Đánh giá trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm mở rộng binh chủng hải quân của nước này với nhiều tàu chiến, tàu ngầm và máy bay không người lái để đối mặt với thách thức hàng hải ngày một gia tăng từ Trung Quốc.

Cụ thể trong bài phát biểu hôm 16/9, kế hoạch “Tiến về tương lai” được ông Esper công bố sẽ tăng số lượng tàu chiến hiện nay của Mỹ từ 293 tàu lên hơn 355 tàu các loại. Kế hoạch này đòi hỏi bổ sung hàng chục tỷ USD vào ngân sách Hải quân Mỹ từ nay tới năm 2045 để duy trì ưu thế trước các lực lượng hàng hải Trung Quốc, vốn được xem là mối đe dọa chính với Washington.

{keywords}
Hai tàu USS Nimitz (phía sau) và USS Ronald Reagan tập trận hồi tháng 7/2020 ở Biển Đông. Ảnh: AP

“Trong tương lai, hạm đội sẽ cân bằng hơn về khả năng tấn công từ trên không, trên mặt biển và dưới đáy biển. Việc mở rộng hạm đội sẽ gồm gia tăng số lượng các tàu mặt nước và tàu ngầm có người lái lẫn không người lái, cũng như mở rộng số lượng máy bay không người lái hoạt động trên tàu sân bay”, ông Esper phát biểu.

Chuyên gia về các vấn đề nước Mỹ Lưu Vệ Đông làm việc tại Học viện khoa học xã hội Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã quen với những nhận xét giống như của ông Esper, và nguy cơ đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày một gia tăng, chủ yếu là do sự thay đổi chiến lược của Washington.

“Mỹ đã coi Trung Quốc là mối đe dọa và đối thủ chính, nên họ sẽ có hành động quyết liệt hơn trên biển. Điều này có thể sẽ dẫn tới một số xích mích. Tuy nhiên, những xích mích như vậy có thể được kiềm chế, bởi chẳng bên nào muốn xảy ra một cuộc chiến thật sự”, Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Lưu nói.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Collin Koh làm việc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam ở Singapore lại nhận định rằng, những phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ càng củng cố niềm tin của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy hiện đại hóa quân đội nước này.

“Trung Quốc sẽ không đưa ra các phản ứng với nhận định của ông Esper, chẳng hạn như công khai chỉ trích những nhận định đó. Bởi những nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chẳng làm ảnh hưởng gì tới những nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Bắc Kinh. Có chăng, những tuyên bố mở rộng hải quân của Washington chỉ càng củng cố niềm tin trong việc thúc đẩy hiện đại hóa quân đội Trung Quốc”, ông Koh nhận định.

Nhà phân tích quân sự Tống Trung Bình cũng bày tỏ quan điểm tương tự, khi ông cho rằng quân đội Trung Quốc sẽ không đưa ra những phản ứng mạnh mẽ nhằm vào bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Esper, mà họ sẽ tiếp tục tiến trình hiện đại hóa quân đội.

“Đúng là nguy cơ hải quân hai nước Mỹ-Trung đối đầu đang ngày một gia tăng, bởi lời kêu gọi ‘tự do hàng hải’ mà Washington đưa ra. Do vậy, Mỹ sẽ tìm đủ mọi cách để kiềm chế những động thái tăng cường năng lực hải quân của Trung Quốc”, ông Tống nói.

SCMP nhận định, tuyên bố mở rộng Hải quân Mỹ của Bộ trưởng Quốc phòng Esper diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung về vấn đề tự do hàng hải ngày một gia tăng, nhất là ở Biển Đông.

Hồi giữa tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố bác bỏ toàn bộ yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Sau đó, Hải quân Mỹ đã triển khai hai nhóm tàu sân bay tới đây tập trận “nhằm ủng hộ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Sau đó, Bắc Kinh hôm 26/8 đã phóng hai tên lửa đạn đạo thuộc loại “sát thủ tàu sân bay” vào Biển Đông để gửi lời cảnh báo tới Mỹ.

Tuấn Trần

Công hàm chung Pháp, Anh, Đức và cuộc chiến pháp lý trên Biển Đông

Công hàm chung Pháp, Anh, Đức và cuộc chiến pháp lý trên Biển Đông

Pháp, Anh và Đức gửi công hàm chung thể hiện quan điểm với 7 công hàm Phái đoàn Trung Quốc đề nghị lưu hành tại Liên hợp quốc. 

Thiện chí của ASEAN, Trung Quốc và các nước khi bàn về Biển Đông

Thiện chí của ASEAN, Trung Quốc và các nước khi bàn về Biển Đông

Vấn đề Biển Đông, theo Vụ trưởng Vụ ASEAN, tất cả các nước đều mang đến hội nghị ARF tinh thần đóng góp cho đối thoại và sự hợp tác.