Giới phân tích nhận định những động thái này của Bình Nhưỡng có thể là tín hiệu cho thấy sự chuẩn bị cho một lập trường đối đầu mạnh mẽ hơn nữa với bên ngoài. 

{keywords}
Ông Kim Jong Un cưỡi bạch mã khi thăm các trận địa ở khu vực núi Paektu trong bức ảnh được KCNA đăng tải ngày 4/12. 

Lần thứ 2 trong vòng 2 tháng, ông Kim Jong Un cưỡi bạch mã đi thăm núi thiêng Paektu, trong sự tháp tùng của nhiều sĩ quan quân sự cao cấp. KCNA mô tả sự kiện này là nhằm "lan tỏa tinh thần cách mạng trong dân chúng".

Kim Jong Un tuyên bố Mỹ đến cuối năm 2019 phải đưa ra nhiều nhượng bộ hơn nữa để tái khởi động tiến trình hòa đàm phi hạt nhân hóa đang sa lầy, nếu không Triều Tiên sẽ theo đuổi một "con đường mới". Các chuyên gia cho rằng, con đường mới này có thể bao gồm việc nối lại các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa. 

Phía Mỹ đòi Triều Tiên từ bỏ những phần quan trọng trong kho hạt nhân của nước này thì mới nới lỏng cấm vận, trong khi Bình Nhưỡng cáo buộc Washington đưa ra những yêu sách "kiểu mafia" về giải trừ vũ khí đơn phương.

Trò chuyện ở Washington ngày 3/12, đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun nói Washington sẽ không từ bỏ đàm phán với Bình Nhưỡng. Trước đó, ông đã giảm nhẹ tầm quan trọng của thời hạn chót cuối năm 2019 mà Kim Jong Un đặt ra, mô tả mốc thời gian này chỉ là "giả tạo" và cảnh báo Triều Tiên sẽ "mắc sai lầm lớn và bỏ lỡ cơ hội" nếu có những bước đi khiêu khích.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, truyền thông Triều Tiên đã đăng tải một loạt tuyên bố, nhắc nhở Mỹ không nên phớt lờ cảnh báo và cho rằng, kêu gọi đối thoại của Mỹ chỉ là thủ thuật câu giờ.

{keywords}
Ảnh: KCNA

Thông báo một cuộc họp toàn thể của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên sẽ diễn ra vào cuối tháng 12 càng chứng tỏ Triều Tiên thực sự nghiêm túc trong việc đưa ra quyết định mới. Những cuộc họp như vậy thường chỉ được triệu tập khi Triều Tiên thông báo những chuyển đổi chính sách quan trọng.

KCNA đưa tin, phiên họp toàn thể sẽ thảo luận và quyết định "các vấn đề then chốt" trong bối cảnh "tình hình đã thay đổi cả ở trong và ngoài nước".

Rachel Minyoung Lee, một nhà phân tích của NK News chuyên về tình hình Triều Tiên, chỉ ra rằng thời điểm họp được cho là bất thường, bởi nó diễn ra trước hạn chót cuối năm 2019 và trước khi Chủ tịch Triều Tiên có bài phát biểu năm mới 2020. 

"Việc Bình Nhưỡng chọn thời điểm tổ chức cuộc họp này trước khi kết thúc năm nay cho thấy một quyết tâm mạnh mẽ", bà Lee nhận định. "Kết hợp giữa thông báo về hội nghị toàn thể của đảng và chuyến thăm Núi Paektu, quyết tâm có vẻ là Triều Tiên sẽ không quan tâm đến Mỹ, và sẽ tiếp tục dấn bước bất chấp những khó khăn".

KCNA đưa tin, Chủ tịch Kim được tháp tùng bởi các quan chức quân sự cấp cao khi ông cưỡi bạch mã thăm những trận địa lịch sử gần Núi Paektu.

{keywords}
Ảnh: KCNA

Ông Kim thường tới ngọn núi thiêng này mỗi khi có những diễn biến quan trọng ở Triều Tiên, và chuyến đi trên lưng ngựa bạch hồi tháng 10 đã làm dấy lên đồn đoán về một sự thay đổi trong chiến lược đàm phán hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Dù các kế hoạch của Kim Jong Un hiện nay vẫn còn là điều bí ẩn, nhiều tín hiệu cho thấy cánh cửa ngoại giao đang khép lại nhanh chóng, theo John Delury thuộc Đại học Yonsei ở Seoul. "Năm tới sẽ là một năm quan trọng đối với chúng ta, nhưng không phải là một năm của ngoại giao và hội nghị thượng đỉnh mà nghiêng về sức mạnh dân tộc", ông bình luận.

Theo Delury, hình ảnh Kim Jong Un cưỡi bạch mã mang tính biểu tượng mạnh mẽ đối với người dân Triều Tiên. Đoàn tháp tùng gồm toàn các nhân vật cấp cao trong quân đội, kết hợp với các tuyên bố liên quan quân sự gần đây trên truyền thông Triều Tiên cho thấy nước này "nhiều khả năng chuyển sang ranh giới thiên về quân sự". Và, cuộc họp được triệu tập trong tháng 12 cũng không thuộc dạng "tiêu chuẩn", hàm ý ngoại giao có thể sẽ bị loại bỏ thực sự.

Thanh Hảo