{keywords}
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: The Atlantic

Ngay cả trước khi đắc cử, ông Trump dường như đã có cái nhìn khái quát về quyền năng chính trị của mình. Theo báo NPR, chính khách Cộng hòa từng có phát biểu nổi tiếng tại một cuộc mít tinh vận động tranh cử năm 2016 rằng: "Tôi có thể đứng ở giữa Đại lộ số 5, bắn ai đó và không để mất bất kỳ cử tri nào".

Các luật sư của ông Trump về sau đã đề cập đến loại quyền miễn trừ pháp lý như vậy trước tòa.

Tranh cãi về quyền ân xá của tổng thống

Cây bút bình luận Nina Totenberg nhận định, ngay từ những ngày đầu mới nhậm chức, ông Trump dường như cũng đặc biệt quan tâm tới quyền ân xá của tổng thống.

Đối với Tổng thống Trump, đây gần như là quyền tuyệt đối và ông không cần hỏi ý kiến bất cứ ai. Ngay từ khi phe Dân chủ xúc tiến cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp tổng tuyển cử Mỹ, lãnh đạo Nhà Trắng đã hỏi các phụ tá liệu ông có thể tự ân xá cho bản thân hay không.

Ông Trump đã quay trở lại với câu hỏi trên trong vài tuần trở lại đây. Nhiều báo đài bao gồm cả ABC và New York Times trích dẫn các nguồn thạo tin hé lộ, tổng thống sắp mãn nhiệm đã chia sẻ với các cố vấn mong muốn tự ân xá cho bản thân, cũng như vợ con để họ không thể bị điều tra và bị truy tố về các tội cấp liên bang.

Nếu ông Trump hiện thực hóa mong muốn, đặc biệt là tự ân xá cho mình, điều đó sẽ đưa ông tới một địa hạt pháp lý chưa từng được khám phá, cũng như có nguy cơ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho tương lai.

Tổng thống Mỹ thực sự có quyền ân xá phạm vi rộng, nhưng không hoàn toàn vô hạn. Hiến pháp trao cho nhà lãnh đạo chính phủ quyền ân xá những người khác vì các tội cấp liên bang có thể đã phạm phải dù họ có bị buộc tội hay không vào thời điểm ông tại nhiệm. Song, nhà lãnh đạo không thể ân xá cho mình khỏi việc bị luận tội và cũng không có thẩm quyền ân xá cho bất kỳ ai phạm tội theo luật của các tiểu bang. Do đó, ông Trump hiện không có khả năng ngăn chặn cuộc điều tra đang tiếp diễn về các hoạt động tài chính của mình ở New York.

Trong khi một số học giả về Hiến pháp cho rằng quyền ân xá là tuyệt đối, hầu hết những người khác tin một tổng thống không thể tự ân xá cho chính mình.

Cass Sunstein, giáo sư luật thuộc Đại học Harvard giải thích, ý tưởng về ân xá bắt nguồn từ quan điểm về lòng thương xót hoặc ân sủng của luật pháp Anh. Theo ông Sunstein, điều đó không có nghĩa là thể hiện lòng thương xót hay ân sủng đối với bản thân. Các học giả khác lưu ý, về mặt ngôn ngữ, ân xá diễn đạt việc người có quyền làm điều đó mang lại lợi ích cho người khác chứ không phải cho chính mình.

Theo giáo sư luật Brian Kalt thuộc Đại học Michigan, lý lẽ thuyết phục nhất chống lại việc tổng thống tự ân xá là điều đó "vi phạm nguyên tắc không ai có thể là thẩm phán trong vụ việc của chính mình". Thực tế, đây là ý kiến pháp lý chính thức do Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra vào năm 1974, trong nhiệm kỳ tổng thống của Richard Nixon.

Tuy nhiên, ông Trump là người nhiều lần phá vỡ các thông lệ và việc ân xá cũng không phải ngoại lệ.

Giáo sư luật Jack Goldsmith đến từ Đại học Harvard đã xem xét tất cả các lệnh ân xá và giảm án mà Tổng thống Trump từng ban hành. Ông xác định, ít nhất 85 trong số 94 người được hưởng khoan hồng có mối liên hệ cá nhân hoặc chính trị nào đó với ông Trump.

Ông Goldsmith, người từng đứng đầu Văn phòng Cố vấn Pháp lý thuộc Bộ Tư pháp dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush lưu ý rằng, những tranh cãi về ân xá hầu như không phải là chuyện mới. Điểm mới là mức độ ông Trump "vượt mặt" Văn phòng Bộ Tư pháp chuyên trách việc xử lý các đơn xin ân xá.

"Ông Trump thích thực hiện các quyền của văn phòng tổng thống và ông ấy đặc biệt thích làm như vậy, nếu có điều gì trong đó dành cho cá nhân ông ấy và nếu ông ấy nghĩ điều này sẽ khiến đầu của giới tinh hoa chính trị nổ tung", ông Goldsmith bình luận trên trang NPR.

Viễn cảnh chưa từng có tiền lệ

Cho đến nay, chưa có tổng thống Mỹ nào từng ân xá cho bản thân. Ông Nixon khi còn đương nhiệm từng cân nhắc việc đó, nhưng khi Bộ Tư pháp công khai quan điểm rằng đó là vi phạm Hiến pháp, ông đã không hiện thực hóa ý định. Song, hiện có nhiều lo ngại về việc ông Trump sẽ hành động khác biệt và tạo ra một tiền lệ mới.

Kenneth Gormley, Chủ tịch Đại học Duquesne ở Pittsburgh và là tác giả cuốn sách "Các tổng thống và Hiến pháp: Một lịch sử sống động" đề cập đến viễn cảnh đáng bạo động khi tiền lệ được thiết lập. Ông nêu ví dụ, một tổng thống trước khi rời Nhà Trắng có thể bán các bí mật quốc gia, mã hạt nhân để lấy hàng tỷ đô la, rồi sau đó tự ân xá trong những ngày cuối cùng tại vị.

Học giả Goldsmith nhấn mạnh, chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Joe Biden đang đối mặt với vô số áp lực phải điều tra và có khả năng truy tố ông Trump vì một số hành động, kể cả vụ những người ủng hộ lãnh đạo Nhà Trắng sắp mãn nhiệm tấn công trụ sở quốc hội, gây bạo loạn trên Đồi Capitol ngày 6/1.

Mặc dù ông Biden trước đây tỏ ra không hào hứng với ý tưởng này, nhưng ông Goldsmith nhận định mọi chuyện sẽ thay đổi nếu ông Trump tự ân xá. Bộ Tư pháp cũng có khả năng "sẽ không muốn chấp nhận điều họ cho là thực thi quyền ân xá trái với Hiến pháp".

Chuyên gia Gormley cũng tán đồng quan điểm trên. Ông Gormley tin sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Biden sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Theo lời ông Gormley, tân tổng thống có trong tay nhiều lựa chọn, ví dụ vô hiệu hóa quyết định tự ân xá của ông Trump và sẵn sàng tham gia cuộc chiến pháp lý nếu người tiền nhiệm kiện ra tòa hoặc Bộ Tư pháp có thể công bố một quan điểm pháp lý, nêu rõ các lệnh ân xá như vậy vượt quá quyền hạn của tổng thống theo quy định Hiến pháp.

Ông Goldsmith lưu ý, chính quyền Biden đơn giản có thể mở một cuộc điều tra mới nhằm vào ông Trump, thậm chí triệu tập một đại bồi thẩm đoàn để nghe các bằng chứng. Viễn cảnh ấy gần như chắc chắn sẽ dẫn đến vụ kiện phản đối từ phía ông Trump, nhưng ông Goldsmith đánh giá, ngay cả ở Tòa án tối cao mà phe bảo thủ chiếm đa số, sẽ không có đủ 5 phiếu ủng hộ để duy trì hiệu lực của lệnh tự ân xá.

Tất nhiên, trong trường hợp ông Trump thắng (dù khả năng này được tin rất thấp), sẽ có một thông lệ nữa trong lịch sử Mỹ bị phá vỡ.

Tuấn Anh 

Những mầm mống dẫn tới vụ bạo loạn rúng động Mỹ

Những mầm mống dẫn tới vụ bạo loạn rúng động Mỹ

Nhà chức trách Mỹ bị bất ngờ khi bạo lực bùng phát trên Đồi Capitol. Họ dường như đã mất cảnh giác trước những dấu hiệu cảnh báo tồn tại cả trên mạng và trên các đường phố.

Đảng Dân chủ vạch ra những kịch bản luận tội ông Trump

Đảng Dân chủ vạch ra những kịch bản luận tội ông Trump

Đảng Dân chủ đưa ra những kịch bản để luận tội Tổng thống Donald Trump trở nên khả thi nhất mà không ảnh hưởng đến hoạt động chính phủ mới dưới thời ông Biden.