Hiến pháp Mỹ quy định cần 2/3 số thượng nghị sĩ bỏ phiếu phế truất Tổng thống và điều này sẽ được định đoạt trong một phiên xử mà Chánh án John G. Roberts Jr. làm chủ tọa.

{keywords}
Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: NY Times)

Phiên tòa phế truất gần đây nhất tại Thượng viện Mỹ diễn ra 20 năm trước, sau khi Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát cáo buộc Tổng thống Bill Clinton các tội danh khai man và cản trở công lý.  Ngày nay, nếu ông Trump rơi vào cảnh ngộ tương tự, rất ít khả năng ông sẽ bị Thượng viện kết tội, theo nhận định của hai cây viết Anthony Bertelli và Christian Grose trên báo Washington Post.

Hai tác giả chỉ ra rằng quy định tại Hạ viện yêu cầu đa số ủng hộ thì mới được đưa các điều khoản luận tội Tổng thống lên Thượng viện. Hiện những người Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện, và mới đây họ bỏ phiếu với tỷ lệ 232/196 tán thành điều tra luận tội ông Trump. Con số đó cho thấy Hạ viện có thể sẽ nhất trí luận tội ông.

Nhưng ở Thượng viện, đó là một câu chuyện khác. Các nhà soạn thảo Hiến pháp Mỹ yêu cầu phải có 2/3 số thượng nghị sĩ – một mức rất cao – tán đồng cho những quyết định quan trọng, chẳng hạn như bỏ qua quyền phủ quyết của Tổng thống, chấp nhận một sửa đổi Hiến pháp – và phế truất một tổng thống. 

Năm 1999, đúng một nửa Thượng viện nhất trí ông Clinton đã phạm tội cản trở công lý, trong khi nửa còn lại bỏ phiếu tha bổng. Ở cuộc bỏ phiếu lần 2, 55 thượng nghị sĩ công nhận ông phạm tội khai man. Chẳng cuộc bỏ phiếu nào cho đa số 2/3 chống lại Clinton. 

Anthony Bertelli và Christian Grose chỉ ra rằng các nhà lập pháp Mỹ thường bị thúc đẩy bởi ý thức hệ - chứ không phải những tranh cãi pháp lý – khi bỏ phiếu vụ Clinton. Đến nay, các cam kết ý thức hệ của các thượng nghị sĩ vẫn là yếu tố định hình lá phiếu của họ.

Hầu hết các thượng nghị sĩ Dân chủ sẽ bỏ phiếu phế truất Tổng thống Trump, nên số phận của ông sẽ tùy thuộc vào các thượng nghị sĩ Cộng hòa. Do vậy, phe Dân chủ trước tiên phải thuyết phục những người Cộng hòa ôn hòa như Susan Collins bang Maine, Lisa Murkowski bang Alaska chống lại ông Trump. Nhưng như thế vẫn chưa giúp họ tiến tới gần hơn đa số bắt buộc để phế truất Tổng thống. Nếu tất cả các thượng nghị sĩ Dân chủ và chỉ 2 thành viên Cộng hòa ôn hòa này ủng hộ kết tội Tổng thống thì số phiếu đạt được mới là 49.

Để có được 67 phiếu, phía Dân chủ còn cần phải thuyết phục cả các thành viên bảo thủ của đảng Cộng hòa. Danh sách này phải có mặt Richard Burr (Bắc Carolina), Lindsey O. Graham (Nam Carolina), Johnny Isakson (Georgia), Jerry Moran (Kansas), Pat Roberts (Kansas), Rick Scott (Florida) và John Thune (Nam Dakota). Nhóm thượng nghị sĩ Cộng hòa này cùng với 13 nhân vật ôn hòa khác trong cùng đảng mà bỏ phiếu "phạm tội" thì ông Trump mới phải ra khỏi Nhà Trắng.

Các thành viên Cộng hòa chủ chốt vốn là kiểu người bảo thủ kiên quyết, nên nếu họ không muốn hạ bệ Tổng thống thì điều này sẽ không thể xảy ra.

Đến nay, không ai trong số đó tỏ ra muốn chống lại ông Trump. John Thune là một người ủng hộ ông Trump mạnh mẽ, trong khi Richard Burr từng được ông Trump ca ngợi là đã chấm dứt cuộc điều tra về Nga. Hơn nữa, ông Burr lại sắp về hưu, cả Pat Roberts cũng vậy, nên họ sẽ không cần giải thích về lá phiếu của mình với cử tri.

Nếu Thượng viện mở một phiên tòa, các thượng nghị sĩ sẽ phải đưa ra rất nhiều tuyên bố pháp lý để biện hộ cho lá phiếu của họ. Tuy vậy, những lời giải thích như thế không quan trọng bằng ý thức hệ của họ. Ông Trump sẽ chỉ bị phế truất nếu các thượng nghị sĩ bảo thủ này bỏ phiếu chống lại ông.

Nguy cơ đương kim Tổng thống Mỹ bị luận tội rất cao, và rủi ro ông bị Thượng viện kết tội không phải là không có. Tuy nhiên, nếu hệ tư tưởng quyết định kết quả như đã từng xảy ra với Bill Clinton thì viễn cảnh ông Trump bị đẩy ra khỏi Nhà Trắng là quá xa vời. 

Thanh Hảo