Mọi việc không hề dễ dàng. Các học giả Mỹ thống nhất rằng, những chia rẽ của Mỹ đã bị khoét sâu suốt nhiều thập kỷ qua và tăng tiến trong 4 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump. Rạn nứt ngày càng nghiêm trọng vài tuần gần đây khi ông Trump kiên quyết không nhận thua ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống 2020 và cáo buộc có gian lận bỏ phiếu, dù không đưa ra bằng chứng.

{keywords}
Ông Joe Biden. Ảnh: NYT

Kỳ vọng

Ông Biden đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để khẳng định bản thân có thể hợp tác với những người đối lập. Ông thường trích dẫn một câu châm ngôn từ những ngày còn ở Thượng viện rằng, "bạn không nên nói xấu về động cơ của các đối thủ".

Ông đã giành được chiếc vé đề cử của đảng Dân chủ vào đầu năm nay, một phần vì ông là chính trị gia trung dung và hướng tới sự đồng thuận hơn là những người đi đầu cánh tả như hai Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và Elizabeth Warren.

Liệu những tài sản đó có phù hợp với các thế lực phân cực đã khuấy động xã hội Mỹ bấy lâu nay hay không, là một câu hỏi khó trả lời.

“Tiền đề cơ bản là thống nhất một quốc gia bị chia rẽ. Hiện có phải điều đó đồng nghĩa ông ấy (Biden) có một cây đũa thần hoặc chỉ qua một đêm mà 74 triệu người ủng hộ họ (phe ông Trump) và 80 triệu người ủng hộ chúng ta (phe ông Biden) sẽ cùng nắm tay và hát khúc hoan ca vô tư lự Kumbaya hay không? Không, điều đó chắc chắn sẽ không xảy ra”, Moe Vela, cựu giám đốc quản lý nhân sự cho ông Biden, chia sẻ trên báo The Hill.

Tuy nhiên, theo ông Vela, ông Biden ít nhất có thể "hạ nhiệt" bối cảnh hiện tại. Tổng thống mới đắc cử có thể làm như vậy một phần nhờ tài hùng biện và cách cư xử niềm nở, nhưng cũng có thể bằng cách tìm ra điểm chung với các chính khách Cộng hòa về một số vấn đề chính sách, khả năng rõ ràng nhất là một dự luật giải cứu nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19.

“Ông ấy sẽ tiếp cận và nói, vì tình yêu đất nước và tình yêu với con em chúng ta, làm thế nào các ngài có thể chống lại gói kích thích nhằm phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch?”, ông Vela phỏng đoán.

Mường tượng của ông Vela phù hợp với ông Biden. Hôm 25/11, trong một bài phát biểu trước lễ Tạ ơn, ông Biden nhấn mạnh rằng “chính trong các hoàn cảnh khó khăn nhất, linh hồn của nước Mỹ đã được tôi luyện”.

Nói về đại dịch, nhưng có lẽ rộng hơn là về văn hóa Mỹ, Tổng thống đắc cử cho biết thêm: "Nó đã chia rẽ chúng ta, khiến chúng ta tức giận và khiến chúng ta chống lại nhau. ... Nhưng chúng ta cần nhớ rằng, chúng ta đang ở trong một cuộc chiến với virus, không phải với nhau".

Vấn đề là, những sợi dây chung từng gắn kết người Mỹ với nhau đang có dấu hiệu bị cắt đứt. Trong cuộc thăm dò gần đây nhất của tạp chí Economist - YouGov, được tiến hành từ ngày 21 - 24/11, gần 1/4 số cử tri đảng Cộng hòa quả quyết, virus corona hoặc "chắc chắn" hoặc "có thể" là một trò lừa bịp. Trong khi đó, gần 13 triệu người trên toàn quốc đã nhiễm Covid-19 và hơn 260.000 người tử vong vì dịch.

Cũng theo cuộc thăm dò nói trên, 80% cử tri Cộng hòa khẳng định, ông Biden đã không thắng trong bầu cử tổng thống một cách hợp pháp và 73% nói Tổng thống Trump không nên nhận thua. Trong số các ứng cử viên độc lập, 55% công nhận chiến thắng của ông Biden, nhưng 45% lại có quan điểm ngược lại.

Các lợi thế

Trong thế giới của ông Biden, không có lăng kính màu hồng nào dùng để đánh giá về mức độ chia rẽ của nước Mỹ. Không có cam kết nào về việc hàn gắn ngay lập tức. Tuy nhiên, các đồng minh của tổng thống mới đắc cử tin rằng, ông đang mang lại sự yên tâm và ổn định.

Tuổi tác, sắc tộc và quan điểm chính trị ôn hòa của ông Biden ít nhất có thể giúp thu hút một số cử tri ôn hòa đứng về phía ông. Trong chiến dịch vận động tranh cử, những nỗ lực của ông Trump nhằm khắc họa đối thủ Biden như một dạng con tin cho những người theo chủ nghĩa xã hội cực đoan đã thất bại.

Phân biệt chủng tộc đã trở thành vấn đề nhức nhối trong suốt lịch sử Mỹ và khó có khả năng ông Biden, bằng cách nào đó có thể tạo ra một bước đột phá siêu việt mà hầu hết mọi người chưa từng làm được. Song, là một người đàn ông da trắng, 78 tuổi, ông Biden có thể ít gây ra phản ứng chống đối từ những người da trắng theo khuynh hướng bảo thủ hơn so với cựu Tổng thống Obama, vị nguyên thủ da màu đầu tiên của xứ sở cờ hoa.

Trong cuốn hồi ký mới phát hành gần đây, ông Obama đã đề cập đến việc tỉ lệ tín nhiệm của dân da trắng về ông trong các cuộc thăm dò dư luận đã giảm mạnh ngay từ đầu nhiệm kỳ lãnh đạo Nhà Trắng như thế nào, đơn giản chỉ vì ông tuyên bố cảnh sát đã hành động "ngu ngốc" khi bắt giữ Henry Louis Gates, một giáo sư da màu thuộc Đại học Harvard tại nhà riêng.

Ngoài ra, ông Biden sẽ có Phó tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ - Thượng nghị sĩ Kamala Harris. Khi tuyên thệ nhậm chức, bà Harris sẽ là người phụ nữ đầu tiên đảm trách chức vụ quyền lực thứ 2 trong Chính phủ Mỹ.

Không ai mong đợi ông Biden có những phát biểu "bạo miệng" như ông Trump, bao gồm cả tuyên bố 4 nữ nghị sĩ da màu thuộc một "ê kíp" nên “quay trở lại” quê hương của họ và đe dọa rằng, “khi cướp bóc bắt đầu, súng cũng bắt đầu nã đạn” trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc trong lực lượng cảnh sát lan rộng khắp toàn quốc.

Thách thức

Nếu mục tiêu trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden là cố gắng giảm bớt sự phân cực trong đời sống chính trị Mỹ, ông chắc chắn phải đối mặt với thách thức trùng điệp. Vấn đề không chỉ là ông Trump và di sản của vị tổng thống Cộng hòa này. Trong nhiều lĩnh vực, các động lực chính trị đang có lợi cho những phần tử cực đoan.

Các chính trị gia thường dùng những quan điểm cứng rắn như cách chống lại một thách thức trọng yếu, để được nhắc đến trên các kênh tin tức truyền hình cáp hoặc tăng lượt theo dõi trên mạng xã hội và gây quỹ.

“Các thế lực ông Biden phải chống lại lớn hơn nhiều so với Tổng thống Trump và có bản chất thuộc về cấu trúc. Một số thế lực đẩy chúng ta ra xa nhau, thay vì gắn kết chúng ta với nhau", Grant Reeher, giáo sư khoa học chính trị tại Trường Maxwell, Đại học Syracuse bình luận.

Song, giống như những người thân cận ông Biden, giáo sư Reeher cũng lưu ý, thực tế trên không nhất thiết khiến Mỹ tiếp tục tiến theo con đường phân cực sâu sắc dưới thời ông Trump. Học giả này tin tưởng vào tương lai tươi sáng, nhưng không hy vọng việc "khôi phục linh hồn của Mỹ" sẽ sớm thành hiện thực.

Tuấn Anh 

'Cơn đau đầu mới' của ông Biden

'Cơn đau đầu mới' của ông Biden

Một loạt vấn đề liên quan đến an ninh mạng sẽ là thử thách đối với chính quyền của ông Joe Biden trong thời gian tới.

Ông Biden sẽ hành động thế nào sau nhậm chức tổng thống Mỹ?

Ông Biden sẽ hành động thế nào sau nhậm chức tổng thống Mỹ?

Với việc đánh bại ông Donald Trump trong cuộc tổng tuyển cử ngày 3/11, chính khách Dân chủ Joe Biden sẽ trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ và dự kiến chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1 năm sau.