Quyết định của ông Biden tấn công quân nổi dậy ở Iraq và Syria sớm ngày 28/6 thể hiện rõ hành động cân bằng của lãnh đạo Nhà Trắng trong cách tiếp cận Tehran: Vừa phải thể hiện rõ sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ các lợi ích Mỹ, vừa tiếp tục duy trì con đường ngoại giao mong manh khi hai nước cố gắng khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: New York Times 

Trước công chúng, các quan chức chính quyền Joe Biden khẳng định hai vấn đề tách biệt nhau. Họ lý giải Tổng thống đã hành động theo thẩm quyền để bảo vệ quân đội Mỹ bằng cách ra lệnh không kích vào những địa điểm được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào lính Mỹ ở Iraq. Theo họ, điều này không liên quan gì đến nỗ lực đưa Mỹ và Iran trở lại với thỏa thuận hạt nhân 2015 hạn chế chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Tuy nhiên, trên thực tế, hai vấn đề này đan xen chặt chẽ với nhau, theo New York Times.

Tờ báo chỉ ra rằng, đối với người Iran, con đường hướng tới năng lực chế tạo vũ khí hạt nhân là một phần nỗ lực thể hiện nước này là một thế lực không chỉ ở Trung Đông mà còn vượt ra ngoài khu vực. Giờ đây, sức mạnh của Tehran đã được tăng cường nhờ một kho vũ khí mới gồm máy bay không người lái có độ chính xác cao, các tên lửa tầm xa hơn và vũ khí mạng ngày càng tinh vi. Một số trong danh sách vũ khí đó liên quan đến các công nghệ dường như vượt quá kỹ năng của Iran khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết năm 2015.

Một phần trong mục tiêu của Tổng thống Biden cố gắng khôi phục thỏa thuận hạt nhân là sử dụng thỏa thuận như bước đi đầu tiên để thúc ép Iran giải quyết nhiều vấn đề khác nữa, trong đó có cáo buộc Tehran hậu thuẫn các nhóm khủng bố trong khu vực và kho vũ khí mở rộng của nước này.

Trên mặt trận đó, các cuộc không kích ngày 27 và 28/6 do các máy bay ném bom của Không lực Mỹ thực hiện được đánh giá là bước lùi tạm thời, thậm chí có nguy cơ làm leo thang tình hình. Ngay trong ngày 29/6, phiến quân nghi được Iran hậu thuẫn bị tình nghi đã bắn rocket vào lực lượng Mỹ ở Syria, theo phát ngôn viên quân đội Mỹ Wayne Marotto. Mục tiêu là lính Mỹ đóng chốt gần một mỏ dầu.  

Theo giới phân tích, kể cả nếu Washington thành công trong việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân, ông Biden vẫn sẽ đối mặt với thách thức phải tìm ra cách kiềm chế Iran hơn nữa. Nhưng Tổng thống đắc cử của Iran Ebrahim Raisi đã tuyên bố ông sẽ không bao giờ chấp nhận điều này.

Theo nghĩa đó, các cuộc không kích chỉ càng cho thấy những cơn gió ngược chiều đang cản đường chủ nhân Nhà Trắng khi ông cố gắng theo đuổi một chính sách chặt chẽ về Iran. Ông phải đối mặt với áp lực theo nhiều hướng khác nhau, từ Quốc hội Mỹ, từ Israel và cả các đồng minh Ảrập, chưa kể đến chính phủ cứng rắn sắp tới của Iran. 

Ở Quốc hội Mỹ, một số thành viên Dân chủ coi các cuộc tấn công quân sự vừa qua là hành động quá mức của Tổng thống khi sử dụng quyền hạn về chiến tranh mà không tham vấn hoặc được quốc hội đồng ý. Ông Biden lập luận rằng, các cuộc tấn công đó và việc trở lại với thỏa thuận hạt nhân mà người tiền nhiệm Donald Trump đã từ bỏ 3 năm trước đều là nhằm tránh chiến tranh. Giới chức Nhà Trắng khẳng định không có ý định tuyên chiến chống lại Iran hoặc các lực lượng nước này ủng hộ. 

Ngoại trưởng Antony J. Blinken mô tả các cuộc không kích là "hành động cần thiết, thích hợp, có chủ ý, được thiết kế để hạn chế nguy cơ leo thang, đồng thời phát đi một thông điệp răn đe rõ ràng". Nhưng sự kiện cũng là một phần câu trả lời của ông Biden với các thành viên Cộng hòa, những người phản đối thỏa thuận hạt nhân và muốn Tổng thống thể hiện sự yếu kém khi đối mặt với Iran.

Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ chỉ là một phần. Những cơn gió ngược chiều còn đến từ phía Israel, nơi chính phủ mới đã thể hiện sự dè dặt về việc khôi phục lại thỏa thuận năm 2015.

Ngày 28/6, khi chính quyền ông Biden thông báo cho Quốc hội và các đồng minh về vụ tấn công, nhà lãnh đạo Mỹ đã gặp Tổng thống sắp mãn nhiệm của Israel Reuven Rivlin. Cuộc gặp chủ yếu là buổi chia tay để cảm ơn ông Rivlin đã hợp tác với Mỹ nhiều năm nhưng cũng là cơ hội để ông Biden tái khẳng định "Iran sẽ không bao giờ có vũ khí hạt nhân trong thời gian tôi nắm quyền". Điều này chủ đích phát đi tín hiệu rằng Israel và Mỹ có cùng mục tiêu dù họ quan niệm khác nhau về hạt nhân Iran.    

Thanh Hảo 

Ông Biden lệnh bắn phá các mục tiêu thân Iran

Ông Biden lệnh bắn phá các mục tiêu thân Iran

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Tổng thống Joe Biden đã lệnh cho quân đội nước này không kích các cơ sở, kể cả kho chứa vũ khí tình nghi của những nhóm vũ trang thân Iran ở khu vực biên giới Iraq - Syria.