Các nhà lập pháp Hàn Quốc cho biết, tuần trước các quan chức Mỹ đã yêu cầu mức phí cho 28.500 lính Mỹ đồn trú tại nước này lên mức 5 tỷ USD, gấp 5 lần số tiền Seoul đồng ý bỏ ra trong năm nay. Và dù phía Mỹ không đưa ra con số cụ thể, nhưng Tổng thống Trump trước đó cho biết sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc là “sự bảo vệ trị giá 5 tỷ USD”.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ (JSC) Mark Milley cho rằng, dư luận Mỹ cần lời giải thích lý do vì sao những nước “giàu có” như Hàn Quốc và Nhật Bản không thể tự bảo vệ mình, và lý do lính Mỹ lại triển khai ở những quốc gia này. Dự kiến ông Milley tới Seoul vào 13/11 để tham dự cuộc họp Uỷ ban Quân sự hàng năm, sau đó Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng sẽ có cuộc gặp người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo vào ngày 14/11.

{keywords}
Tổng thống Trump (giữa) cùng Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper (trái) và ông Mark Milley (phải). Ảnh: Reuters

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Cố vấn chính sách châu Á Randall Schriver cho biết, Bộ trưởng Esper sẽ không có ý định đàm phán về việc chia sẻ ngân sách, bởi đó là công việc của phía ngoại giao, nhưng ông Esper sẽ nhấn mạnh tới những lợi ích của Mỹ. “Họ sẽ phải đóng góp nhiều hơn nữa, bởi Tổng thống Trump đã nhấn mạnh điều này với các đồng minh trên toàn cầu, chứ không chỉ riêng Hàn Quốc”, Reuters trích lời ông Schriver cho biết.

Ông Trump liên tục cáo buộc các nước đồng minh như Nhật Bản, Đức và khối NATO không chung vai gánh trách nhiệm chi phí quốc phòng cùng Mỹ. Theo Reuters, các cuộc đàm phán riêng rẽ của Mỹ cùng các nước và NATO trên dự kiến sẽ bắt đầu trong năm sau.

Các nhà lập pháp Hàn Quốc đã lên tiếng chỉ trích cái mà họ gọi là “những yêu cầu không thể chấp nhận được và đáng gây thất vọng” từ Washington. Một số nhóm vận động tại Hàn Quốc kêu gọi thay đổi cơ chế trong liên minh Mỹ-Hàn đã kéo dài suốt 70 năm qua, trong đó bao gồm cả việc rút hoặc giảm mạnh lượng lính Mỹ đồn trú tại nước này.

Một cuộc khảo sát của Viện Thống nhất đất nước Hàn Quốc tuần trước cho biết, có tới 96% người được hỏi phản đối việc trả thêm phí cho sự hiện diện của lính Mỹ tại nước này. “Nhưng áp lực thật sự tới từ ông Trump, cho dù con số 5 tỷ USD có giảm xuống 2 tỷ USD, thì đó vẫn là con số khổng lồ với chính quyền Hàn Quốc”, chuyên gia Shin Beom-chul thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Asan cho biết.

Ngoài vấn đề về chi phí quân đồn trú Mỹ tại Hàn Quốc, hai ông Esper và Milley còn có nhiệm vụ tiếp tục gây áp lực lên Seoul nhằm buộc nước này thay đổi quyết định chấm dứt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nhật Bản. Theo Washington, thỏa thuận trên, hay còn có tên gọi GSOMIA, là điểm mấu chốt giữa 3 nước Mỹ-Hàn-Nhật nhằm đối phó với mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên.

Tuấn Trần