Người theo đạo Thiên Chúa trên thế giới đã vừa trải qua một tuần Thánh đầy máu và nước mắt. Họ đã phải chứng kiến quá nhiều mất mát ở khắp nơi trên thế giới. Tuần Thánh bắt đầu với hình ảnh Nhà thờ Đức Bà Paris chìm trong biển lửa. 

{keywords}
Nhân viên an ninh và quân đội đứng trước nhà thờ St. Anthony ở Colombo sau vụ đánh bom.

Tại New York, Mỹ, cảnh sát đã ngăn chặn một kẻ có âm mưu phóng hỏa khi người này bước vào Nhà thờ St. Patrick với các bình ga, xăng và nhiều bật lửa. Vài tuần trước, ba nhà thờ truyền thống của người da màu ở Louisiana, Mỹ, đã bị đốt cháy trong các ngày 26/3, 2/4 và 4/4.

Ngay trước cuộc diễu hành Phục sinh ở Bắc Ireland, một cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người dân địa phương trong một khu vực của người Công giáo ở thành phố Derry đã dẫn đến việc nhà báo trẻ Lyra McKee bị bắn chết bởi một tay súng mà chính phủ nước này miêu tả là một “thế hệ khủng bố mới”, với động cơ từ tôn giáo.

Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất đã xảy ra vào ngày hôm qua (21/4) khi 3 nhà thờ ở Sri Lanka bị đánh bom, làm 290 người thiệt mạng và 500 người khác bị thương. Tính tới giờ, 24 kẻ tình nghi đã bị bắt giữ bởi chính quyền Sri Lanka. 

Động cơ của những kẻ đánh bom khủng bố chưa được xác định rõ, song các cuộc tấn công trực tiếp nhắm vào các nhà thờ Công giáo và khách sạn nơi khách du lịch ngoại quốc lưu trú cho thấy nhiều khả năng chúng xuất phát từ mâu thuẫn tôn giáo và sắc tộc.

{keywords}
Khung cảnh hoang tàn trong nhà thờ St. Sebastian

Mặc dù cũng có những nghi vấn cho rằng việc nhắm vào các khách sạn xuất phát từ tư tưởng chống phương Tây và chống chính phủ, song hầu hết các nhà phân tích tin rằng cộng đồng người Thiên Chúa giáo ở Sri Lanka nhiều khả năng là mục tiêu chính của những kẻ khủng bố. Ở đất nước 21 triệu dân này, người theo đạo Thiên Chúa chỉ chiếm chưa đầy 10% dân số.

Liên minh Tin Lành quốc gia Sri Lanka, đại diện cho 200 nhà thờ trên cả nước, đã báo cáo về 86 vụ việc liên quan đến các hành động phân biệt, đe dọa và bạo lực đối với người Thiên Chúa giáo trong 2018. Năm nay, tổ chức này cho biết có 26 vụ việc tương tự đã được ghi nhận.

Ngoài ra, theo tổ chức Open Doors - một mạng lưới quốc tế hỗ trợ người Thiên Chúa giáo, Sri Lanka xếp thứ 46 trong số 50 quốc gia nơi người theo đạo Thiên Chúa phải đối mặt với áp bức và trừng phạt nặng nề nhất.

Các vụ khủng bố có động cơ từ tôn giáo không còn lạ lẫm với cộng đồng quốc tế. Các vụ tấn công đẫm máu nhắm vào các địa điểm thờ cúng của các tôn giáo như Thiên Chúa, Do Thái hay Hồi giáo liên tiếp xảy ra trong suốt một thập kỉ qua trên khắp các quốc gia trên thế giới. 

{keywords}
Bức ảnh ở nhà thờ St. Sebastian khắc họa nỗi kinh hoàng của cuộc tấn công thảm khốc. Máu của các nạn nhân bắn khắp nơi trên các bức tường và cả trên bức tượng Chúa Giê-su. Ảnh: AP.

Chủ mưu hầu hết đều mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan khi âm mưu giết hại những người theo tôn giáo thiểu số. Mới hơn một tháng trước, một kẻ khủng bố như vậy đã xông vào nhà thờ Hồi giáo ở Christchurch, New Zealand và giết chết 50 người.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã thể hiện lòng thương cảm với các nạn nhân ở Sri Lanka và cho biết nước này “lên án tất cả các loại hình cực đoan, ủng hộ tự do tôn giáo và quyền được tôn thờ một cách an toàn”. 

Các tôn giáo đều dạy con người về hòa bình và lòng vị tha. Nhưng trong lúc đó, hàng triệu người mang trên mình đức tin đã và đang phải trải qua những xót xa và lo sợ thường trực về mối đe dọa kinh hoàng từ những phần tử cực đoan. Sẽ trớ trêu thay nếu động cơ của những phần tử đứng sau các vụ tấn công ở Sri Lanka cũng xuất phát từ chính đức tin – điều mà nhẽ ra phải hướng con người tới cái thiện, thay vì thảm sát lẫn nhau để bảo vệ niềm tin của mình.

Linh Nguyễn