Trước viễn cảnh đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang đi vào bế tắc, chắc chắn chính quyền Tổng thống Trump sẽ đang cân nhắc tới những bước tiếp theo để kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc. Và có lẽ, ông Trump nên thử tới một cách mà ông chưa từng sử dụng: kêu gọi châu Âu.

Nếu như 5 năm trước đây, điều này sẽ dấy lên nhiều hoài nghi. Mối quan hệ truyền thống giữa châu Âu-Trung Quốc luôn là một mối hợp tác kinh tế thân thiết, đặc biệt với các nước xuất khẩu nhiều như Đức. Quan hệ châu Âu-Trung Quốc đã mở rộng tới mức mà nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) tin rằng, việc họ cộng tác lâu dài với Bắc Kinh sẽ giúp họ giảm những thách thức về an ninh và chính trị.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, Đức và một số nước châu Âu khác, đã có một “cuộc thức tỉnh chiến lược”. Các nhà lập pháp Đức, cùng một số lãnh đạo trong ngành công nghiệp đã lên tiếng nhiều hơn về những hoạt động thương mại nguy hiểm của Bắc Kinh, đặc biệt trong vấn đề cưỡng ép chuyển giao công nghệ. Họ bắt đầu gọi Trung Quốc là “một đối thủ cạnh tranh có hệ thống”. Một số các nước thuộc EU cũng có quan điểm như vậy.

{keywords}
Gần đây EU coi Trung Quốc là “một đối thủ cạnh tranh có hệ thống”. Ảnh: ec.europa.eu

Điều này sẽ đặt các nước châu Âu, vốn là những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở vị trí phù hợp để cùng với chính quyền Washington đấu với Bắc Kinh về mặt thương mại. Nhưng hiện nay, Mỹ và châu Âu lại bị cuốn vào vòng xoáy của những vấn đề như về chi tiêu quân sự, sự mất cân bằng cán cân thương mại xuyên Đại Tây Dương và những bất đồng về thỏa thuận hạt nhân của Iran. Đó chính là điều mà Trung Quốc muốn thấy ở hai bờ Đại Tây Dương: Sự xao nhãng và chia rẽ.

Đối với Trung Quốc, châu Âu dường như đang ở vị thế của những quan sát viên. Các quan chức trong chính quyền Trump ít khi thông báo với các nước đồng minh về chính sách của Mỹ với Trung Quốc hay đề xuất bất cứ điều gì đại loại như một chiến lược đồng minh xuyên Đại Tây Dương.

Khi chính quyền Washington tiếp cận châu Âu để thảo luận về Trung Quốc, các cuộc đối thoại hầu như đều tập trung về việc thắt chặt việc kiểm soát đầu tư và ngăn cản tập đoàn viễn thông Huawei xây dựng các mạng lưới 5G. Tuy nhiên, khi ông Trump tiếp cận bằng cách đe dọa chấm dứt việc chia sẻ tình báo với bất kì đồng minh EU nào hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông với Huawei là một sự sai lầm về chiến lược.

{keywords}
Mỹ dọa chấm dứt việc chia sẻ tình báo khi EU hợp tác với Huawei là sai lầm chiến lược. Ảnh: Reuters

Các nước EU đã quá chán khi phải nghe theo lệnh từ nước Mỹ, và đây chính là điều khiến những nước này muốn làm ngơ trước những yêu cầu của Washington trong các vấn đề như Huawei. Do vậy, Tổng thống Trump cần bắt đầu lại mọi thứ. Mỹ và EU cần ngồi vào bàn đàm phán như những đối tác đích thực và đối thoại nhiều hơn về tham vọng chính trị, kinh tế và công nghệ kĩ thuật của Trung Quốc.

Ít nhất, hai bên phải chia sẻ những nghiên cứu tìm hiểu về sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong mọi lĩnh vực, từ sự đầu tư trí tuệ nhân tạo cho tới công nghệ. Ngoài ra, Mỹ và Châu Âu cần chú ý tới quan hệ thương mại của họ, đồng thời tạo ra những dự án được coi đối trọng với sáng kiến Vành đai Con đường của Bắc Kinh.

Biện pháp tốt nhất để Mỹ và châu Âu có thể cạnh tranh với Trung Quốc là giải quyết những bất đồng trong thương mại song phương. Hai bên càng đe dọa và đáp trả nhau bằng thuế quan, thì càng giúp cho Trung Quốc có thêm nhiều khoảng trống để phát triển. Khi, và chỉ khi Mỹ và châu Âu chú trọng vào việc tăng cường quan hệ thương mại, hai bên có thể kêu gọi cả Nhật Bản và các đôi tác khác để có thể củng cố sức mạnh và tầm ảnh hưởng về kinh tế của phương Tây.

{keywords}
Theo New York Times, Mỹ và EU cần dẹp bỏ bất đồng và tăng cường hợp tác. Ảnh: thinktankpost

Hợp tác sâu rộng hơn có thể sẽ là mục tiêu mới đối với chiến lược xuyên Đại Tây Dương. Hồi tháng 3, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời Thủ tướng Đức Merkel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu cùng tham gia. Thông điệp của ông Macron rất rõ ràng: thay vì đối đầu với từng thành viên đơn lẻ trong EU, Trung Quốc sẽ phải đối phó với một châu Âu đoàn kết.

Tổng thống Trump đã đúng khi cho rằng, Mỹ đang ở thời kì phù hợp nhất để cạnh tranh về sức mạnh với Trung Quốc. Nhưng điều sai lầm rõ ràng nhất là ông đã khước từ “cộng đồng quốc tế”, tập thể những nước có thể giúp đỡ Mỹ trong cuộc đối đầu này. Nếu Tổng thống Trump thực sự nghiêm túc trong việc đối đầu với Trung Quốc, ông cần phải làm nhiều hơn nữa để thu hút càng nhiều đồng minh về phía mình càng tốt.

Theo nhận định của New York Times, Mỹ hợp tác với châu Âu không phải chuyện dễ. Hai bên chưa bao giờ có điểm chung hoàn hảo về chính sách với Trung Quốc, nhất là trong những lĩnh vực an ninh. Châu Âu không có những lực lượng như Mỹ đã triển khai ở Châu Á và càng không có cam kết an ninh với Mỹ.

Kể cả trong nội bộ EU, nhiều nước cũng có cách tiếp cận khác nhau với Trung Quốc. Điều tốt nhất mà châu Âu và Mỹ nên làm lúc này là cần tìm ra những điểm chung mà họ có thể cùng nhau hợp tác. Tuy nhiên, hiện cả Mỹ và EU đều không có những quan điểm chung dù ở mức khiêm tốn nhất, và Trung Quốc muốn tất cả mọi thứ giữ nguyên như vậy.

Tuấn Trần