẽ rất "thảm họa".

Theo một hiệp hội thương mại công nghiệp khác, khoảng 72% lượng giày dép bán ở Mỹ năm 2017 được sản xuất từ Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là người tiêu dùng phải mua với giá cao hơn, hoặc các công ty chịu lợi nhuận ít đi. Và như vậy đồng nghĩa công việc sẽ giảm bớt.

Nhưng trong một năm diễn ra chiến tranh thương mại, có một nhận thức ngày càng cao rằng chế độ thuế của ông Trump có thể sẽ lâu dài. Trong năm qua, Nhà Trắng đã áp thuế lên nhôm và thép nhập khẩu, lên 50 tỷ USD hàng công nghệ cao từ Trung Quốc, và thêm 200 tỷ USD hàng hóa và linh kiện sản xuất từ Trung Quốc. Giờ đây, chính quyền Trump lại bắt đầu tiến trình áp thuế nhập khẩu lên mọi loại mặt hàng Mỹ mua từ cường quốc châu Á.

Donald Trump bác bỏ tất cả những lo lắng kể trên, khuyến khích các công ty Mỹ sản xuất ở trong nước nếu họ muốn tránh thuế. Các cố vấn kinh tế của ông thì khẳng định kinh tế Mỹ đủ mạnh để trụ vững trước bất kỳ cú giáng nào.

Thanh Hảo