Nhận định trên được hãng tin Yonhap của Hàn Quốc đưa ra trong một bài viết cùng ngày, dẫn lời các chuyên gia am hiểu về Triều Tiên. Giới phân tích còn cho rằng vụ phóng cho thấy Triều Tiên cũng không hài lòng với tiến độ hợp tác kinh tế liên Triều.

{keywords}
Ảnh: Reuters

Sớm nay, Triều Tiên đã phóng nhiều vật thể ra vùng biển phía đông nước này từ khu vực gần thành phố ven biển Wonsan. Các nhà chức trách Hàn Quốc xác nhận thông tin và mô tả thêm rằng các vật thể đó bay được khoảng 70-200km. Một số nhà phân tích nhận định vụ phóng liên quan đến các máy phóng đa tên lửa, chứ không phải là tên lửa đạn đạo.

Đây là hành động quân sự mới nhất của Triều Tiên, dường như là nhằm gia tăng áp lực để Mỹ linh hoạt hơn trong đàm phán hạt nhân và nhắc nhở Hàn Quốc đứng về phía nước láng giềng phía bắc, đồng thời thể hiện Bình Nhưỡng sẽ không nhượng bộ về quân sự.

"Hành động mới nhất dường như nhằm gây áp lực với Mỹ và bày tỏ sự thất vọng (về các cuộc đàm phán bế tắc)", Yonhap dẫn lời giáo sư Park Won-gon chuyên về chính trị quốc tế tại Đại học Toàn cầu Hangdong. "Trong thời gian tới, Triều Tiên có thể sẽ leo thang căng thẳng, nhưng tôi nghĩ họ sẽ trở lại với đối thoại (sau những hành động quân sự như vậy)", ông nói thêm.

Sau khi hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đổ vỡ, Triều Tiên đã tăng cường các hành động quân sự mức độ thấp. Ngày 16/4, đích thân Chủ tịch Kim chỉ đạo một cuộc tập trận không quân. Ngay hôm sau đó, ông giám sát vụ thử vũ khí dẫn đường chiến thuật mới. Và, đến sáng nay, Triều Tiên lại phóng thử vũ khí.

Các bước đi kể trên của Triều Tiên đi kèm với yêu sách Washington phải thay thế Ngoại trưởng Mike Pompeo bằng một nhà đàm phán  "cẩn trọng và trưởng thành hơn".

Các hoạt động quân sự của Triều Tiên bao gồm các tài sản có cấp độ chiến thuật và tầm bay ngắn không gây ra thách thức an ninh nghiêm trọng nào cho Mỹ. Giới phân tích đánh giá đây là một dấu hiệu chứng tỏ chính quyền Kim Jong Un vẫn muốn tiếp tục đối thoại.

Đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng đã lâm vào bế tắc do bất đồng về cách thức tiếp cận của mỗi bên đối với vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Washington muốn Seoul tăng cường một mặt trận thống nhất trong vai trò đồng minh, còn Bình Nhưỡng thúc ép nước láng giềng phía nam phải đứng về phía mình vì lợi ích dân tộc chứ không chỉ giữ vai trò trung gian. Bên cạnh đó, đến nay, hợp tác kinh tế liên Triều đạt rất ít tiến bộ do các lệnh cấm vận quốc tế mà Mỹ dẫn đầu áp lên Bình Nhưỡng.

Cũng theo giới phân tích, ông Kim Jong Un có thể không hài lòng vì không nhận được sự giúp đỡ toàn diện từ Nga và Trung Quốc. Bắc Kinh tỏ ra miễn cưỡng hỗ trợ Triều Tiên trong bối cảnh đang đàm phán thương mại căng thẳng với Washington. Hội nghị thượng đỉnh Kim – Putin tuần trước cũng có vẻ không được như Triều Tiên kỳ vọng.

Thanh Hảo