Chia sẻ trên báo Japan Times, chuyên gia phân tích Jenny Leonard cho rằng, việc ra tranh cử với tư cách đương kim Tổng thống Mỹ đồng nghĩa ông Donald Trump phải bảo vệ những thành tựu ít ỏi trong việc viết lại mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

{keywords}
Cả Tổng thống Trump (phải) và đối thủ Biden đều đang cố gắng lấy lòng cử tri bằng chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Ảnh: Climate Exchange

Phần lớn những gì nhóm vận động tái cử của ông Trump đưa ra trong các tuần gần đây nghe có vẻ giống những cam kết trong chiến dịch tranh cử cách đây 4 năm, như chấm dứt tình trạng thuê gia công ở nước ngoài, đưa việc làm trở lại Mỹ; chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung nguyên vật liệu từ Trung Quốc, hỗ trợ các công ty sản xuất mọi thứ ngay trên đất Mỹ.

“Dưới chính quyền của tôi, chúng ta sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc một lần và mãi mãi. Chúng ta sẽ áp thuế với các công ty bỏ Mỹ để tạo ra việc làm ở Trung Quốc và các nước khác. Nếu các công ty đó không thể sản xuất ở đây, hãy buộc họ trả một khoản thuế lớn cho đất nước chúng ta để xây dựng hoạt động đó ở nơi khác", lãnh đạo Nhà Trắng tuyên bố hôm 7/9.

Thành quả khiêm tốn

Bất chấp việc chính quyền ông Trump áp thuế nhập khẩu đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá hàng trăm tỷ USD, các lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào các quan chức Trung Quốc cũng như những biện pháp hạn chế đối với các hãng công nghệ của cường quốc châu Á, song phần lớn các công ty Mỹ chưa có kế hoạch rút khỏi Trung Quốc trở về nước.

Scott Paul, Chủ tịch Liên minh sản xuất Mỹ, một tổ chức phi đảng phái do các nhà sản xuất và Hiệp hội Công nhân thép Mỹ sáng lập, quả quyết hiện không có bất kỳ dạng chuyển dịch nào từ các tập đoàn đa quốc gia ra khỏi nguồn cung ứng của Trung Quốc. Ví dụ, công ty 3M vẫn chế tạo mặt nạ phòng độc cả ở đại lục và Mỹ. Apple chưa có kế hoạch thoái vốn khỏi Trung Quốc.

Theo một báo cáo hôm 9/9, chỉ khoảng 4% trong số hơn 200 nhà sản xuất Mỹ tham gia khảo sát của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải cho biết sẽ di dời hoạt động sản xuất về Mỹ. Hơn 75% tiết lộ không có ý định chuyển dịch nhà xưởng ra khỏi đại lục, trong khi 14% nói sẽ đưa một phần hoạt động sang các quốc gia khác.

Trong một cuộc khảo sát riêng rẽ của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc, 87% trong số hơn 100 công ty Mỹ thành danh bày tỏ không có kế hoạch rút khỏi đại lục, viện dẫn lý do về sự tin tưởng lâu dài vào thị trường tại đây.

Mặc dù nhóm vận động tranh cử cho Tổng thống Trump không cung cấp nhiều chi tiết về cách ông sẽ đưa việc làm từ Trung Quốc về nước trong nhiệm kỳ thứ 2 như thế nào, nhưng họ có đề cập đến các hành động khác, chẳng hạn như áp thuế bổ sung với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc để đối phó những gì Washington coi là "gian lận thương mại tràn lan" của Bắc Kinh.

Một lĩnh vực thành công hạn chế của chính quyền ông Trump là ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1. Theo thỏa thuận, để đổi lấy việc Washington chấp nhận ngưng các kế hoạch áp thuế mới, Bắc Kinh hứa hẹn trong vòng 2 năm sẽ mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ so với năm 2017, bao gồm cả lượng nông sản trị giá 40 tỷ USD.

Dù Trung Quốc khó có thể đạt được các mục tiêu trong năm nay, một phần do đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn chuỗi cung - cầu, nhưng nước này đã mua lượng thịt bò và ngô kỷ lục từ Mỹ, đồng thời tái nhắc cam kết sẽ triển khai thỏa thuận.

Tuy nhiên, một số chuyên gia như Wendy Cutler, từng là Quyền phó đại diện thương mại Mỹ và hiện là Phó chủ tịch Viện Chính sách xã hội châu Á, tỏ ra hoài nghi khả năng ông Trump có thể đưa thành công các việc làm từ Trung Quốc về nước, khi ông không thể làm được việc đó trong 4 năm cầm quyền vừa qua.

Ngay cả khi ông Trump tiếp tục thúc ép các công ty Mỹ ngưng đầu tư vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thỏa thuận giai đoạn 1 cũng đã mở ra cơ hội mới cho các công ty bảo hiểm và dịch vụ tài chính Mỹ muốn kinh doanh tại đại lục.

Thách thức

Ông Trump đang cố gắng khắc họa đối thủ Biden là người quá thân thiện với Bắc Kinh. Trong bài phát biểu hồi đầu tuần trước, ông Trump nói, nếu ứng viên đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 tới đây thì Trung Quốc sẽ thắng. Ông cũng đổ lỗi sự bùng phát đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 190.000 người Mỹ cho Bắc Kinh.

Ngược lại, trong bối cảnh dư luận Mỹ đang mất dần thiện cảm với Trung Quốc, ông Biden dường như cũng tranh thủ ghi điểm với cử tri bằng cách công bố kế hoạch trừng phạt các tập đoàn đa quốc gia thuê gia công ở đại lục, đồng thời cam kết sẽ đổi mới hoạt động sản xuất trong nước. Phát biểu tại hội trường của Hiệp hội Công nhân ôtô Mỹ, cựu Phó tổng thống cáo buộc ông Trump đã nuốt lời hứa khi không giải quyết được vấn đề trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Ông Biden dự định theo đuổi cách tiếp cận "củ cà rốt và cây gậy", trong đó chính quyền do ông đứng đầu sẽ tăng thuế đánh vào các nguồn lợi ở nước ngoài của các công ty Mỹ, nhưng giảm thuế ưu đãi các doanh nghiệp quyết định đưa việc làm và đầu tư trở về nước.

Các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử cho thấy, cả hai ứng viên đang bám đuổi nhau rất sát về tỷ lệ tín nhiệm của cử tri về khả năng điều hành nền kinh tế.

Giới quan sát lưu ý, đương kim Tổng thống Mỹ từng đi đúng hướng trong việc giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc cho đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát, phá hủy tất cả. Ngoài ra, tổng giá trị giao dịch thương mại giữa hai quốc gia đã trên đà giảm khi các biện pháp áp thuế "ăn miếng, trả miếng" lẫn nhau bắt đầu có hiệu lực.

Sau khi chứng kiến số việc làm trong lĩnh vực sản xuất hồi tháng 11/2019 tăng cao đến kỷ lục trong vòng 12 năm qua, nước Mỹ đã mất hơn 700.000 việc làm vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây của Gallup, tới 57% người Mỹ được hỏi hiện không tán đồng cách ông Trump ứng phó với Trung Quốc, trong khi tỷ lệ ủng hộ ông là 40%.

Scott Paul cho rằng, ông Trump rõ ràng đang gặp thách thức lớn khi bảo vệ thành quả khi thực hiện cam kết chuyển đổi dòng chảy thương mại với Trung Quốc và gia tăng số việc làm trong lĩnh vực sản xuất trong nước. Do đó, nếu tiếp tục theo đuổi các chiêu bài cũ, lãnh đạo Nhà Trắng được tin có thể gặp bất lợi trước đối thủ trong cuộc đua tái cử năm nay.

Tuấn Anh

Ông Trump đang tạo ra bước ngoặt trong lịch sử thế giới?

Ông Trump đang tạo ra bước ngoặt trong lịch sử thế giới?

Việc ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ làm dấy lên câu hỏi rằng đây là một bước ngoặc lớn trong lịch sử thế giới hay chỉ là một biến cố nhỏ.

Lý do nhiều đại gia công nghệ Mỹ không muốn ông Trump tái cử

Lý do nhiều đại gia công nghệ Mỹ không muốn ông Trump tái cử

Những động thái mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ gia tăng áp lực với Trung Quốc, mà còn khiến các đại gia công nghệ ở Thung lũng silicon đứng ngồi không yên.