Trước đó, vào tháng 6/2018, hai ông đã gặp nhau lần đầu ở Singapore nhưng không đạt được nhiều đột phá.

{keywords}
Sẽ có đột phá tại thượng đỉnh Trump – Kim lần 2?

Vậy điều gì có thể xảy ra ở hội nghị lần 2?

Chủ tịch Kim có thể sẵn sàng phá hủy tổ hợp hạt nhân chính của Triều Tiên. Còn Tổng thống Trump nhiều khả năng sẽ chấp nhận một số nhượng bộ, có lẽ là dỡ bỏ một phần cấm vận. Tuy nhiên, vấn đề là liệu những gì được đưa ra có đủ để thuyết phục phía bên kia hay không.

Kênh CTV News nêu những gì mà Triều Tiên và Mỹ đang mong đợi khi lãnh đạo hai nước cùng cố gắng giải quyết một vấn đề vốn đã khiến nhiều thế hệ nhà lập pháp phải đau đầu.

Phá hủy tổ hợp hạt nhân

Tổ hợp hạt nhân Yongbyon nằm cách Bình Nhưỡng khoảng 100km về phía bắc. Nơi đây có các cơ sở sản xuất cả plutonium và uranium, hai thành phần chính của vũ khí hạt nhân. Truyền thông Triều Tiên mô tả tổ hợp này là "trái tim chương trình hạt nhân" của nước này.

Sau cuộc gặp hồi tháng 9/2018 với Chủ tịch Kim Jong Un, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tuyên bố với các phóng viên rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên cam kết sẽ giải giáp Yongbyon nếu Mỹ có những bước đi tương ứng. Đặc phái viên Mỹ Stephen Biegun mới đây nói rằng, khi gặp Ngoại trưởng Mike Pompeo tháng 10 năm ngoái, Chủ tịch Kim nhất trí giải giáp các cơ sở làm giàu plutonium và uranium.

Kể từ khi các nỗ lực ngoại giao mới bắt đầu năm 2018, Triều Tiên đã dừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, đồng thời tháo dỡ cơ sở thử nghiệm hạt nhân và một phần bãi phóng tên lửa tầm xa. Nhưng phá bỏ Yongbyon sẽ là bước giải giáp lớn nhất của Chủ tịch Kim Jong Un, cho thấy ông quyết tâm tiến tới trong đàm phán với Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, hiện đang có lo ngại rằng việc phá bỏ tổ hợp này sẽ không thể làm tiêu tan hoàn toàn những nghi ngờ xung quanh cam kết phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.

Triều Tiên được cho là sở hữu một kho ước tính có khoảng 70 vũ khí hạt nhân và hơn 1.000 tên lửa đạn đạo, đồng thời được tin là đang vận hành nhiều cơ sở làm giàu uranium bí mật.

"Chúng tôi có thể gọi (sự phá hủy Yongbyon) là một nửa thỏa thuận hoặc một thỏa thuận nhỏ", Nam Sung-wook, giáo sư tại Đại học Korea và là cựu Giám đốc Viện Chiến lược An ninh quốc gia (Hàn Quốc) bình luận. "Đó là một bước giải trừ chưa hoàn tất", kiểu các chiến thuật cũ là giải giáp từ từ để giành được nhượng bộ.

"Giải thưởng" của Mỹ

Để Triều Tiên cam kết phá hủy tổ hợp Yongbyon, một số chuyên gia cho rằng Tổng thống Trump cần đưa ra một số nhượng bộ quan trọng. Trong số đó có thể là tuyên bố chung chấm dứt cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953, mở văn phòng liên lạc ở Bình Nhưỡng, cho phép Triều Tiên khởi động lại một số dự án kinh tế với Hàn Quốc, và có thể cả nới lỏng cấm vận.

Theo giới phân tích, điều Chủ tịch Kim mong muốn nhất hiện nay là thoát khỏi cấm vận để hồi sinh nền kinh tế đất nước.

"Với Triều Tiên, từ bỏ tổ hợp Yongbyon là một tấm thẻ (thương lượng) tương đối lớn... Vì vậy, Triều Tiên có thể sẽ cố giành được một số lợi ích kinh tế", CTV News dẫn lời Chon Hyun Joon, Chủ tịch Viện Nghiên cứu hợp tác Hòa Bình Đông Bắc Á ở Hàn Quốc, nhận định.

Tại hội nghị ở Singapore tháng 6 năm ngoái, ông Trump và ông Kim đã nhất trí thiết lập các mối quan hệ mới giữa hai nước và xây dựng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên nhưng không nêu cụ thể cách thức theo đuổi các mục tiêu đó.

Sau đó, chính quyền Kim Jong Un than phiền Mỹ không hành động đủ trong khi Bình Nhưỡng đã thực hiện các bước giải giáp và trao trả các tù nhân Mỹ cùng hài cốt lính Mỹ chết trong chiến tranh. Về phần mình, Washington đã hoãn một số cuộc tập trận chung với Hàn Quốc để nhượng bộ vì Bình Nhưỡng lâu nay vẫn gọi đó là sự tập dượt xâm lược.

Một bước đột phá?

Để hội nghị cuối tháng này trở thành một sự kiện lịch sử, nhiều khả năng Tổng thống Trump sẽ cần nhiều hơn Yongbyon. Một thỏa thuận lớn hơn sẽ bao gồm bản kê chi tiết các tài sản hạt nhân của Triều Tiên, và có thể cả việc chuyển một số bom hạt nhân hoặc tên lửa tầm xa ra khỏi quốc gia này để vô hiệu hóa chúng.

Để làm điều đó sẽ rất tốn kém. Triều Tiên có thể sẽ yêu cầu dỡ bỏ cấm vận và nối lại xuất khẩu than cùng các tài nguyên khoáng sản khác.

Theo các đánh giá khác nhau, chỉ riêng tổ hợp Yongbyon cũng đã có khoảng 50kg plutonium cấp độ vũ khí, đủ sản xuất 6-10 quả bom, và khoảng 250-500kg uranium làm giàu cao đủ chế tạo 25 đến 20 thiết bị hạt nhân. Đó là chưa kể các cơ sở làm giàu uranium bí mật.

Do những khó khăn liên quan, Tổng thống Trump có thể muốn tập trung vào các tên lửa tầm xa của Triều Tiên, loại vũ khí mà khi hoàn thiện chúng có thể là mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ.

Thanh Hảo