Giới quan sát đặc biệt chú ý đến những gì ông Kim Jong Un sẽ nêu ra trong bài phát biểu đầu năm, bởi chúng thường là chỉ dấu cho các chính sách và chủ trương mà Triều Tiên sẽ theo đuổi trong 12 tháng tiếp đó.

{keywords}
Ảnh: AP

Năm 2017, các vụ thử tên lửa liên tiếp đã đẩy Triều Tiên vào đỉnh cao căng thẳng với Mỹ nhưng năm 2018, sự thay đổi ngoạn mục sang ngoại giao đã giúp Kim Jong Un nâng cao vị thế trên trường quốc tế, với liên tiếp các hội nghị quan trọng được tổ chức với các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc, Trung Quốc và Mỹ.

Vậy điều gì đang chờ đợi trong năm 2019? Hãng tin AP nêu ra 4 điểm nổi bật trong bài phát biểu đầu năm của ông Kim Jong Un.

Kinh tế

Khoảng 2/3 thời lượng bài phát biểu được dành cho kinh tế. Năm ngoái, ông Kim Jong Un từ bỏ khẩu hiệu "các đường ray song song" - phát triển các vũ khí hạt nhân đi đôi với phát triển kinh tế. Trọng tâm chuyển dồn sang kinh tế.

Kim Jong Un không từ bỏ các vũ khí hạt nhân, thậm chí tuyên bố đã hoàn tất kho vũ khí đủ để dịch chuyển trọng tâm. Và nhà lãnh đạo trẻ thực sự muốn nâng cao mức sống của người dân, nêu bật mong muốn tăng cường nguồn cung cấp điện và chỉ ra khả năng phát triển điện hạt nhân cùng với nhu cầu đổi mới và hiện đại hóa.

Dù không đề cập nhiều lần đến nguyên tắc Juche (tinh thần tự lực tự cường), Chủ tịch Triều Tiên hiểu rõ thực tế đất nước, công khai tìm kiếm thêm các nguồn đầu tư nước ngoài và thương mại. Ông hy vọng sẽ tranh thủ được sự giúp đỡ của Seoul trong nỗ lực này.

Hai miền Triều Tiên đi đầu

Mặc dù sự chú ý dồn vào quan hệ với Tổng thống Mỹ Donald Trump, các động thái lớn nhất của Chủ tịch Kim trong năm 2018 đều hướng tới Hàn Quốc.

Bài phát biểu năm nay của ông Kim được phát sóng đồng thời ở Hàn Quốc. Ông nhấn mạnh rằng đến lúc Bình Nhưỡng và Seoul đi đầu trong quyết định vận mệnh của mình, và đó cũng là phát súng nhằm vào vai trò của Mỹ trên bán đảo.

Nhắn gửi tới cả hai nước cùng lúc, Chủ tịch Kim kêu gọi mọi người dân giữ vững khẩu hiệu "Hãy cùng mở ra một thời hoàng kim của hòa bình, thịnh vượng và thống nhất bán đảo Triều Tiên bằng cách thực thi triệt để các tuyên bố Bắc – Nam lịch sử".

Những tuyên bố đó bao gồm một thỏa thuận về các nỗ lực chung giúp ông Kim đạt được các mục tiêu kinh tế, trong đó có đổi mới và tái kết nối các tuyến đường sắt. Ông nhấn mạnh sẽ ủng hộ việc mở cửa trở lại một khu công nghiệp phụ thuộc vào các đầu tư vốn từ Hàn Quốc và một khu du lịch trên núi Kim Cương (Kimgang) của Triều Tiên.

Những nỗ lực như vậy chắc chắn không thể tiến xa nếu như cấm vận không được dỡ bỏ.

Bình Nhưỡng cũng đang tìm cách đặt dấu chấm hết cho các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn. Washington từ lâu đã thúc giục Seoul phải chi trả nhiều hơn cho việc duy trì lính Mỹ tại Hàn Quốc và sự bất đồng ngày càng lớn giữa hai nước đồng minh đang là một lợi thế đối với ông Kim.

Hạt nhân chưa thể biến mất sớm

Trong câu nói cứng rắn nhất của bài phát biểu, Chủ tịch Kim bóng gió một hành động có thể về sản xuất vũ khí hạt nhân nếu Mỹ có những bước đi tương xứng. Ông bảo vệ cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên của mình, vốn không có nghĩa là Bình Nhưỡng sẽ đơn phương giải giáp.

Tính toán của Kim Jong Un chưa bao giờ là từ bỏ kho vũ khí hạt nhân và hy vọng vào điều tốt nhất từ một chính quyền chỉ vừa mới tỏ ra thân thiện và ủng hộ ở Washington.

Ngay từ đầu đó là một nỗ lực để giành lợi thế lớn nhất. Kim Jong Un coi vũ khí hạt nhân là một lá chắn quý giá trước một cuộc tấn công quân sự của Mỹ. Ông sẽ không từ bỏ chừng nào mối đe dọa đó tiêu tan. Ông cũng tin vũ khí hạt nhân đã đưa mình vào vị thế sức mạnh mà từ đó ông có thể đặt ra yêu sách và đòi hỏi nhượng bộ.

Triều Tiên đã tỏ khá rõ về những điểm này. Nhưng ông Kim nhắc lại một lần nữa.

Thông điệp Kim Jong Un gửi tới Tổng thống Trump: Hãy bắt đầu giải quyết các lo ngại về an ninh và dỡ bỏ cấm vận, nếu không ông sẽ không còn lựa chọn nào khác là thử một cách tiếp cận khác bớt thân thiện hơn.

Kim Jong Un muốn được nhìn nhận là chính mình

Qua bài phát biểu dài 30 phút năm nay, Nhà lãnh đạo Triều Tiên thể hiện là một người đáng tin cậy, trách nhiệm và thoải mái – trái ngược với hình ảnh phổ biến của ông ở phương Tây.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un ngồi phát biểu trước chân dung của ông nội - cố lãnh tụ Kim Nhật Thành và người cha - cố Chủ tịch Kim Jong Il, nhưng với phong thái khác biệt so với các năm trước. Ông được đánh giá là đã thoát khỏi cái bóng của thế hệ cha ông trên con đường trở thành một nhà lãnh đạo hiện đại, đặc biệt và thuộc đẳng cấp quốc tế.

Thanh Hảo