Ý nghĩa của chuyến công du có tầm quan trọng đặc biệt với cả nhà lãnh đạo nước Mỹ và Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Donald Trump được chào đón hoành tráng ở Ấn Độ.

Tổng thống Trump muốn cho mọi người ở Mỹ thấy ông được yêu mến ở ngoại quốc và có thể đàm phán những thỏa thuận tốt ở bên ngoài đất nước mà ông bị gán cho biệt danh "Vua thuế".

Trong khi đó, Thủ tướng Modi đang khát khao có được những tin tức tốt lành sau khi trở thành tâm điểm vì quyết định gây tranh cãi hủy bỏ quy chế tự trị của Kashmir và các cuộc biểu tình phản đối luật công dân mới.

Nói chung, cả hai nhà lãnh đạo đều đạt được mong muốn dù không đồng thuận nhiều về thỏa thuận thương mại.

BBC nêu ra một số điểm nhấn trong hành trình 3 ngày của ông Trump đến Ấn Độ:

Hình ảnh tốt đẹp

Ngày đầu của chuyến công du đều là về những thể hiện hình ảnh tốt đẹp - hàng chục nghìn người xếp hàng hai bên đường chào đón Tổng thống Trump khi ông trên đường từ sân bay Ahmedabad tới sân cricket Motera ở Gujarat, bang nhà của Thủ tướng Modi. Tại sân vận động, ông phát biểu trước hơn 100.000 người. Ông gọi tên Bollywood, cricket và các vị thánh - những chủ đề tốt đẹp được người Ấn Độ quan tâm.

Đó là một bài phát biểu hay - không chỉ với những người ở sân vận động mà cả cho chiến dịch tranh cử của ông ở quê nhà. Các video từ sự kiện "Namaste (Xin chào) ông Trump" đã được chiến dịch của ông dùng ngay sau đó.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng dùng những lời có cánh cho Thủ tướng Modi. Tanvi Madan, thành viên cấp cao tại Viện Brookings, cho rằng chuyến công du sẽ giúp cho ông Modi chống lại những tin tức tiêu cực thời gian qua. "Ông Trump miêu tả ông ấy là một người bình tĩnh, một nhà lãnh đạo vĩ đại và là người luôn làm việc vì dân. Ông Modi sẽ vui mừng nhận những lời khen ngợi này", bà Madan nói.

Những ngôn từ đó thực sự quan trọng, đặc biệt giữa thời điểm ông Modi đang chịu sức ép lớn sau khi những cuộc biểu tình bạo lực về đạo luật quyền công dân.

Thỏa thuận không đạt được

Một thỏa thuận thương mại luôn khó đạt được vì hai nước vừa lao vào một cuộc chiến thuế quan gay gắt hồi năm ngoái. Ông Trump muốn ký một thỏa thuận giúp xóa bỏ thâm hụt thương mại 25,2 tỷ USD của Mỹ với Ấn Độ.

Nhưng Tanvi Madan cho rằng mọi thứ không hẳn xấu hết. "Chuyến thăm ít nhất cũng đưa Ấn Độ xuống phía dưới danh sách tấn công thương mại của chính quyền Trump khi đàm phán tiếp tục về thỏa thuận thương mại", bà nói. Bà tin rằng, đây là một chuyến công du thành công, bởi ông Trump nổi tiếng là người khó đoán nhưng "vẫn giữ nguyên nghị trình lần này".

Trong bối cảnh hai nước có nhiều sóng gió thời gian gần đây, không thể có sự kiện nào tốt hơn chuyến công du của một vị tổng thống Mỹ để tạo động lực cho mối quan hệ.

Những thỏa thuận đạt được

Tổng thống Trump thích các thỏa thuận và ông cũng có trong tay một số thành tích để khoe khi về Mỹ.

Ấn Độ sẽ mua các trực thăng tấn công cùng nhiều trang thiết bị quân sự Mỹ trị giá 3 tỷ USD. Và một thỏa thuận khác với tập đoàn Exxon Mobil sẽ chứng kiến Ấn Độ nhập khẩu thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ. Cả hai đều là quà tặng mà Ấn Độ dễ thực hiện.

"Ấn Độ cần an ninh năng lượng để đáp ứng tăng trưởng và đang tìm cách đa dạng hóa danh sách nhập khẩu xăng dầu, vì vậy điều này là phù hợp", ông Pratyush Rao thuộc hãng tư vấn Kiểm soát rủi ro, bình luận.

Ấn Độ hiện vẫn nhập khẩu phần lớn trang thiết bị quốc phòng và Nga đang cung cấp tới 50%.

Nhắm vào Trung Quốc

Ông Trump ngầm chỉ trích Trung Quốc dù nhiều lần không nêu tên nước này. Ông nhắc lại những nghi ngờ của Washington về an ninh của công nghệ 5G của Huawei mà không đề cập cụ thể.

"Trong chuyến thăm, chúng tôi đã thảo luận về tầm quan trọng của mạng lưới không dây 5G và sự cần thiết để công nghệ này như một công cụ cho tự do, tiến bộ, thịnh vượng, chứ không phải để làm điều gì mà nó có thể bị coi là để kiểm duyệt", nhà lãnh đạo Mỹ nói.

Michael Kugelman, Phó Giám đốc Trung tâm The Wilson, chỉ ra rằng tuyên bố của ông Trump không gây ngạc nhiên. "Trung Quốc thực sự hiện ra to lớn trong mối quan hệ này. Bạn có thể nói về những giá trị chung, quan hệ Trump - Modi, nhưng chính những lợi ích hội tụ mới đưa hai nước lại gần nhau. Cả hai đều coi Trung Quốc là lo ngại", ông nói.

Và một lần nữa, ông Trump gọi vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương thay vì châu Á - Thái Bình Dương như kiểu mà Bắc Kinh ưa thích.

Tương lai phía trước

Tính khó dự đoán của chính quyền Trump được đánh giá là rủi ro lớn nhất trong mối quan hệ Mỹ - Ấn. Bên cạnh đó còn nhiều rào cản khác nữa.

"Sự chậm lại của nền kinh tế ở Ấn Độ, sự gia tăng bất ổn xã hội và suy giảm dự đoán trên toàn cầu do virus corona chủng mới (Covid-19) có thể phủ bóng đen lên mối quan hệ song phương", bà Madan nhận định.

Ông Modi đã làm được điều mà nhiều nước đang mong muốn, đó là giữ được ông Trump bên cạnh cho các lý do an ninh và chiến lược - màn chào đón hoành tráng dành cho nhà lãnh đạo Mỹ cho thấy Thủ tướng Ấn Độ coi trọng mối quan hệ đó như thế nào.

Nhưng tương lai quan hệ còn phụ thuộc vào cuộc bầu cử tổng thống tới đây ở Mỹ.

Thanh Hảo