Những hy vọng đang được dấy lên khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau bên lề hội nghị G20 sắp tới, có thể đặt nền móng cho một thỏa thuận thương mại giữa hai nước và chấm dứt các đòn thuế quan nhằm vào nhau.

Tuy nhiên, vấn đề tranh chấp thương mại không thể giải quyết nhanh chóng hay dễ dàng bởi các vấn đề cơ bản này mang tính cấu trúc và hệ thống. Và dù hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung có đạt được thỏa thuận để làm tiền đề, thì thỏa thuận này cũng không có khả năng làm dịu đi những căng thẳng đang diễn ra.

{keywords}
Mỹ-Trung có thể hợp tác cùng định hình lại trật tự thế giới. Ảnh: Reuters

Hai lập trường cứng rắn được Tổng thống Trump đưa ra với Trung Quốc gồm vấn đề tái cân bằng kinh tế và vấn đề địa chính trị gắn liền với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trung Quốc hiện nay đang cạnh tranh với Mỹ về quy mô nền kinh tế: Tỷ trọng tổng sản phẩm quốc nội trên danh nghĩa toàn cầu của Bắc Kinh là 16% so với 24% của Washington năm 2018, nhưng nếu điều chỉnh dữ liệu dựa theo sức mua, thì Trung Quốc hiện đang là nền kinh tế có sức mua lớn nhất thế giới ở mức 19% so với 15% của Mỹ.

Những câu khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống Trump hiện đang phản ánh thực tế rằng: Nước Mỹ không còn đủ khả năng đóng vai trò đứng đầu để có thể bảo lãnh cho trật tự quốc tế tự do và mở cửa thị trường sang các nước khác, mà không nhận được sự tiếp cận đối xứng.

Đồng thời có một nhận thức ngày càng được nhận ra ở Mỹ khi những chính sách của Bắc Kinh đang theo “luật chơi khác” và những chính sách này khiến Mỹ gặp bất lợi. Khi tác động chính của việc tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc được hỗ trợ bởi sự gia nhập của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thì người tiêu dùng ở Mỹ sẽ được hưởng lợi từ hàng loạt các sản phẩm rẻ hơn, đó là một khía cạnh.

Nhưng với kế hoạch Made in China 2025 thì lại làm Mỹ dấy lên mối lo ngại rằng Trung Quốc sẽ giành vị trí dẫn đầu thế giới trong một loạt lĩnh vực công nghệ cao, thì đó lại là một khía cạnh khác.

{keywords}
Kế hoạch Made in China 2025 sẽ giúp TQ giành vị trí dẫn đầu trong các lĩnh vực công nghệ cao. Ảnh:SCMP

Chính quyền Tổng thống Trump đã từng nhằm vào những gì họ coi là hành vi sở hữu trí tuệ không công bằng từ phía Trung Quốc. Cụ thể khi Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã đưa ra bốn cáo buộc trong báo cáo Mục 301 hồi tháng 3/2018, và dĩ nhiên Trung Quốc bác bỏ tất cả những cáo buộc trên vì họ cho rằng những điều này hoàn toàn vô căn cứ. Và chính những mâu thuẫn này đã chỉ ra sự khác biệt cơ bản trong kết cấu chính trị, kinh tế và pháp lý của Mỹ-Trung.

Theo SCMP, phía Mỹ hiện được xem như “chiếu trên” trong việc đàm phán thương mại với Trung Quốc bởi ba lý do sau đây: Thứ nhất, nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh và vấn đề nợ trong nền kinh tế Trung Quốc đang dễ bị tổn thương trước cú sốc do những chính sách gây ra.

Thứ hai, Mỹ là nền kinh tế đã phát triển trong khi Trung Quốc hiện vẫn đang là nước đang phát triển. Và Trung Quốc sẽ suy tính kỹ trước khi đưa ra bất kỳ chính sách gì có thể khiến quá trình phát triển kinh tế kéo dài gần bốn thập kỷ của nước này bị phá bỏ.

Thứ ba, Trung Quốc đang có mức thặng dư thương mại với Mỹ, và Bắc Kinh sẽ quan tâm tới việc mất thị trường xuất khẩu hơn Washington lo ngại mất nguồn cung ứng hàng hóa. Bởi lượng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ bị giảm sẽ tác động mạnh vào các nhà sản xuất Trung Quốc, đồng thời việc Washington giảm nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc sẽ đánh vào người tiêu dùng Mỹ. Và trong trường hợp này, Trung Quốc sẽ là người thua thiệt hơn.

{keywords}
Việc giảm xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ sẽ tác động mạnh tới kinh tế Trung Quốc. Ảnh: FMSH

Ngoài ra, nếu cuộc chiến thương mại hiện nay còn kéo dài sẽ gây ra sự suy giảm mạnh trong thị trường chứng khoán Mỹ, dẫn đến triển vọng cho kinh tế nước yếu hơn, chính quyền Trump sẽ gặp nhiều trở ngại hơn trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.

Bởi vậy theo SCMP nhận định, Mỹ-Trung cần đạt được thỏa thuận thương mại và tập trung hóa giải những khác biệt trong hệ thống kinh tế và chính trị của hai nước. Với vị thế hai siêu cường kinh tế và địa chính trị trên thế giới, Bắc Kinh và Washington cần củng cố, chia sẻ gánh nặng để có thể định hình lại trật tự thế giới. Bởi vậy hiện nay sự linh hoạt và thỏa hiệp rất cần thiết tới từ cả hai phía.

Tuấn Trần