Qassem Soleimani, một nhân vật quân sự có ảnh hưởng và đứng đầu lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran, đã thiệt mạng trong vụ không kích của Mỹ hồi tháng 1/2020 ở Iraq. 

Xe chở ông Soleimani cùng một vài người đã trúng tên lửa từ máy bay không người lái của Mỹ khi vừa ra khỏi sân bay Baghdad. Chính quyền Trump lý giải hành động như vậy là vì viên tướng người Iran đang lên kế hoạch tấn công nhằm vào binh lính Mỹ trong khu vực.

Ngay sau cái chết của tướng Soleimani, Iran trả thù bằng cách nã tên lửa vào các mục tiêu Mỹ ở Iraq. Nước Cộng hòa Hồi giáo còn bắn rơi một máy bay của hãng Ukraine International Airlines ngày 8/1 bằng tên lửa đất - đối - không, khiến 176 người thiệt mạng. Tehran sau đó thừa nhận đã vô tình phạm "sai lầm tàn khốc".

Tối 29/6, hãng tin Fars đưa tin, Iran ban lệnh bắt giữ Tổng thống Trump liên quan vụ việc trên, và đề nghị Interpol hỗ trợ. Danh sách nêu trong trát bắt còn có 35 người khác, gồm các nhân vật chính trị - quân sự của Mỹ và một số nước, với các tội "giết người và khủng bố".

Interpol xác nhận tổ chức này đã nhận được yêu cầu của Iran nhưng thẳng thừng từ chối hành động, viện dẫn những quy định hiện hành không cho phép họ làm vậy.

Khi công bố lệnh truy nã Tổng thống Mỹ, Công tố viên trưởng của Iran tuyên bố, Cộng hòa Hồi giáo sẽ theo đuổi việc này kể cả sau khi nhiệm kỳ của ông Trump kết thúc

{keywords}
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Thù địch công khai giữa Mỹ và Iran từ đầu năm 2020 đã làm dấy lên quan ngại của cộng đồng quốc tế về nguy cơ một cuộc chiến tranh có thể bùng nổ giữa hai nước. Căng thẳng vốn dĩ âm ỉ từ trước đã leo thang trong thời gian gần đây, nhất là sau khi chính quyền Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với các cường quốc năm 2015 và tái áp đặt cấm vận lên Tehran năm 2018.

Một lệnh bắt giữ được Interpol thực hiện sẽ được gửi tới cảnh sát khắp thế giới, để định vị và bắt giữ đối tượng bị một nước hoặc một tòa án quốc tế truy nã, chờ dẫn độ, hoặc hành động pháp lý tương tự. Tổ chức này tuân thủ các quy định, theo đó họ bị cấm "có sự can thiệp hoặc hành động mang tính chất chính trị, quân sự, tôn giáo hoặc chủng tộc".

Do vậy, lệnh truy nã của Iran nhằm vào Tổng thống thứ 45 của Mỹ, theo hãng tin Anh The Independent, chỉ là một đòn gió mang tính chính trị mà không có hiệu quả trên thực tế. Còn theo báo The Express, động thái của Tehran nhằm mục đích chính là đổi hướng chú ý khỏi tình hình khó khăn nội tại mà nước này đang đối mặt vào thời điểm hiện nay.

Dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành dữ dội ở Iran, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và kinh tế suy giảm thê thảm. Theo các chuyên gia y tế, Iran mở cửa nền kinh tế quá sớm, dẫn đến nguy cơ phải hứng chịu làn sóng dịch bệnh thứ 2. Bên cạnh đó, quốc gia Hồi giáo còn đang oằn mình dưới các đòn cấm vận gắt gao của Mỹ, bị trói chặt trong giao thương với các nước khác.

Thanh Hảo

Iran ban lệnh bắt ông Trump

Iran ban lệnh bắt ông Trump

Iran vừa liệt kê 36 người liên quan tới vụ Mỹ giết tướng Qassem Soleimani và tìm cách bắt giữ họ thông qua các kênh của Interpol.

Nổ lớn ở Iran sau khi Mỹ công bố đòn trừng phạt mới

Nổ lớn ở Iran sau khi Mỹ công bố đòn trừng phạt mới

Một vụ nổ rung chuyển ngoại ô thủ đô Tehran của Iran ngay sau khi Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào quốc gia Hồi giáo, đã khiến dư luận dấy lên nhiều đồn đoán.