Tổng thống Joe Biden đang bắt tay vào một sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách đối với Trung Quốc, dốc sức tập hợp các đồng minh để đối phó với chính sách ngoại giao của Bắc Kinh trên toàn thế giới, đảm bảo Trung Quốc không giành được lợi thế lâu dài về các công nghệ quan trọng. 

Tờ New York Times chỉ ra rằng, thoạt đầu có vẻ như ông Biden chủ yếu đi theo con đường của người tiền nhiệm Donald Trump rằng hai cường quốc lớn nhất thế giới đang xoay hướng một cách nguy hiểm tới đối đầu, khác hẳn so với những năm thời Barack Obama. Nhưng chiến lược mới đang lộ diện thực sự phủ nhận trực tiếp quan điểm phổ biến suốt 1/4 thế kỷ qua rằng, sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau có thể được dùng để xoa dịu những xung đột cơ bản về các vấn đề như xây dựng quân đội và tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.  

{keywords}
Tổng thống Mỹ Joe Biden bước vào Phòng Bầu dục tại Nhà Trắng ở Washington ngày 9/3/2021. Ảnh: New York Times 

Chiến lược đó tập trung vào việc cạnh tranh mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh về các công nghệ quan trọng với sức mạnh kinh tế và quân sự lâu dài, sau khi kết luận chính sách của ông Trump không thể khiến Trung Quốc thay đổi.

Kết quả dẫn tới một cách tiếp cận "tập trung ít hơn vào cản bước Trung Quốc và cố gắng tự mình chạy nhanh hơn", thông qua đầu tư của chính phủ vào nghiên cứu và các công nghệ như chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng.

Khi gặp gỡ những người đồng cấp phía Trung Quốc ở Anchorage, Alaska, trong hai ngày 18 và 19/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan sẽ thử nghiệm cách tiếp cận mới. Cuộc đối thoại này vốn đã bị trì hoãn đến khi Washington đạt được các nguyên tắc của một chiến lược chung với các đồng minh - đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Australia.

Tuy nhiên, đây cũng là minh chứng đầu tiên cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trước chính quyền mới của Mỹ, và là cơ hội để các nhà ngoại giao nước này lên tiếng về sự can thiệp "xấu xa" của Washington vào các vấn đề của Bắc Kinh, như phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói hôm 17/3. Cùng ngày, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào 24 quan chức Trung Quốc với cáo buộc phá hoại các quyền tự trị của Hong Kong.  

Khi còn làm Phó tổng thống Mỹ, ông Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp nhau cả ở Trung Quốc và Mỹ, công khai thừa nhận đối đầu là không thể tránh khỏi. Lúc đó, đánh giá tình báo trong nội bộ Chính phủ Mỹ là ông Tập sẽ hành động một cách thận trọng, tập trung vào phát triển kinh tế trong nước và tránh đối đầu trực tiếp với Mỹ.

Tuy nhiên, giờ đây các trợ tá quản lý phương pháp tiếp cận mới của Tổng thống Biden kết luận đánh giá trước đó đã sai. Cách tiếp cận mới - kết hợp các cam kết hợp tác trong những lĩnh vực cùng quan tâm như biến đổi khí hậu trong khi cạnh tranh trực tiếp hơn với Trung Quốc về công nghệ và quân sự - đang dần trở nên rõ ràng. Các nội dung của nó đã được phản ánh trong cuộc điện đàm hồi tháng 2 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung, theo các trợ tá.

Ngày nay, dường như có một sự đồng thuận rộng khắp rằng quan hệ Mỹ - Trung không chỉ rơi xuống một trong những điểm thấp nhất trong nhiều năm qua, mà còn có nguy cơ lao dốc tồi tệ hơn nữa. 

Henry Kissinger, người đã dọn đường cho sự mở cửa của Mỹ với Trung Quốc cách đây gần 50 năm, đã cảnh báo ngay sau khi ông Biden đắc cử rằng Washington và Bắc Kinh đang ngày càng tiến tới đối đầu. "Điều nguy hiểm là một số cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra, mà sẽ vượt khỏi những ngôn từ khoa trương và biến thành xung đột quân sự thực sự", ông Kissinger bình luận tại một hội nghị của Bloomberg hồi tháng 11 năm ngoái.

Hồi tháng trước, Graham Allison, một nhà khoa học chính trị ở Harvard, và Fred Hu, một nhà đầu tư nổi tiếng - nêu quan điểm rằng từ giờ sẽ không còn lựa chọn nào ngoài việc đối xử với một Trung Quốc như hiện tại.

Hai ông lập luận: "Ngăn chặn khủng hoảng quân sự, chống biến đổi khí hậu, kiểm soát các đại dịch tương lai, ngăn chặn phổ biến hạt nhân, chống khủng bố, quản lý khủng hoảng tài chính... tất cả đều không thể thực hiện được, nếu không chấp nhận thực tế rằng Trung Quốc vẫn điều hành đất nước như hiện nay và sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai gần". 

Toàn cảnh cuộc Đối thoại Mỹ - Trung 

Thanh Hảo  

Mỹ cảnh báo Trung Quốc đang đe doạ trật tự toàn cầu

Mỹ cảnh báo Trung Quốc đang đe doạ trật tự toàn cầu

Cuộc đối thoại trực tiếp cấp cao đầu tiên giữa quan chức ngoại giao và an ninh Mỹ với Trung Quốc đã diễn ra tại Anchorage, Alaska.

Mỹ sẽ 'rắn' với Trung Quốc tại cuộc đối thoại đầu tiên thời ông Biden?

Mỹ sẽ 'rắn' với Trung Quốc tại cuộc đối thoại đầu tiên thời ông Biden?

Các đại diện Mỹ dự kiến sẽ thể hiện lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc trong hội nghị song phương cấp cao ở Alaska tuần này và không kỳ vọng quá cao về kết quả đạt được, theo lời một số quan chức ở Washington.